Trong những ngày mùa xuân này, đồng bào dân tộc Ê Đê (tỉnh Đắk Lắk) tạm gác hết việc đồng áng để cùng nhau tham gia các lễ hội. Trước đó, vào cuối tháng Chạp, buôn làng sắm sửa lễ cúng “Bến nước”, cầu thần linh sang mùa xuân mới ban cho bà con dồi dào sức khỏe, làm ăn khá giả, cho thóc đầy nhà, ngô đầy sân...
Già làng chuẩn bị nghi lễ cúng Bến nước. Ảnh: Đức Minh.
Lễ cúng bến nước là đặc trưng văn hóa Ê Đê. Từ bao thế hệ nay, người Ê Đê luôn có một truyền thống tốt đẹp là trân trọng nguồn nước hơn cả hạt muối, hạt gạo. Họ cho rằng, những ngày trước khi phải du canh du cư khắp nơi tìm mảnh đất an cư thì có thể nhịn đói cả tuần nhưng không thể không có nước uống. Bởi vậy, khi tìm được một nguồn nước trong lành thì cả buôn làng phải hết lòng gìn giữ. Dù hôm nay cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nước máy đã được dẫn về từng buôn làng nhưng người Ê Đê vẫn lấy từ bến nước để chế rượu cần và thờ cúng.
Chị H’Liên, buôn Súp, huyện Cư Mgar cho biết, tục cúng bến nước của người Êđê có từ khi hình thành các buôn làng. Cúng bến nước để các vị thần biết được nơi đó có dân làng sinh sống mà ban cho sức khỏe, làm ăn khấm khá. Tại bến nước này, sau mùa rẫy, trước người dân buôn làng thầy cúng khấn cầu xin Giàng cho nguồn nước trong lành, không bao giờ cạn, để mọi người uống nước này đều mạnh khỏe lên nương rẫy làm ra hạt lúa, hạt ngô cho cuộc sống ấm no, đủ đầy. Lễ cúng của người Ê Đê có thầy cúng và chủ lễ, chủ lễ thường là chủ bến nước.
Theo phong tục của người Ê Đê, trước đây muốn lập một buôn làng mới, chủ buôn (người phụ nữ đại diện cho quyền lực mẫu hệ của cộng đồng) cùng những anh hoặc em trai của mình (gọi là dăm dei), làm lễ xin tổ tiên ông bà và các vị thần linh của núi rừng để tìm bến nước mới. Người tìm ra bến nước được mọi người trong cộng đồng gọi là chủ bến nước (pô pin êa).
Để chuẩn bị lễ cúng, trước đó già làng, chủ bến nước họp bàn với dân làng phân công thanh niên làm vệ sinh khu vực bến nước, nguồn nước và sửa đường vào bến. Phụ nữ, người già thì dọn dẹp nhà cửa, đường làng ngõ xóm. Theo phong tục, lễ cúng bến nước sẽ diễn ra trong 3 ngày: Ngày thứ nhất, khi bà con tập trung đông ở Bến, đàn ông chuẩn bị các lễ vật, phụ nữ thì lo việc bếp núc. Các lễ vật gồm 1 con heo đực đen, 9 ché rượu. Thịt heo thái nhỏ đựng vào nia, trầu cau, gạo, cơm, xôi…bày bên các ché rượu, tiết heo có pha rượu đựng trong các chén đồng…
“Hỡi các thần linh ở bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Hôm nay chúng tôi cúng bến nước, xin thần nước bảo vệ sức khỏe cho đồng bào, nước luôn luôn chảy trong, chảy suốt, chảy sạch. Xin tổ tiên, thần nước phù hộ buôn làng đoàn kết, con cháu thảo hiền…” - lời khấn của thầy cúng âm vang cả núi rừng, mở đầu phần nghi thức Lễ cúng bến nước sẽ diễn ra trong 2 ngày.
Sau 2 ngày làm lễ cúng tại bến nước, đoàn người sẽ trở về nhà chủ bến nước làm lễ cúng thần đất. Cúng xong, mọi người lên nhà dài làm lễ cúng sức khỏe cho chủ bến nước, mọi người trong buôn. Kết thúc lễ cúng mọi người sẽ cùng ăn uống, hát dân ca, thổi nhạc cụ truyền thống… cho đến khuya mới về.
Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, lễ cúng bến nước còn truyền đi thông điệp giáo dục mọi người trong buôn có trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước sạch chính là bảo vệ sức khỏe của chính chúng ta.