Lênh đênh thương hồ

Quốc Trung - Nguyên Bảo 12/09/2021 14:10

“Đời nào vui bằng đời thương hồ xuống biển lên nguồn, gạo chợ nước sông…”. Câu hát nói lên niềm lạc quan của khách thương hồ lang bạt trên vùng sông nước Cửu Long mưu sinh nay đây mai đó.

Những ngày giãn cách xã hội, tâm trạng của nhiều khách thương hồ thêm phần trĩu nặng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, khi đường về quê vẫn xa diệu vợi...

Theo từng con nước

Anh Nguyễn Khánh Đồng quê ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, năm nay gần 40 tuổi nhưng đã có hơn 20 năm ngang dọc sông nước.

Hồi trước, vợ chồng anh buôn bán nhiều thứ nào là trái cây, khoai lang, bí rợ, củ sắn, giờ chỉ bán duy nhất mặt hàng chuối. Ðể có nguồn hàng tươi ngon, anh chạy ghe về tận Cà Mau thu mua lên rồi tập kết ở chợ nông sản phường 3, TP Bạc Liêu cặp bờ Kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau, mỗi chuyến đi như vậy cũng mất vài ba ngày.

Những ngày TP Bạc Liêu thực hiện giãn cách xã hội, chuối chín rục phải đổ bỏ hàng tấn vì chẳng ai mua khiến vợ chồng anh thua lỗ cả chục triệu đồng. Thế nhưng điều khiến anh Đồng đứng ngồi không yên vì lo cho người mẹ già đã hơn 80 tuổi và 2 con nhỏ đang ở quê mong anh từng ngày.

Anh Đồng nhớ nhà lo cho mẹ già ở Cà Mau những ngày dịch bệnh.

Mấy tháng nay chỉ “cắm mình” trên ghe, người đàn ông rắn rỏi, ngang dọc sông nước này cũng có lúc chạnh lòng, không giấu được nỗi buồn trên khuôn mặt. “Nghe tin giãn cách xã hội, tôi lo lắm, không biết nhà cửa, mẹ già và 2 đứa trẻ làm sao vượt qua những ngày giãn cách. Ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm tình hình ở quê nhà”, anh Đồng trải lòng.

Những ngày giãn cách xã hội, ghe không rời bến nghĩa là kế sinh nhai không còn, nhiều thương hồ phải chật vật khó khăn trong mùa dịch Covid-19.

Lênh đênh trên sông nước gần 20 năm, chiếc ghe cũ kỹ đậu cặp sông Xáng Bạc Liêu - Cà Mau cũng là nơi vợ chồng chị Cao Thị Hằng (45 tuổi) quê ở Cà Mau sinh sống và buôn bán. Mọi sinh hoạt trong gia đình gói gọn trong chiếc ghe chật hẹp, chỉ vừa chỗ ăn, ngủ.

Gia đình chị Hằng đã theo nghề thương hồ từ nhiều đời nay, từ thời ông nội đến thời cha chị rồi đến đời chị cũng gắn bó với bến sông này.

Chị Hằng chia sẻ: “Cuộc đời thương hồ tìm kế mưu sinh cùng chiếc ghe là nghề của gia đình tôi, đã nuôi mẹ già và hai cháu ăn học. Không vốn liếng nhiều nên vợ chồng tôi chỉ có chiếc ghe cũ, hàng ngày ăn ngủ, sinh hoạt trên đó, riết cũng quen. Nghề này tuy nặng nhọc nhưng cũng có đồng vô đồng ra nuôi gia đình”.

Chị Hằng ngồi mong hết giãn cách để đi lại làm ăn…

Chị Hằng hiểu tình hình dịch bệnh nguy hiểm nên nghe ngóng thông tin trên báo đài để có những biện pháp giữ an toàn trong mùa dịch bệnh. Hơn 2 tháng nay, vợ chồng chị buôn bán ế ẩm, thua lỗ do không lấy hàng về được. Vợ chồng gần như cố thủ sống lây lắt trên chiếc ghe cũ kỹ. Chị mong sao dịch bệnh sớm qua đi để cuộc sống người dân thương hồ như vợ chồng chị sớm trở lại bình thường, được về thăm gia đình, làm ăn buôn bán thuận lợi hơn.

Những ai đã từng lênh đênh theo ghe mới thấm thía nhiều nỗi niềm của đời thương hồ. Trên những chiếc ghe đó không chỉ chở nặng hàng hóa đi khắp nơi mà còn trở nặng nỗi lo toan. Cuộc sống lênh đênh trên sông nước, những vất vả mưu sinh đã khiến suy nghĩ của họ chẳng mấy quan tâm đến việc gì khác ngoài chuyện kiếm sống qua ngày.

Ai đi ngang qua Cầu Quay (cầu Kim Sơn) ở Bạc Liêu cũng dễ dàng nhìn thấy những chiếc bè cũ kỹ nằm ngang dọc dưới chân cầu. Ở đó, có những con người đang gắn cuộc sống của mình với chiếc ghe, bến nước tìm kế mưu sinh hằng ngày.

