Chưa bao giờ bà con đồng bào các dân tộc ở xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) lại chăm chỉ, hăm hở lên núi trồng cây đỗ trọng như thời điểm này. Với giá bán 1 kg vỏ khô đỗ trọng lên đến 500.000đ, lại được ngành dược và tư thương lùng mua nên đồng bào Mông đang đua nhau trồng loại cây này.
Người dân hăng say cải tạo đồi đất hoang hóa để trồng cây đỗ trọng.
Chúng tôi lên đến xã vùng cao làng Mô của huyện Sìn Hồ (Lai Châu) thì trời đã quá trưa, cả xã vắng vẻ một cách kỳ lạ. Đi tới bản nào cũng gặp toàn người già, con trẻ, không thấy bóng trai tráng thanh niên đâu.
Lần hỏi mãi mới biết, nhà nhà đã đua nhau lên núi khai hoang trồng cây đỗ trọng, một trong những cây thuốc quý hiếm đang trở thành cây mũi nhọn xóa đói giảm nghèo một cách hữu hiệu nhất.
Chỉ tay lên dãy núi cao ngất lờ mờ trong làn sương, thấp thoáng những bóng người làng với những bộ quần áo thổ cẩm sặc sỡ, đang nhấp nhô bên những thửa nương mới phát, ông Mùa A Sênh cho biết: cách đây 13 năm, khi thực hiện xóa bỏ cây thuốc phiện, được sự lãnh đạo của Đảng ủy và các cơ quan ban ngành của huyện, tỉnh; xã Làng Mô đã chọn cây đỗ trọng để thay thế.
Thời gian đầu, do bà con lại chưa nắm rõ được qui trình kỹ thuật, nhất là phải mất từ 7-8 năm mới cho thu hoạch, vì vậy tuy cả xã đã trồng đại trà nhưng số cây sống rất ít.
Bù lại giá bán 1 kg vỏ khô đỗ trọng lên tới 500.000đ, lại được ngành dược và tư thương lùng mua ráo riết tận nhà. Vì vậy cây đỗ trọng từ chỗ trồng theo “ý cán bộ” giờ đã được bà con đồng bào Mông đua nhau trồng và bỏ công chăm sóc như chăm đứa con đầu lòng. Một điều đặc biệt, cây đỗ trọng có thể phát triển tốt trên diện tích sỏi đá, nương rẫy bạc màu và rất phù hợp với khí hậu lạnh quanh năm như làng Mô.
Nếu như cách đây 3 năm, toàn xã chỉ có khoảng 25.000 cây thì đến nay đã phát triển lên vài chục ha thâm canh cây đỗ trọng. Các bản Tà Cu Nhè, Tu Cả Phìn, Làng Mô... gia đình nào cũng trồng ít nhất là 500m2. Chính nhờ việc trồng cây đỗ trọng nhiều người dân ở đây đã mua sắm thêm nhiều vật dụng, tiện nghi đắt tiền cho gia đình như: tivi, xe máy...
Hiện ở xã vùng cao Làng Mô, nhiều gia đình có thu nhập cao từ cây đỗ trọng, như gia đình anh Vàng A Dơ, Thào A Leng, Tráng A Của... đó cũng chính là nhiều gia đình đã nhận biết rõ được lợi ích kinh tế từ cây đỗ trọng đem lại và hướng dẫn các hộ khác trồng và chăm sóc cây theo đúng kỹ thuật.
Dẫn tôi đi thăm một vườn cây đỗ trọng chuẩn bị đến tuổi khai thác, chị Vàng Thị Mù cho biết: Cây đỗ trọng là một loại cây đem lại lợi ích kinh tế khá cao, tuy nhiên để trồng và chăm sóc được nó đến lúc thu hoạch thì không phải dễ.
Nhưng nó là loại cây có thể làm giàu được. Nhìn những cây đỗ trọng đang xanh rì, bên những sườn núi, chị Mù nói tiếp: “Cây đỗ trọng cho thu nhập khá cao, chỉ riêng năm ngoái, gia đình tôi mới có 30 cây cho thu hoạch mà đã thu được gần 50 triệu đồng”.
Trước lợi ích kinh tế từ cây đỗ trọng đem lại, nhiều cán bộ Sìn Hồ khẳng định: Không riêng gì xã vùng cao làng Mô, mà hầu hết các nơi trong huyện đều có thể phát triển vùng cây dược liệu quí hiếm này, với qui mô lớn.
Địa phương đang khảo sát, qui hoạch và có những hướng dẫn cụ thể tới từng gia đình bà con để giúp đỡ họ về kỹ thuật, cách chăm sóc.
Đầu ra cho cây đỗ trọng và các cây dược liệu khác đang rộng mở, kể cả xuất khẩu. Song khó khăn hiện nay là công tác qui hoạch, đầu tư vốn cho đồng bào.
Nếu giải quyết thật thấu đáo được những vướng mắc này, xã Làng Mô nói riêng và các xã khác ở huyện Sìn Hồ là nhanh chóng loại bỏ được đói nghèo bằng thế mạnh chuyên canh cây dược liệu.