Trong hai ngày 20-21/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức đón tiếp đại diện chính quyền, Quốc hội Mỹ, đoàn ngoại giao các nước ở thủ đô Washington, các tổ chức, cá nhân, cán bộ, nhân viên, thân nhân các gia đình của Đại sứ quán và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Mỹ cùng đông đảo bà con Việt kiều đang sinh sống, học tập tại Mỹ đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ và ghi sổ tang tại trụ sở Đại sứ quán.
Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) đã tổ chức lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: TTXVN.
Tại Mỹ, đúng 9h30, toàn thể các cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam do Đại Sứ Phạm Quang Vinh dẫn đầu đã tiến hành các nghi thức trang nghiêm để viếng và tưởng nhớ nguyên Thủ tướng Phan Khải.
Trong giây phút thiêng liêng, Đại sứ Phạm Quang Vinh đã bày tỏ niềm xúc động và tiếc thương vô hạn đối với những công lao, đóng góp to lớn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đối với sự nghiệp Đổi mới của đất nước cũng như những đóng góp của nguyên Thủ tướng với tư cách một người Cộng sản kiên trung, suốt đời phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đại sứ Phạm Quang Vinh nêu bật những đóng góp của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đối với việc phát triển quan hệ Việt-Mỹ thông qua chuyến thăm Mỹ vào tháng 6/2005. Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Mỹ, đúng dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ hai nước (1995-2005) và 20 năm Việt Nam đổi mới. Đây là dấu ấn quan trọng trong quan hệ Việt-Mỹ.
Trong chuyến thăm này, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã đưa ra những thông điệp lớn cho quan hệ hai nước. Thứ nhất là khép lại quá khứ - một cuộc chiến tranh đau thương đối với dân tộc Việt Nam và mất mát đối với cả hai phía, nhưng cũng hướng tới tương lai. Hai là, làm sao phát triển quan hệ Việt-Mỹ theo định hướng hướng tới tương lai.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có một câu nói: "Dù quá khứ đau thương chúng ta cũng sở hữu rất nhiều cơ hội để hợp tác trong tương lai và đây chính là cánh cửa mở ra cho quan hệ hai nước."
Một thông điệp khác mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải muốn truyền tải đó chính là về một đất nước Việt Nam đổi mới và đang ngày càng hội nhập quốc tế và khu vực, phát huy vai trò và vị thế của mình trên trường quốc tế và mở rộng quan hệ với các nước.
Tại thời điểm đó, Việt Nam vẫn được cho là đất nước bao cấp và có nhiều hạn chế giao lưu với bên ngoài, chính vì vậy nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã nêu rõ với người dân Mỹ và chính giới Mỹ về một Việt Nam đổi mới và hội nhập, giúp tạo vị thế mới của Việt Nam và tạo đà quan hệ Việt Nam với Mỹ và các nước khác trên thế giới.
Ngay trong sáng 20/3, nhiều đoàn đại biểu, đại diện các nước Lào, Myanmar và kiều bào đã đến viếng và ghi sổ tang. Lễ viếng và ghi sổ tang sẽ được tổ chức hết ngày 21/3 tại Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ.
Để tỏ lòng thương tiếc và biết ơn nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đáp ứng nguyện vọng của bà con người Việt, bạn bè quốc tế, phù hợp với điều kiện sở tại, trong hai ngày từ 20-21/3, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã tổ chức lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và ghi sổ tang tại trụ sở ở New York (Mỹ).
Đông đảo đại diện phái đoàn các nước tại Liên hợp quốc, bạn bè Mỹ, cộng đồng người Việt tại địa bàn đã đến viếng và lưu bút những cảm xúc trước sự ra đi của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Tại New York, đúng 14h chiều 20/3, toàn thể các cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam tại New York do Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Nguyễn Phương Nga dẫn đầu đã tiến hành các nghi thức trang nghiêm để viếng và tưởng nhớ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Trong bầu không khí trang nghiêm, xúc động, Đại sứ Nguyễn Phương Nga đã điểm lại những công lao, đóng góp to lớn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đối với sự nghiệp Đổi mới của đất nước cũng như những đóng góp của đồng chí với tư cách một người Cộng sản kiên trung, suốt đời phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Bắt đầu từ 15h cùng ngày, Phái đoàn đã bắt đầu đón đoàn ngoại giao các nước, đoàn các tổ chức quốc tế tại New York và các cơ quan sở tại đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và ký sổ tang.
