Lê Đại Chúc, nỗ lực đi tìm cái mới

NGUYỄN HIẾU 24/11/2022 07:28

Đề tài trong tranh Lê Đại Chúc khá đa dạng, bao gồm chân dung, phong cảnh, tĩnh vật… Nhưng có lẽ nổi bật nhất và cũng bộc lộ rõ nhất tài năng của ông với đề tài chân dung, xứng danh là “vua chân dung” như nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn đã phong cho ông.

Họa sĩ Lê Đại Chúc bên giá vẽ.

“Ông vua chân dung”

Tại triển lãm năm 1995 tại Hà Nội, khi xem tranh của Lê Đại Chúc, nhạc sĩ - họa sĩ Văn Cao đã khẳng định “vẽ như thế này cũng coi là thầy rồi”. Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thuở sinh thời đã khẳng định: “Chúc là vua chân dung”.

Danh họa Bùi Xuân Phái nói với họa sĩ Lưu Công Nhân khi chứng kiến nỗ lực trong hội họa của Lê Đại Chúc đã khẳng định: “Chúc nó sẽ trở thành một Grand Maitre (một bậc thầy lớn)”. Họa sĩ Trần Duy trong một lần xem triển lãm của Lê Đại Chúc đã thốt lên: “Ông Chúc ơi ông đã tới đỉnh vinh quang rồi đấy”. Còn ngài Herbert P.Philips - giáo sư nhân chủng học trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Henrry Kissngie - Giám đốc Hội đồng Văn hoá châu Á vào ngày 25/7/1993 đã viết “Tại TPHCM, tôi đặc biệt ấn tượng về họa sĩ Lê Đại Chúc, người vẽ như được đào tạo tại Paris”...

Trong lần được bà Anabel Loyd - Tổ chức “trẻ em vô gia cư thế giới” mời họa sĩ Lê Đại Chúc tổ chức triển lãm thật long trọng tại London (Anh). Trong triển lãm này Ngài Edward Heath cựu Thủ tướng Anh đã đến dự và mua bức “Mưa trong nắng”. Đặc biệt trong thời gian Lê Đại Chúc ở Anh, họa sĩ Humphrey Ocean - Viện sĩ Viện Hàn lâm mỹ thuật Hoàng gia Anh Quốc sau khi dự triển lãm của Lê Đại Chúc, biết ông có tài vẽ vừa nhanh vừa đẹp đang làm chấn động giới sưu tầm và họa sĩ London, ngài Viện sĩ đã mời Lê Đại Chúc tới xưởng vẽ của mình để trong hai tiếng làm một cuộc thi nhỏ “vẽ chân dung của nhau”.

Trong khi ngài Viện sĩ vẽ như nhập đồng, ông đã hoàn thành liền hai bức chân dung Lê Đại Chúc, thì họa sĩ Việt Nam vẫn cẩn trọng, thong thả và cũng hoàn thành bức chân dung trong thời gian cho phép. Nhìn bức chân dung vẽ mình, ngài Viện sĩ trầm trồ “bức chân dung ông Chúc vẽ tôi là bức chân dung đẹp nhất mà tôi được đồng nghiệp vẽ”. Nhìn chân dung bà Anabel Loyd và chân dung Viện sĩ H. Ocean, nữ diễn viên nổi tiếng của London Sherry Lunghi đã mời Lê Đại Chúc vẽ chân dung mình. Sau hai tiếng bức chân dung của nữ diễn viên hoàn thành trong sự vui mừng của người mẫu.

Cũng thời gian này Lê Đại Chức còn vẽ chân dung cho một số gia đình thuộc gia tộc Nữ hoàng Anh và Thủ tướng Winston Churchill. Nhưng ngay cả khi đã quen với những cuộc vẽ chân dung các nhân vật nổi tiếng của nước ngoài thì chính họa sĩ cũng thật ngạc nhiên khi vào năm 2010 nhận được thư mời của ông David Thomas Giám đốc tổ chức Indochina Art mời họa sĩ đi thăm Mỹ và vẽ chân dung các nhân vật nổi tiếng của Mỹ như: Tổng thống Obama, Tỉ phú Oprah Winfrey, Bill Gates là những người mà ông cảm phục về lòng bác ái và tài lãnh đạo của họ. Kết quả của chuyến đi họa sĩ Lê Đại Chúc đã hoàn thành được hàng loạt bức chân dung các nhân vật danh tiếng của xứ sở cờ hoa.

