Với việc hàng loạt doanh nghiệp, nhà hàng, quán ăn, trung tâm dịch vụ, du lịch... phải tạm ngưng hoạt động vì đại dịch, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều người trẻ và những người lao động trong các khu công nghiệp đang chật vật với cuộc mưu sinh.
Chờ thôi giãn cách xã hội
Thành Huy, 24 tuổi, quê ở huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) cho biết mấy năm qua làm đầu bếp cho một nhà hàng ở quận 3. Công việc tuy vất vả nhưng ổn định, thu nhập cũng khá, khoảng 12 triệu đồng mỗi tháng.
Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện năm 2020, việc kinh doanh của nhà hàng đã bắt đầu bấp bênh. Ngoài khoảng thời gian đóng cửa vì giãn cách xã hội thì thời gian còn lại, công việc cũng không nhiều như trước do lượng khách du lịch gần như không có.
“Mình bị cắt giảm một nửa thu nhập từ giữa năm 2020 rồi tới đợt giãn cách vừa rồi, ông chủ cho toàn bộ nhân viên nghỉ làm không lương. Với tình hình này, hầu hết kế hoạch của mình đều bị đổ bể. Dù rất tiết kiệm nhưng mình và bạn gái cũng bắt đầu phải tiêu tới số tiền dành dụm để làm đám cưới của hai đứa từ nửa tháng qua. Không biết bao giờ mới qua đợt khó khăn này” - Huy thở dài chia sẻ.
Tương tự, Kiều Ngân, bạn gái của Huy cho biết thời gian trước làm pha chế cho một quán cà phê ở Quận 1. Tình cảnh cũng giống Huy bởi dịch bệnh đã khiến công việc của Ngân bị ảnh hưởng rất nhiều, thậm chí còn chấp nhận làm không lương khi bán mang về cho chủ quán. Thế nhưng việc bán cà phê mang về gần như không có lợi nhuận bởi hầu hết khách có nhu cầu sử dụng tại chỗ. Nếu phải ra quán mua mang về thì người ta ở nhà pha cà phê tiện hơn.
Nói về kế hoạch tương lai, Kiều Ngân bảo hai người đang tính mở dịch vụ nấu ăn và bán hàng trên mạng online.
“Huy có tay nghề nấu ăn rất ngon, đặc biệt là mấy món hải sản. Bọn em tính nấu và bán online, có khuyến mãi kèm theo cả đồ uống cà phê em pha nữa. Ban đầu chắc sẽ vất vả vì hai đứa tính vừa làm vừa tự đi giao cho khách. Dù gì thì cũng phải đợi cho hết đợt giãn cách xã hội này đã” - Ngân chia sẻ thêm.
Thực sự thì với người trẻ, chi phí sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ, từ tiền nhà, điện nước, ăn uống, xăng xe, internet, điện thoại, đồ dùng cá nhân... đều là những thứ không thể thiếu được. Vì thế chỉ cần chừng một tháng thu nhập không ổn định là bất ổn ngay.
Vừa mới ra trường, công việc chưa ổn định nên Yến Linh, 22 tuổi, quyết định làm việc tại một quán ăn nhanh ở quận Phú Nhuận thay vì công việc y tá như chuyên môn của tấm bằng trung cấp. Linh kể, công việc không quá nặng nhọc và được trả lương theo giờ. Mỗi giờ là 20 ngàn đồng, cuối tuần lĩnh lương.
“Nếu làm chăm chỉ, tăng ca cuối tuần thì thu nhập của em cũng không đến nỗi nào. Thế nhưng đợt dịch vừa rồi phải nghỉ việc, rồi bạn cùng phòng chuyển về quê nên tiền trọ tăng lên. Lúc đầu em cũng tính về quê dưới Phụng Hiệp (Hậu Giang) nghỉ ngơi mà chậm mất một ngày, xe khách họ không chạy nữa nên đành phải ở lại. Giờ chỉ mong dịch qua mau, cuộc sống trở lại bình thường thôi” - Linh nói.
“Thắt lưng buộc bụng”
Dù không mất việc nhưng hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Châu 31 tuổi, công nhân làm may ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân lại khá éo le.
Chị Châu kể gần chục ngày trước, khi dịch bệnh bùng phát thì trong công ty có một số người là F1 hay F2 gì đó. Vì vậy lãnh đạo công ty nói nếu ai tiếp tục làm việc thì phải chấp nhận cách ly tại công ty. Nghĩa là sau thời gian làm việc thì ăn ngủ tại công ty luôn. Ngược lại, nếu ra khỏi công ty thì phải tạm thời nghỉ việc một thời gian. Sau khi cân nhắc với chồng, chị Châu đành chấp nhận phải nghỉ việc dù gia đình đang rất cần tiền.