Thay mặt phái đoàn thường trực Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Liên hợp quốc, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Khiane Phansourivong đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam cùng gia đình của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Trưởng phái đoàn thường trực Cộng hòa Bulgaria tại Liên hợp quốc, Đại sứ Georgi Pannytov nhấn mạnh nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là nhà kiến trúc sư tiến trình hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế thế giới đồng thời là nhà chiến lược cho sự phát triển và thịnh vượng kinh tế của Việt Nam.
Trưởng phái đoàn thường trực Cuba tại Liên hợp quốc nhấn mạnh Cuba sẽ không bao giờ quên sự ủng hộ của nguyên Thủ tướng đối với Cuba cũng như những đóng góp của cá nhân ông đối với việc củng cố mối quan hệ giữa hai nhà nước.
Ngay trong chiều 20/3, nhiều đoàn đại biểu, đại diện các phái đoàn thường trực của Etiopia, Triều Tiên, Kyrgyzstan, Djibouti... đã đến viếng Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và ghi sổ tang.
Sáng ngày 20/3, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) đã tổ chức lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Trong không khí trang nghiêm, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Đại sứ Dương Chí Dũng và các cán bộ nhân viên Phái đoàn đã dành một phút mặc niệm nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Phát biểu tại lễ viếng, Đại sứ Dương Chí Dũng nhấn mạnh suốt cuộc đời nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, trong 70 năm hoạt động cách mạng, đặc biệt trong 9 năm đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông đã luôn hết lòng, tận tụy và không ngừng có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước, xứng đáng là người đứng đầu Chính phủ tài năng, đức độ, đưa kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn, bứt phá, đạt tăng trưởng cao liên tục.
Sau khi Phái đoàn Việt Nam tổ chức lễ viếng và mở sổ tang tưởng niệm nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đông đảo các Đại sứ, đại diện các Sứ quán, Phái đoàn ngoại giao các nước và lãnh đạo các Tổ chức quốc tế tại Geneva đã đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, trong đó có Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), ông William Lacy Swing, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới, ông Martin Chungong, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Lào tại Geneva, ông Kham-Inh Khitchadeth, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Litva tại Geneva, ông Andrius Krivas, đại diện các Phái đoàn Brazil, Pakistan...
Thay mặt hơn 11.000 cán bộ, nhân viên Tổ chức Di cư Quốc tế, Tổng Giám đốc William Lacy Swing bày tỏ trong sổ tang tưởng niệm: "Ý nghĩ của chúng tôi hướng về người dân Việt Nam trong giờ phút tiễn biệt nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải."
Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Đại sứ Dương Chí Dũng ghi sổ tang tưởng niệm nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: TTXVN.
Bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Đại sứ Trưởng Phái đoàn Lào tại Geneva, ông Kham-Inh Khitchadeth đã lưu lại trong sổ tang tưởng niệm nguyên Thủ tướng những tình cảm chân thành đối với "người bạn thân thiết của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào," đồng thời khẳng định: "Người dân Lào sẽ luôn ghi nhớ những đóng góp quý báu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhằm tăng cường tình hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Lào."
Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva tổ chức lễ viếng và ghi sổ tang tưởng niệm nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong ba ngày, từ 20-22/3.
Cũng trong ngày 20/3, Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Bern (Thụy Sĩ) đã tổ chức lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ.
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phạm Hải Bằng đã đọc lời tiễn biệt nhà lãnh đạo lão thành của đất nước, nhấn mạnh những đóng góp to lớn của ông đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đã dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ và vĩnh biệt nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Ngay trong ngày đầu tiên tổ chức lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Berne, nhiều Đại sứ, Đại biện các nước, đại diện các tổ chức quốc tế, lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Thụy Sĩ, Hội Thụy Sĩ-Việt Nam và đông đảo kiều bào đã đến viếng và ghi sổ tang tưởng niệm nhà lãnh đạo lão thành của Việt Nam.
Đại sứ Cuba, Aguilera de la Paz xúc động chia sẻ: “Xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam anh em cùng gia quyến nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - người bạn, người đồng chí, người anh em thân thiết của Cuba.”