Nói về chuyến đi tuyệt vời này họa sĩ cho biết: “Trong những ngày ở Mỹ, tôi đã ngộ ra rằng: Trong các thứ nghệ thuật thì nghệ thuật sống mới là nghệ thuật quan trọng nhất. Và đấy chính là những nghệ sĩ lớn, tiêu biểu cho nghệ thuật này. Tôi hãnh diện vì có một bộ sưu tập chân dung họ”.

Đối với giới hội họa trong nước, hơn 40 năm nay từ những tác phẩm đầu tay đang trong giai đoạn học nghề vào những năm giữa thập niên 60 của thế kỉ trước đến nay với các chùm sáng tác gần đây nhất như: “Chư ngã vô pháp”, “hai vũ nữ”, bộ 2 bức “lên đường”, bộ 2 bức “kĩ sĩ”, bộ 2 bức “người và ngựa”…

Lê Đại Chúc đã trở thành một thương hiệu lớn trong hội họa Việt Nam. Thương hiệu này không chỉ bởi họa sĩ đang là người vẽ tranh nhiều nhất nước ta với khối lượng khổng lồ với hàng nghìn tác phẩm, trong đó không thiếu những bức khổ lớn mỗi chiều lên đến hàng mét mà còn vì phong cách đặc biệt của ông thể hiện ở việc sử dụng những mảng màu rực rỡ, cùng ánh sáng được sử dụng tài tình với bút pháp phóng túng, ngang tàng gần như bỏ qua tất cả mọi quy định, thói quen về hội họa. Đề tài trong tranh Lê Đại Chúc khá đa dạng, bao gồm chân dung, phong cảnh, tĩnh vật… Nhưng có lẽ nổi bật nhất và cũng bộc lộ rõ nhất tài năng của ông với đề tài chân dung.

Ở mảng chân dung này trước tiên ta thấy hiển hiện ra những người thân của ông. Đó là bố mẹ ông, vợ, con trai, anh chị em, các cháu... Mỗi nhân vật ông thường trở đi trở lại với sự thể hiện khác nhau. Sau người thân là đến những người xung quanh, những nhân vật nổi tiếng trong nghệ thuật và trong các lĩnh vực khác.

Các danh nhân Lê Đại Chúc đã vươn tới những nhân vật kì vĩ trong tôn giáo như: Chúa Giêsu, Đức Phật… Lần đầu tiên khi cùng NSƯT Lê Chức em trai Lê Đại Chúc về căn nhà nổi tiếng của gia đình ông trong một ngõ hẻm phố Cầu Đất, tôi thực sự ngạc nhiên khi đối diện với những tác phẩm của Lê Đại Chúc.

Bức họa sĩ vẽ về Chúa Giêsu vừa gần gũi vừa cao siêu, mang đủ triết lý nhân sinh, tâm linh và lẽ sống trên đời. Còn trong mảnh chân dung những người thân thì bức chân dung của thi sĩ Lê Đại Thanh, bà Đinh Ngọc Anh thân sinh ra họa sĩ đến chân dung con trai, con gái, người chị, người em và ba cô cháu nổi tiếng của họa sĩ là Lê Khanh, Lê Vân, Lê Vi… Rồi chân dung Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Gia Trí… đến Tổng thống Obama, Tỉ phủ Bill Gates… đều được họa sĩ thể hiện đúng tính cách của các nhân vật với độ khái quát cao.

Chân dung nhà thơ Lê Đại Thanh (bố của họa sĩ Lê Đại Chúc).

