Là người có nhiều năm tham gia nghiên cứu và phục dựng lễ hội truyền thống, nhân dịp đầu xuân, PGS.TS Bùi Quang Thắng đã chia sẻ quan điểm trong sự dịch chuyển của lễ hội truyền thống để phù hợp với tâm thế của con người hiện đại. Nên đi hội thế nào, hành xử ra sao để ngày xuân du hội được đẹp, thanh thản, để chúng ta thực sự thụ hưởng một không gian tâm linh và đậm đặc màu sắc văn hóa truyền thống…
Với nhu cầu phát triển của xã hội việc tổ chức lễ hội cũng cần có nhiều thay đổi. Ảnh: Quang Cảnh.
Lễ hội thực chất là việc làng
Việt Nam hiện có hơn 7.000 lễ hội thế nhưng sự phân bố các lễ hội là không đều. Trong đó, tại vùng đồng bằng Bắc Bộ là hết sức “đậm đặc”. Còn ở vùng miền núi, miền Nam là khá thưa. Tuy nhiên, lý do trên cũng là những yếu tố phụ thuộc vào vấn đề của lịch sử, quá trình hình thành đất nước. Nhưng bản chất của lễ hội như các cụ đã nói đây là việc làng. Mỗi một làng người ta nói “trống làng nào làng đấy đánh, thánh làng nào làng đấy thờ”.
Cho nên, việc mỗi một làng có một ông thánh, một ngôi đền hoặc miếu là chuyện đã có hàng nghìn năm nay. Ngoài ra, cộng đồng làng của người Việt còn nghĩ ra lễ hội để thờ những vị thánh, thành hoàng của mình có nghi lễ hơn, sáng tạo tinh thần hơn. Ở đó là những sáng tạo ra những nghi lễ, diễn xướng, tục xung quanh lễ hội và để thờ. Ngoài ra chức năng quan trọng nhất của lễ hội chính là để gắn kết cộng đồng, biểu thị sự sáng tạo văn hóa của cộng đồng. Đây là tình thần căn bản nhất của lễ hội.
Như chúng tôi nghiên cứu thì có một số điều chúng ta đi lễ hội nên chú ý. Thứ nhất, một lễ hội hay khác với một lễ hội bình thường ở chỗ nào? Thông qua các lễ hội những thể hiện về mặt vật chất, vật thể sẽ thể hiện được sự quy mô giàu có của ngôi làng đó. Sự giàu có ở đây là việc huy động được tài lực của cộng đồng đến đâu. Vì ngày xưa, các làng nông thôn còn nghèo thì 5 năm mới làm được hội chính một lần, còn lại chỉ làm lại hội lệ.
Thứ hai, chính là các nghi lễ trong một lễ hội. Tuy nhiên, tôi đánh giá một lễ hội thành công hay không chính là ở các diễn xướng dân gian. Đây là một hoạt động công cộng, tập thể đông người để diễn tả lại những thần tích của các vị thánh.
Như lễ hội đền Xuân Phả thì đây là nơi thờ dòng họ nhà Đinh. Trong đó, với nhiều nhà nghiên cứu thì múa Xuân Phả là một diễn xướng cực kỳ xuất sắc. Các diễn xướng đã diễn tả hình ảnh các đoàn xứ thần các nước đến yết kiến vương triều. Thậm chí, rất nhiều người cũng đã từng đặt câu hỏi tại sao ở một vùng quê nghèo ở Việt Nam lại có những điệu múa xuất sắc như vậy…
Kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại
Tôi đã được giao tham gia tổ chức phục dựng nhiều lễ hội truyền thống. Như lễ hội của 5 làng ở Tích Sơn, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc (lễ hội làng, đã thất truyền trên 50 năm); lễ hội Xuân Phả, Thọ Xuân, Thanh Hóa (lễ hội làng, thất truyền gần 50 năm); lễ hội Lam Kinh, Thọ Xuân, Thanh Hóa; lễ hội Kiếp Bạc, Hải Dương; lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam; lễ hội Lảnh Giang, Duy Tiên, Hà Nam…
Từ những nghiên cứu thực nghiệm trên, theo tôi cần nhận diện chính xác vốn lễ hội truyền thống ở Việt Nam. Gần đây có nhiều ý kiến nói lễ hội truyền thống trong xã hội đương đại đang vận hành một cách hỗn loạn theo chiều hướng tiêu cực bị biến dạng, mất đi bản sắc và vì thế kém hấp dẫn. Tôi cho rằng, ý kiến kiểu này là không xác đáng, bởi sự nhầm lẫn căn bản.