“Kể từ khi có dịch bệnh từ năm ngoái, thu nhập của hai vợ chồng em chỉ đủ chi tiêu. Em làm công nhân lương tháng là 4,8 triệu, tăng ca tới 9h tối nữa thì được 6 triệu. Chồng làm thợ lắp ráp nhôm kính, khi nào có công trình thì chủ mới gọi đi làm, lương bấp bênh lắm.
Trong khi hai đứa con 8 và 6 tuổi phải nghỉ học ở nhà không ai coi. Giờ em nghỉ việc vì anh ấy mới có công trình trên Tây Ninh làm tới tuần sau mới xong.
Hai vợ chồng đều quê dưới Tháp Mười (Đồng Tháp) nhưng lên thành phố làm ăn gần chục năm rồi. Trước mỗi tháng cũng dôi dư được hơn triệu tiết kiệm, rồi năm ngoái cất cái nhà dưới quê còn nợ gần 40 triệu chưa trả xong.
Dịch bệnh này không biết bao giờ mới hết. Cũng may bà chủ nhà trọ ở đây rất tốt, hứa cho nợ 6 tháng tiền phòng. Giờ em chỉ lo tiền điện nước, tiền ăn uống và mua sách giáo khoa cho mấy đứa nhỏ học online. Vậy mà mỗi tháng cũng phải hết ngót nghét hai triệu chứ không thể ít hơn được” - chị Châu thở dài kể.
Theo sự chỉ dẫn của chị Châu, chúng tôi tiếp tục đi vào những căn phòng khác của khu trọ này. Đây là khu đất dường như nằm trong dự án xây dựng hạ tầng đường sắt đi miền Tây của TP HCM nhưng mấy chục năm qua chưa làm. Người ta dựng sơ sài những tấm tôn vừa làm vách vừa làm mái lợp cùng khung sắt rồi cho gia đình công nhân thuê. Mùa hè thì nóng nực, mùa mưa thì ngập nước nhưng giá chỉ có đúng 1 triệu đồng mỗi tháng nên hơn hai mươi phòng lúc nào cũng kín người thuê.
Ở gần cuối dãy là phòng của chị Nhung, người cùng làm công ty may với chị Châu đang sống cùng mẹ và cậu con trai 5 tuổi. Chồng chị Nhung mất cách đây 3 năm sau nửa năm nằm viện vì tai nạn giao thông và để lại cho chị một khoản nợ hơn trăm triệu đồng. Cũng như chị Châu, chị Nhung chấp nhận nghỉ việc một thời gian để ở nhà trông con.
“Mình ở nhà trông con còn mẹ mình thì đi bán vé số. Trước kia mỗi ngày bà cũng bán được chừng 150 tờ, lãi khoảng 150 ngàn nên cũng đủ chi tiêu. Sau đó thì thằng nhỏ phải nghỉ học, bà ngoại nghỉ bán ở nhà trông cháu. Rồi giờ mình nghỉ làm thì bà ngoại đi bán. Nhưng dịch dã như vầy, người ta đóng cửa hết có còn ai đâu mà bán. Có ngày đi xuống tận Bình Chánh, Đức Hòa mà chỉ bán được sáu bảy mươi tờ. Thu nhập cũng sút giảm một nửa” - chị Nhung cho biết.
Chị còn kể, do trước kia chồng nằm viện chị vay mượn ngoài quê nên giờ tháng nào cũng phải gửi về trả nợ. Đợt này dịch dã xin khất nợ với người ta nhưng cuộc sống của chị trong này cũng rất khó khăn. Số tiền dành dụm làm tăng ca tháng nào trả nợ hết tháng đó nên bây giờ nghỉ chỉ trông chờ vào mẹ đi bán vé số.
“Mình cũng tính đi làm mà để thằng nhỏ ở nhà không biết ai coi cho. Bí quá mấy ngày nay đều ra chỗ chợ Bà Hom với vòng xoay để lấy cơm từ thiện người ta phát ăn đỡ. Chỉ mong đợt dịch chóng qua rồi đi làm lại mà thôi”- chị Nhung kể.
Mặc dù là điều không ai muốn nhưng tình hình dịch bệnh dai dẳng từ gần hai năm qua đã khiến cuộc sống nhiều gia đình, nhất là gia đình công nhân thêm khó khăn. Ngoài việc thắt lưng buộc bụng, nỗi lo mất việc cũng chờ chực nhiều người.