Đại sứ Uruguay Jorge A. Meyer Long, bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của “nhà lãnh đạo, người đã chiến đấu cho nền độc lập, thống nhất đất nước từ khi còn trẻ tuổi và trên cương vị Thủ tướng Chính phủ đã khơi dậy tinh thần cải cách, hội nhập, đưa Việt Nam phát triển năng động, vì ấm no và hạnh phúc của nhân dân.”
Nhân dịp này, Đại sứ quán Việt Nam tại Bern đã nhận được điện chia buồn của nhiều cơ quan đại diện ngoại giao và các cá nhân tại Thụy Sĩ.
Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ mở sổ tang tưởng niệm nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong hai ngày 20-21/3.
Ngày 20/3, lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đã được tổ chức trang nghiêm, thành kính theo đúng nghi thức Quốc tang tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Rome (Italy).
Tại Rome, đến viếng và ghi sổ tang có đại diện Nhà nước, Chính phủ Italy, đoàn ngoại giao tại thủ đô Rome, các cơ quan đại diện Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Italy.
Trong nội dung lưu bút trên sổ tang, đại diện các đoàn ngoại giao ASEAN, Trung Quốc, hội đoàn người Việt, Hội lưu học sinh Việt Nam đều thể hiện sự chia sẻ và bày tỏ rất nhiều tình cảm tiếc thương trước sự ra đi của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, một lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam, người đã có những công lao, đóng góp to lớn vào sự nghiệp Đổi mới của quốc gia nói chung cũng như công tác đối ngoại nói riêng vào những thời điểm đất nước khó khăn nhất.
Trong lễ viếng, Đại sứ Việt Nam tại Italy Cao Chính Thiện đã có những chia sẻ về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, một người Cộng sản kiên trung, suốt đời phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đại sứ quán Việt Nam tại Rome sẽ tiếp tục mở sổ tang và đón tiếp các cá nhân, tổ chức, cộng đồng người Việt tại Italy, đại diện các cơ quan, chính quyền sở tại cũng như các phái đoàn ngoại giao ở Italy đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cho đến hết ngày 21/3.
Sáng 20/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan đã tổ chức lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Tham gia lễ viếng có Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Thị Hòa cùng toàn thể cán bộ nhân viên Sứ quán.
Cùng ngày, Đại sứ các nước ASEAN tại Hà Lan, Đại sứ và đại diện của các cơ quan đại diện ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Hà Lan và kiều bào cũng tới ký sổ tang tưởng nhớ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Lễ viếng và mở sổ tang tưởng niệm nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan tiếp tục được mở trong các ngày 20 và 21/3.
Sáng 20/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đã tổ chức lễ viếng và ghi sổ tang tưởng niệm nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, từ trần ngày 17/3. Lễ viếng kéo dài đến trưa ngày 22/3.
Tại Đông Âu, đúng 9h30, đoàn cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine do Đại sứ Nguyễn Anh Tuấn dẫn đầu đã vào viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Đại sứ đã xúc động thắp nén hương tưởng nhớ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Người đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong sổ tang, Đại sứ Nguyễn Anh Tuấn viết: “Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải mất đi là một tổn thất vô cùng to lớn đối với Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Đồng chí là tấm gương chiến đấu, lao động quên mình vì đất nước, vì nhân dân; là người con trung kiên, bất khuất của đất nước Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng; đồng chí có nhiều đóng góp cho công cuộc cải cách đưa đất nước thoát khỏi giai đoạn khó khăn nhất và từng bước hội nhập, phát triển vững mạnh như ngày hôm nay.”
Tiếp theo, là các đoàn của Đảng ủy ngoài nước tại Ukraine, đoàn Quân vụ, đoàn Thương vụ, đoàn của phu nhân và phu quân Đại sứ quán và đoàn của đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine.
Bắt đầu từ 10h cùng ngày, Đại sứ quán đã bắt đầu đón đoàn ngoại giao các nước, đoàn các tổ chức quốc tế tại Kiev, đoàn của Bộ Ngoại giao Ukraine, của Hội Hữu nghị Ukraine-Việt Nam, của Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Ukraine-Việt Nam và các cơ quan sở tại đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và ký sổ tang.
Đại diện sở tại và các nước đã dành những lời ca ngợi lòng yêu nước cũng như những đóng góp to lớn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đối với sự nghiệp xây dựng đất nước và phát triển kinh tế của Việt Nam trong suốt thời kỳ ông làm Thủ tướng Chính phủ.