Lịch sử không thể đem ra lựa chọn

Hà Trọng Nghĩa 17/05/2022 07:11

Chiều 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tham gia ý kiến vào Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Xung quanh vấn đề Bộ Giáo dục và Đào tạo “ứng xử” với môn Lịch sử trong trường phổ thông, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho biết, qua tọa đàm do Ủy ban tổ chức, các chuyên gia cho rằng Lịch sử là môn đặc thù, đặc biệt quan trọng và theo hướng là môn bắt buộc.

Cũng tại phiên họp chiều 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tham gia ý kiến vào Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Dự thảo Báo cáo do Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày. Theo đó, dư luận xã hội băn khoăn, có ý kiến trái chiều về việc đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc Trung học phổ thông có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường. Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa môn Lịch sử ở bậc Trung học phổ thông là môn học tự chọn. Nhắc lại câu Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị cần đổi mới cách dạy và học để nâng cao chất lượng chứ không nên để môn Lịch sử là môn học tự chọn.

Về vấn đề hệ trọng này, được biết Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đã hỏi ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và dự kiến ngày 22/5 sẽ có phiên họp toàn thể thảo luận.

Tại thời điểm này, năm học 2021-2022 sắp kết thúc và cũng không lâu nữa sẽ bước vào năm học mới. Năm học mà Bộ GDĐT dự kiến đưa Lịch sử thành môn lựa chọn ở lớp 10 (trong 3 nhóm môn học học sinh được phép lựa chọn) cùng với 7 môn bắt buộc. Hết sức lo lắng, nhiều nhà sử học, giáo viên dạy Lịch sử Trung học phổ thông nói riêng và xã hội nói chung đã không đồng tình với dự định của Bộ GDĐT. Trước phản ứng mạnh mẽ ấy, ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GDĐT đã lên tiếng: Với việc dạy học môn Lịch sử cấp Trung học phổ thông, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ GDĐT sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.

Thực ra, chuyện dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông lâu nay đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội, chứ không phải là việc riêng của ngành Giáo dục. Còn nhớ, vào hồi cuối tháng 7/2011, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GDĐT lúc bấy giờ là ông Phạm Vũ Luận cho rằng việc có hàng ngàn điểm 0 môn Lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học là bình thường. Ông Luận cũng cho biết đang lấy ý kiến để riêng môn Lịch sử, hay là sẽ tích hợp với các môn khác.

Ý kiến của Giáo sư, Bộ trưởng Luận thời điểm đó đã làm dậy sóng dư luận. Cũng xin nhắc lại, trong 2 năm liền hai đợt lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Bộ trưởng Luận đã phải nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp (177 phiếu năm 2013 và 149 phiếu năm 2014), có nhỉnh hơn chút ít so với bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ.

Trở lại với dự định hạ vị trí môn Lịch sử xuống thành môn học sinh được lựa chọn (thay vì bắt buộc), đó là cách tư duy khó hiểu, chủ quan và có phần tùy tiện. Không thể nhân danh đổi mới giáo dục để làm điều đó. Học lịch sử, nghiên cứu lịch sử để hiểu và yêu thương đất nước mình hơn, dân tộc mình hơn. Không hiểu lịch sử dân tộc mình, không yêu lịch sử dân tộc mình sẽ trở thành kẻ vong bản xa lạ ngay chính trên quê hương mình. Việt Nam có truyền thống vĩ đại hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Tổ tiên ta hết lớp này đến lớp khác hiến thân vì nước, để mỗi khi nhìn vào những biến cố lịch sử, không người Việt Nam nào không rưng rưng nước mắt. Dằng dặc thời gian, tổ tiên ta đã hy sinh tất cả để lại cho muôn đời con cháu mai sau đất nước này. Cũng chính từ bề dày lịch sử oai hùng đó mà dân tộc ta đã không bị đồng hóa, trái lại, người Việt Nam đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, tự quyết định vận mệnh của chính mình.

Học lịch sử để yêu đất nước mình hơn và để không làm điều gì xấu hổ với tiền nhân. Vì thế, không thể xem Lịch sử chỉ là môn học lựa chọn mà phải là môn học bắt buộc. Đó là điều không có gì phải bàn cãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lịch sử không thể đem ra lựa chọn