Theo xu thế thắt chặt đầu ra, nhiều chương trình liên kết quốc tế được các trường đại học (ĐH) triển khai thu hút đông người học dù học phí cao hơn hẳn các chương trình đại trà.
Nhiều ưu điểm
GS.TS Trần Thị Vân Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, hiện trường có 24 chương trình liên kết quốc tế bậc ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ. Để được tham gia học các chương trình này, sinh viên, nghiên cứu sinh phải đảm bảo kiến thức về kinh tế, xã hội. Nhiều chương trình sinh viên có điểm đầu vào rất cao.
Tương tự, TS Trần Đức Quỳnh - Trưởng phòng Đào tạo Trường Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trường đang thực hiện, những năm gần đây chất lượng tuyển sinh tốt hơn. Tuy nhiên, quan trọng hơn là chất lượng đầu ra. Qua khảo sát của trường, sinh viên của chương trình đào tạo này năng động hơn, tư duy phản biện tốt hơn. Đặc biệt, điều không thể thiếu đó là những kỹ năng mềm và khả năng sử dụng tiếng Anh của sinh viên theo học chương trình liên kết quốc tế tốt hơn những chương trình khác. Điều này dẫn đến tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp theo khảo sát của nhà trường là khoảng trên 90%. Thậm chí, có rất nhiều em trong quá trình học tập đã đi làm.
Là trường ĐH có hoạt động liên kết đào tạo quốc tế khá phát triển, một trong những tiêu chí để trường ĐH Ngoại thương lựa chọn chương trình liên kết đào tạo đó là phải gắn với nhu cầu của thị trường. PGS.TS Hồ Thúy Ngọc - Trưởng khoa Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương cho biết, sản phẩm của chương trình đào tạo là người học. Một chương trình chất lượng sẽ trang bị cho người học các kỹ năng để có thể trở thành người lao động toàn cầu, không chỉ dừng ở việc trở thành người lao động của thị trường Việt Nam. Ngoài ngôn ngữ, phải có kiến thức chuyên môn sâu và thực tế để ứng dụng vào thị trường lao động, không phải đào tạo lại.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các trường ĐH trên thế giới thắt chặt đầu ra nhằm bảo đảm cơ hội học tập cho người học. Còn ở Việt Nam, để cấp văn bằng của cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài, đồng thời cấp văn bằng của cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam ít nhất phải có trình độ Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương (ít nhất IELTS 5.5). Năng lực ngoại ngữ như vậy mới có thể học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh không qua phiên dịch.
“Với các điều kiện đầu vào này, tôi cho rằng, sinh viên Việt Nam khi cầm được các tấm bằng do các nhà trường liên kết đào tạo cấp là đúng với năng lực của các em” - bà Thủy nói.
Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý
Để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như thu hút người học, đặc biệt là các sinh viên quốc tế đến Việt Nam học, bà Thủy cho rằng các nhà trường có chương trình đào tạo quốc tế nên tham gia kiểm định bởi các tổ chức giáo dục quốc tế. Điều này rất quan trọng vì sẽ giúp các nhà trường tăng uy tín. Việc kiểm định cũng giúp các nhà trường rà soát toàn bộ quá trình đào tạo, đồng thời cũng đánh giá kết quả đầu ra của sinh viên tốt nghiệp như thế nào.
“Kết quả kiểm định mang lại những thông tin thiết thực cho người học và khẳng định chất lượng của chương trình trên trường quốc tế. Từ đây, Việt Nam có thể trở thành một điểm đến của sinh viên quốc tế, sinh viên khu vực. Đây chính một trong những động lực để giáo dục Việt Nam phát triển hơn, là yếu tố mới kích thích và khuyến khích sự phát triển của hệ thống giáo dục ĐH hiện nay” - bà Thủy nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cần phải triển khai đồng bộ với thanh tra kiểm tra giám sát, làm sao phát hiện dấu hiệu chưa đúng để điều chỉnh, xử lý trường hợp sai để tránh ảnh hưởng tới bức tranh chung của giáo dục ĐH. Trong quá trình thanh tra giám sát cũng phát hiện mô hình làm hay, làm đúng để lan tỏa. Làm sao để cùng với việc nhập khẩu các chương trình tiên tiến để nâng cao chất lượng của mình, trong những năm tới các trường có thể xuất khẩu chương trình, nhân lực chất lượng cao ra các nước.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cần phải triển khai đồng bộ với thanh tra kiểm tra giám sát, làm sao phát hiện dấu hiệu chưa đúng để điều chỉnh, xử lý trường hợp sai để tránh ảnh hưởng tới bức tranh chung của giáo dục ĐH.