Một họa sĩ uyên bác

Nhân nói về tranh chân dung, ở nước ta hiện nay cũng có không ít họa sĩ thể hiện đề tài này, nhưng có thể nói rất ít họa sĩ khiến chân dung của họ thành các tác phẩm nghệ thuật. Vẽ chân dung tưởng như dễ mà lại khó. Nếu tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc tả thực thì hầu hết chân dung theo lối vẽ này chỉ là những bức truyền thần đơn giản. Còn ở Lê Đại Chúc, mỗi chân dung của ông đều là những tác phẩm nghệ thuật mang chiều sâu khái quát. Không phải ngẫu nhiên tranh chân dung của Lê Đại Chúc nằm trong nhiều bộ sưu tập trong nước cũng như trên thế giới.

Nguyên nhân tranh chân dung của ông hầu hết trở thành những tác phẩm nghệ thuật bởi vì ở mỗi bức tranh người ta lại nhận thấy tài năng của Lê Đại Chúc và sự tìm tòi của ông trong sáng tạo nghệ thuật. Ở phần trên tôi vừa điểm đến một loạt những tác phẩm gần đây nhất của ông. Từ tạo hình đến bố cục và màu sắc đều tràn đầy sự biến ảo.

Nhà văn Chu Lai khi xem tranh của Lê Đại Chúc đã có một nhận xét khá hay: “Dường như tất cả những khắc khoải, vui buồn nơi trần thế đều được hội tụ đậm đặc ở đây. Bằng tài hoa táo bạo đượm chất tâm linh huyền hoặc, tranh của anh đã đưa cảm nhận của người xem bay lên khỏi cõi tục huyền để hòa nhập với những lấp lánh của trời đất, thiên nhiên, vũ trụ bí hiểm, rộng dài”.

Người ta rất ngạc nhiên khi Lê Đại Chúc là một họa sĩ được không ít người trong giới chuyên môn cả trong lẫn ngoài nước đánh giá là một trong 14 họa sĩ tiêu biểu cho hội họa Việt Nam đương đại cùng: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… nhưng dường như ông chưa học một trường, lớp đào tạo hội hoạ nào.

Chân dung danh họa Nguyễn Gia Trí.

Vì sao Lê Đại Chúc lại trở thành một họa sĩ kì tài như vậy?

Điều may mắn với Lê Đại Chúc là ông được sinh ra trong một gia đình nghệ thuật có truyền thống. Thân phụ ông là nhà thơ, kịch sĩ Lê Đại Thanh, mẹ ông, bà Đinh Ngọc Anh là một diễn viên tài ba. Thuở thiếu thời ông chứng kiến nhiều các văn, nghệ sĩ đến chơi ở nhà mình. Trong số khách đó có hai họa sĩ bậc thầy là Bùi Xuân Phái và Nguyễn Sáng. Bằng con mắt xanh hai vị họa sĩ lớn này đã nhận ra tài năng hội họa bẩm sinh của Lê Đại Chúc. Mỗi bận đến nhà hai ông đều chỉ bảo tận tình cùng như truyền sự say mê hội họa cho Lê Đại Chúc.

Kiến thức về chuyên môn hội họa Lê Đại Chúc đều lĩnh hội qua hai người thầy này. Năm 1978, Lê Đại Chúc quyết định vào TPHCM để được gần gũi hoạ sĩ Nguyễn Sáng. Những năm tháng gần người thầy tận tâm của mình Lê Đại Chúc đã tiếp thu được sự đam mê và kĩ thuật sáng tác hội họa.

Cùng với lời chỉ bảo tận tình của thầy Sáng, Lê Đại Chúc chịu khó tham khảo tài liệu nên tiếp thu được lịch sử hội họa thế giới và Việt Nam, khiến ông trở thành một trong những họa sĩ uyên bác không chỉ với nghề mà còn cả kiến thức. Còn mỗi khi Bùi Xuân Phái vào TPHCM thì Lê Đại Chúc lại học được ở thầy kiến thức về cảm giác, màu sắc và không gian trong hội họa…

Còn hai năm nữa Lê Đại Chúc vào tuổi 80 song những tác phẩm mới nhất của ông vẫn tràn đầy sức sáng tạo nghệ thuật, hiển hiện một nỗ lực đi tìm cái mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lê Đại Chúc, nỗ lực đi tìm cái mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO