Sau khi chuyển quyền đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe sang cho Bộ Công an, Bộ GTVT lại nghĩ đến việc sinh ra thêm một loại giấy phép con do cơ quan này cấp đối với các lái xe kinh doanh vận tải. Điều đó khiến dư luận xã hội băn khoăn.
Tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, Bộ GTVT đề xuất các lái xe kinh doanh vận tải ngoài giấy phép lái xe, còn bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề do cơ quan này cấp.
Dự thảo luật cũng không quy định cụ thể về khung đào tạo nghiệp vụ kinh doanh vận tải, mà lại đề xuất để “mở” cho Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định.
Dư luận đặt vấn đề, tại sao bao nhiêu năm qua, việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe do Bộ GTVT thực hiện, không thấy cơ quan này đề xuất thêm “giấy phép con” là chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải?
Đến nay, việc cấp bằng lái xe chuyển sang Bộ Công an (quy định tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ), Bộ GTVT mới “phát kiến” ra loại giấy phép con này, liệu có phải vẫn muốn “giữ quyền”?
Liên quan đến an toàn lái xe trên đường, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc đào tạo “nghiệp vụ kinh doanh vận tải” và cấp chứng chỉ hành nghề không có sự liên quan nào.
Việc lái xe có đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường hay không phụ thuộc vào chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.
Nếu mọi khâu trong việc cấp bằng lái xe thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, không có tiêu cực, chất lượng lái xe sẽ tốt.
Khi mà chất lượng bằng lái đã được siết chặt, mọi cá nhân được cấp bằng đều đạt chuẩn quy định, sẽ không thể xảy ra tai nạn giao thông do tài xế.
Ngoại trừ những trường hợp tài xế say rượu, phê ma túy... gây tai nạn giao thông, bởi những nguyên nhân này nằm ngoài chất lượng lái xe khi được cấp bằng. Vậy thì có lý do gì lại phải “đẻ” thêm ra một loại giấy phép con là chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải?
Câu hỏi về chuyên môn giao thông đường bộ mà nhiều ý kiến đặt ra là việc tốn kém thêm công sức, tiền bạc của cả Nhà nước và người dân để đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải liệu có thể nâng cao hơn nữa chất lượng lái xe, giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông hay không?
Chắc chắn là không giúp ích gì nhiều, bởi nếu các tài xế đã “mất gốc” khi không học lái xe mà vẫn được cấp bằng thì có đến 10 chứng chỉ cũng vô dụng.
Một quy định hầu như không mang lại hiệu quả giảm thiểu TNGT, thậm chí còn gây phiền hà, tốn kém cho người dân, vì sao Bộ GTVT lại muốn đưa vào dự thảo luật?
Ngoài việc phải bỏ thêm một khoảng thời gian đi “học nghề” (dù ngắn hay dài), mất thêm không ít tiền bạc, người dân còn phải đối mặt với cơ chế xin – cho, phải quỵ lụy, thậm chí phải “bôi trơn” để lấy chứng chỉ hành nghề. Tiêu cực phát sinh từ đây chứ còn từ đâu nữa.
Dư luận nghi ngờ việc Bộ GTVT đề xuất thêm giấy phép con chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải là vẫn muốn “kiếm thêm thu nhập”, khi mà việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe buộc phải chuyển về cho Bộ Công an.
Còn có một luồng ý kiến khác cũng không phải là không có cơ sở, đó là khi bị “tước quyền” cấp bằng lái xe, Bộ GTVT phải nghĩ ra một loại giấy phép con để đảm bảo quyền lực chi phối.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhiều lần nhấn mạnh và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chung sức đồng lòng để xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hết lòng vì nhân dân phục vụ, nâng đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.
Song, với việc ngay khi bị mất đi quyền cấp bằng lái xe, Bộ GTVT lập tức đề xuất thêm giấy phép con là đã đi ngược lại tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ.
Hầu hết các lái xe vận tải đều thuộc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, do vậy việc Bộ GTVT đề xuất buộc phải có chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải không chỉ làm khó các lái xe, mà còn dẫn tới các động thái hành và nhũng nhiễu khiến doanh nghiệp bị kìm hãm không thể phát triển lớn mạnh.
Doanh nghiệp ì ạch, không thể phát triển, làm sao có thể tăng nguồn thu ngân sách, đảm bảo tăng trưởng chung của cả nước?
Lâu nay, khi được giao xây dựng các dự thảo luật, nghị định, thông tư để trình các cơ quan có thẩm quyền, hoặc tự ban hành, hầu hết các bộ, ngành đều có xu hướng “đẻ” thêm nhiều quy định không cần thiết để đảm bảo quyền lợi của bộ, ngành mình.
Thực trạng trên đã dần trở thành “lệ” khiến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đảm bảo chất lượng, thậm chí phạm luật, vi hiến.
Ấy vậy mà khi các luật, nghị định, thông tư bị “thổi còi” vì thiếu tính thực tiễn không thể triển khai trong thực tế, thậm chí vi phạm pháp luật buộc phải thu hồi, lại không có bất cứ ai phải chịu trách nhiệm.
Chỉ đơn giản là nếu ban hành văn bản sai, phạm luật, vi hiến thì thu hồi, sửa đổi là sẽ “hòa cả làng”. Đó là lý do mà trong những năm qua, “lệ” sinh giấy phép con không thể xóa bỏ, thậm chí có xu hướng tăng, dù Thủ tướng đã chỉ đạo phải tinh giản thủ tục, tránh gây phiền, hà tốn kém cho người dân, doanh nghiệp.