Sau khi thực hiện một số dự án tổng điều tra văn hóa phi vật thể ở một số địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Tây Ninh, TP HCM và TP Hội An. Qua những số liệu mà chúng tôi thu thập được đã phản ánh khá chính xác về vốn lễ hội mà các địa phương đã và đang có, những số liệu này cũng phản ánh khá trung thực chất lượng của những lễ hội này.
Ví dụ ở Hà Nội thực tế tỷ lệ những lễ hội có chất lượng cao, có bản sắc chỉ chiếm số phần trăm rất nhỏ so với lễ hội của địa phương. Như vậy, bên cạnh những lễ hội đặc sắc và phục hồi lại những yếu tố văn hóa độc đáo đã bị thất truyền thì đại đa số lễ hội truyền thống của ta chỉ ở tình trạng “nhàn nhạt”. Nói một cách khác, thực trạng lễ hội mà nhiều người cho là bị “xuống cấp” hiện nay không phải là một sự biến đổi tiêu cực mà là bức tranh lễ hội “nguyên bản” của cha ông ta để lại.
Có thể nói, chúng ta bảo tồn lễ hội chỉ theo mô hình nguyên gốc. Thế nên chúng ta đang chấp nhận tình trạng “giậm chân tại chỗ” một cách nghèo nàn, đơn điệu của đại đa số lễ hội truyền thống ở Việt Nam.
Tôi cho rằng, với sự phát triển kinh tế xã hội ngày nay, với nhu cầu văn hóa, du lịch ngày càng tăng của các tầng lớp nhân dân, bên cạnh việc bảo tồn nguyên gốc những lễ hội truyền thống kinh điển thì việc phát triển những lễ hội truyền thống có tiềm năng là một mô hình bảo tồn tích cực để mang lại lợi ích cho các cộng đồng.
Ngay cả khi chúng ta bảo tồn lễ hội theo mô hình bảo tồn nguyên gốc thì nhiều nghi thức, diễn xướng cổ truyền cũng được đương đại hóa, ít nhất ở số lượng người tham gia các nghi lễ hay diễn xướng đó. Tiếp đó, yếu tố đương đại có thể tạo nên tính độc đáo cho lễ hội truyền thống. Số lượng lễ hội có tính độc đáo bởi những trò diễn độc đáo, hấp dẫn du khách rất ít ỏi.
Vì thế, khi tổ chức một lễ hội truyền thống nào đó, chúng ta phải lưu ý đến khả năng có thể tái dựng hoặc sáng tạo thêm những trò diễn, diễn xướng độc đáo để nó trở nên khác biệt với những lễ hội khác. Những sáng tạo này có thể theo thể thức và ngôn ngữ dân gian, nhưng cũng có thể là những sáng tạo dựa trên thể thức dân gian với nhưng ngôn ngữ của nghệ thuật đương đại. Khi tổ chức các lễ hội khác nhau, chúng tôi đã sử dụng cả hai phương thức sáng tạo trên và chúng đều mang lại hiệu quả về tính độc đáo.
Tuy nhiên, tổ chức lễ hội truyền thống như một sự kiện không chỉ có nghĩa là nhà tổ chức tập trung kinh phí, trí tuệ, nhân lực vào công tác tuyên truyền, PR, tiếp thị, chạy tài trợ và quảng bá cho lễ hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên internet… Đó chỉ mới là những kỹ năng truyền thông sự kiện. Nhà tổ chức còn cần phải có kiến thức về lễ hội truyền thống, có năng lực thẩm định nghệ thuật và tuân thủ quy trình của khoa học tổ chức sự kiện.