Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và thương mại điện tử phát triển mạnh, công tác chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu và tăng cường quản lý, giao dịch xuyên biên giới được xác định mà một trong những nhiệm vụ chính.
Việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước.
Tại một hội thảo về chuyển giá và những vấn đề liên quan diễn ra vào hồi tháng 7 năm nay, một số liệu đã được đưa ra về thực trạng chuyển giá khá phức tạp. Điển hình tại một số địa phương có nhiều doanh nghiệp (DN) FDI kê khai lỗ như: Bình Dương có số DN FDI kê khai lỗ năm 2010 là 754/1.490 DN, chiếm 50,6%, trong đó có 20 DN lỗ quá vốn chủ sở hữu; TPHCM có 60% DN FDI kê khai lỗ và tại Đồng Nai thì tỷ lệ này là 52,2%.
Công tác đấu tranh kiểm soát chuyển giá trong thời gian qua cũng được chú trọng. Trong năm 2017, Chính phủ đã ban hành các quy định chống chuyển giá tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP, trong đó cập nhật tương đối đầy đủ thông lệ quốc tế tốt nhất về chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận. Qua thanh tra, kiểm tra nhiều doanh nghiệp, cơ quan thuế cũng đã phát hiện và và xử lý, số thuế thất thu lớn. Tổng hợp báo cáo của cơ quan thuế, trong khoảng 5 - 6 năm qua cho thấy đã có khoảng 1,5 tỷ USD số tiền giảm lỗ và số truy thu thuế là 10.000 tỷ đồng.
Chuyển giá nguy hiểm ở chỗ, nó không chỉ tồn tại ở DN FDI mà còn lan dần sang cả DN nội. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc từng chia sẻ rằng, nhiều DN nội địa cũng có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước.
Giới chuyên gia cho rằng, khi chặn chuyển giá cần hướng đến 2 cách thức mà các nhà đầu tư thường sử dụng. Thứ nhất, kiểm soát thật chặt chẽ việc liên quan đến giá hàng hóa, nguyên vật liệu, vật tư. Trong đó, để làm được việc này không chỉ có kiểm soát trong nước mà phải có sự liên thông quốc tế, thậm chí phải có được cả bản báo cáo tài chính của công ty mẹ để biết được thực tế chi phí như thế nào. Phải có giải pháp kiểm soát giá cả hàng hóa nguyên vật liệu của quốc tế, việc này không chỉ có trong nước mà cần một sự hợp tác quốc tế đối với việc chống chuyển giá.
Thứ hai, phải có quy định về vấn đề liên quan đến sử dụng vốn vay nội bộ. Nếu một DN vay vốn của một tổ chức tín dụng thì đương nhiên sẽ phải trả lãi cho khoản vay tín dụng đó, và được tính vào chi phí. Nhưng nếu lại vay vốn của chính các công ty mẹ, thì lúc đó không phải là vay vốn mà thực chất đó là cách thức mượn vay vốn để chuyển lợi nhuận.