Trợ lý của Tổng thư ký cho biết “Liên hợp quốc không có kế hoạch sơ tán nhân viên khỏi Libya. Trong tương lai, vị trí của chúng tôi là ở bên cạnh người dân Libya."
Hiện trường vụ đánh bom. (Nguồn: Reuters).
Liên hợp quốc sẽ không sơ tán nhân viên khỏi Libya bất chấp vụ tấn công khiến ba nhân viên của tổ chức thiệt mạng ngày 10/8.
Tuyên bố được trợ lý của Tổng thư ký Liên hợp quốc về châu Phi, bà Bintou Keita đưa ra ngày 10/8 tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an về tình hình Libya.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Bintou Keita nói: “Liên hợp quốc không có kế hoạch sơ tán nhân viên khỏi Libya. Trong tương lai, vị trí của chúng tôi là ở bên cạnh người dân Libya."
Bà Keita cho rằng vụ tấn công khiến các nhân viên Liên hợp quốc thiệt mạng ở Benghazi đã chứng tỏ mối đe dọa khủng bố trên khắp đất nước Libya, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có chính phủ cùng lực lượng quân đội và cảnh sát thống nhất để điều hành hiệu quả Libya.
Theo thông báo mới nhất của Liên hợp quốc, vụ nổ tại thành phố Benghazi ở miền Đông Libya ngày 10/8 đã khiến ba nhân viên của Liên hợp quốc thiệt mạng. Vụ nổ xảy ra ở trước cửa một trung tâm mua sắm và ngân hàng.
Tại hiện trường, có ít nhất một xe ôtô của Liên hợp quốc bị bốc cháy. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công, đồng thời kêu gọi các bên tôn trọng lệnh ngừng bắn nhân đạo và trở lại bàn đàm phán.
Thành phố Benghazi hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar. Kể từ đầu tháng Tư tới nay, LNA đã tiến hành các đợt tấn công nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các cuộc giao tranh ở Libya từ đầu tháng Tư đã làm hơn 1.000 người thiệt mạng, 5.700 người bị thương, buộc hơn 120.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Trước đó, phái bộ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) đã bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực đang diễn ra ở thành phố Murzuq, miền Nam Libya và những tác động tiêu cực đến người dân.
Liên hợp quốc và các đối tác đã hỗ trợ khoảng 2.150 người bị ảnh hưởng thông qua các hoạt động chăm sóc sức khỏe, cung cấp thực phẩm, nơi trú ẩn. UNSMIL kêu gọi các bên liên quan chấp nhận các nguyên tắc khoan dung, ngồi lại với nhau để thảo luận, tìm ra cách thức giải quyết xung đột.