Những ngày này, cảnh buôn bán nhộn nhịp ven sông chợ phường 3, TP Bạc Liêu không còn náo nhiệt như trước, nhường chỗ cho những nỗi niềm của nhiều thương hồ. Dù còn lắm gian truân, nhưng nghề thương hồ vẫn sẽ tồn tại bởi nét đặc sắc, độc đáo vốn có của nó cho dù trong cuộc mưu sinh của họ cũng có lúc gặp nhiều khó khăn, vất vả.

Bao giờ chợ nổi lại tấp nập?

Hơn 2 tháng qua, bà con chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) không còn cảnh ghe thuyền tấp nập qua lại. Chỉ có hình ảnh các ghe thuyền gác chân vịt nằm bất động, thương hồ mong lắm cuộc sống trở lại bình thường để được mưu sinh.

Sau khi chợ nổi nhận được thông báo ngừng hoạt động, ông Mai Văn Hùng (61 tuổi) mưu sinh với nghề buôn bán trái cây 30 năm nay ở chợ, kịp tìm được nhà trọ quanh đó tá túc chờ ngày trở lại.

Gặp chúng tôi, ông tâm sự: “Buồn lắm, sáng ngày nào cũng lội ra đầu cầu nhìn ra chợ nổi, cảnh tượng vắng lặng càng buồn hơn...”.

Những chiếc ghe cũ nằm lặng lẽ nơi bến sông.

Hàng chục năm qua ông Hùng quen với tiếng rao, tiếng ghe xuồng tấp nập qua lại lúc 5h sáng, giờ lên bờ cũng không tài nào ngủ nướng thêm được, đồng hồ sinh học của ông đã lờn rồi. Nhìn về hướng chợ, ông nói: “Tầm 5h30’ sáng, chợ xung lắm rồi, nhìn rất quen nhưng hình ảnh cây bẹo treo trên ghe tàu vẫn mang lại sinh khí và nét riêng của bà con thương hồ, đây cũng là cách để du khách dễ dàng nhận thấy những nơi bán các mặt hàng. Nhiều lúc chẳng hiểu nổi cứ ngồi ở cầu tàu nhìn ra chợ như chờ đợi ai…

Cảm giác của ông Hùng cũng giống với rất nhiều thương hồ khác đang mong chờ ngày Chợ nổi hoạt động trở lại. Trải lòng với chúng tôi chị Phạm Hồng Loan (35 tuổi), bán trái cây trên chợ nổi cũng đã 17 năm cho biết, cả gia đình 6 thuê phòng trọ chật hẹp khiến những ngày qua cuộc sống thêm phần ngột ngạt. Mưu sinh chính từ chợ nổi, nguồn thu nhập chính cũng từ nơi này, hồi chưa có dịch 1 ngày chịu khó vợ chồng chị Loan cũng thu nhập được 200-300 ngàn đồng, đủ trang trải chi phí hàng ngày. Nhưng cũng hơn 2 tháng qua nguồn thu nhập duy nhất bị đứt khúc, gia đình càng khó khăn hơn.

Thương hồ sinh sống ở chợ nổi là bộ phận gặp nhiều khó khăn và dễ bị tổn thương do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Đây cũng là những người mà thời gian qua TP Cần Thơ luôn quan tâm. Các mạnh thường quân cũng hay tìm về khu vực này hỗ trợ cho bà con nơi đây.

Ông Trần Mạnh Hùng, Bí thư, Trưởng khu vực Yên Thuận (phường Lê Bình, quận Cái Răng) cho biết: Khu vực này có 41 bè neo đậu cố định, rất nhiều ghe đến và đi, địa phương đang đề xuất hỗ trợ cho những thương hồ này theo Nghị quyết 52 của HĐND TP Cần Thơ cũng như chi trả chính sách theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, khu vực cũng khẩn trương lập danh sách, để người dân có thể tiêm vaccine, sớm trở lại cuộc sống mưu sinh…

Chia tay bà con thương hồ mà lo lắng còn hơn 1 tuần nữa mới hết thời gian giãn cách xã hội Chỉ thị 16, rồi không biết bao nhiêu thời gian tiếp Chỉ thị 15 và đến khi nào Chợ nổi lại tiếp tục đón du khách đến tham quan chợ nổi cũng đồng nghĩa với việc thu nhập của bà con thương hồ mới có được, mong rằng chính quyền địa phương và mạnh thường quân tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho bà con nơi đây vượt qua đại dịch…

Thương hồ phát triển rất sớm ở nhiều địa phương miền sông nước Cửu Long. Đây là nghề kinh doanh giúp những người có ghe cùng gia đình mang ít vốn, ngược xuôi mua hàng hóa nông sản ở nông thôn về họp chợ. Họ mưu sinh trên sông nước trên những chiếc ghe tròng trành. Trong cái lênh đênh vô định ấy có cả những hoàn cảnh éo le ngày ngày gắn cuộc đời với sông nước mưu sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lênh đênh thương hồ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO