Thời điểm này, các tỉnh có sản lượng hàng hoá cung cấp cho Hà Nội lớn nhất có thể kể tới Bắc Ninh, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hà Nam, Sơn La, Hưng Yên, Tuyên Quang… bên cạnh đó có khoảng 200 nhà cung cấp của các tỉnh, TP đã kết nối trực tiếp, đưa sản phẩm của bà con nông dân, người sản xuất các địa phương để tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ trên địa bàn Hà Nội.
Đáp ứng đầy đủ nhu cầu thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày cho người dân.
Theo Sở NNPTNT Hà Nội, với khoảng 10,3 triệu dân đang sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn, nhu cầu tiêu dùng nông sản của TP là rất lớn. Cụ thể, trung bình mỗi tháng, lượng hàng hoá mà Hà Nội cần cung cấp để bảo đảm đối với một số mặt hàng là: Gạo: 92.970 tấn, thịt lợn hơi: 18.594 tấn, thịt bò: 5.230 tấn, thị gà - vịt: 6.198 tấn, thuỷ hải sản đông lạnh: 5.165 tấn, rau củ: 84.100 tấn…
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, theo ông Tạ Văn Tường- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, Sở đã và đang tiếp tục khẩn trương tập trung các giải pháp tăng cường sản xuất, liên kết bào đảm cung ứng đầy đủ nhất nông sản, thực phẩm trên địa bàn TP. Hiện Sở tập trung chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn nhằm bổ sung nguồn cung thịt cho thị trường. Đặc biệt, cùng với năng lực sản xuất nội tại, Sở NNPTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với 21 tỉnh, TP trong Ban Điều phối chuỗi cung ứng rau thịt an toàn cho Hà Nội. Thời điểm này, mỗi ngày, vẫn có hàng chục ngàn tấn nông sản thực phẩm được chuyển về tại Hà Nội. Sản phẩm từ các địa phương hiện vẫn được chuyển về tiêu thụ thông qua các kênh phân phối, siêu thị, hệ thống bán lẻ. Hiện có khoảng 200 nhà cung cấp của các tỉnh, TP đã kết nối trực tiếp, đưa sản phẩm của bà con nông dân, người sản xuất các địa phương để tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ trên địa bàn Hà Nội như: Vinmart, BigC Thăng Long, Saigon Co.op, Hapro...
Ông Nguyễn Anh Đức- Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op - khẳng định vừa chuyển lượng hàng dự trữ trị giá khoảng 500 tỉ đồng, chủ yếu là thực phẩm khô và hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, mì, gia vị, chất tẩy rửa, giấy vệ sinh... ra kho tại Bắc Ninh để phân phối đi thị trường phía Bắc, chủ yếu là Hà Nội. Với số lượng hàng trên, nếu nhu cầu tăng vẫn có thể đảm bảo đủ phục vụ trong 50 ngày. Riêng nhu cầu các mặt hàng tươi sống như rau, hải sản, thịt vẫn được cung ứng ra ổn định cả lượng và giá. Trường hợp thiếu thịt lợn tươi sống, đơn vị sẽ đưa thịt đông lạnh để phục vụ thêm.
Còn bà Trần Kim Nga - Giám đốc đối ngoại MM Mega Market Việt Nam cho biết đơn vị đang làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp để đặt hàng và tăng số lượng xe giao hàng đến các trung tâm, đặc biệt là ở miền Bắc. Hiện gạo, thực phẩm chế biến lẫn tươi sống... đã được MM chuẩn bị với tổng giá trị hàng hóa hơn 1.200 tỉ đồng. Bên cạnh đó, đại diện siêu thị BigC cũng cho hay đã chủ động trữ lượng hàng trong kho tăng 3-4 lần, huy động nhân viên làm thêm giờ cả ban đêm. Đồng thời cam kết không tăng giá bán hàng hóa thực phẩm thiết yếu.
Với mục tiêu ổn định thị trường, ông Trần Việt Hùng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Để đảm bảo chống dịch Covid-19, chính quyền các quận huyện trên địa bàn Hà Nội tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý các trường hợp trục lợi từ dịch bệnh. Những ngày qua, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã cử cán bộ xuống địa bàn, tăng cường tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn. Các mặt hàng được tập trung kiểm tra là khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng... và các sản phẩm, hàng hóa phục vụ phòng chống dịch. Lực lượng quản lý thị trường cũng yêu cầu các chủ cửa hàng, đơn vị kinh doanh cam kết không tăng giá, bán hàng hóa đúng giá niêm yết, đảm bảo ổn định thị trường. “Mục tiêu lớn nhất là để thị trường luôn luôn ổn định”- ông Hùng nói.
Ở một diễn biến khác, giá thịt lợn đang “leo thang” tại chợ truyền thống, đà tăng này là dễ hiểu khi giá lợn hơi miền Bắc đang tiến sát mốc 90.000 đồng/kg. Tại các chợ dân sinh khu vực Hà Nội, ghi nhận tại khu chợ truyền thống Kim Liên (quận Đống Đa); chợ Hôm - Đức Viên (quận Hoàn Kiếm) giá thịt lợn hiện không kém gì giá ngày tết. Đơn cử, thịt ba rọi 180.000 đồng/kg, sườn non 180.000 đồng/kg, nạc mông 170.000 đồng/kg, nạc vai 170.000 đồng/kg.
Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tính đến hết tháng 2/2020, Việt Nam đã nhập khẩu 65.865 tấn thịt các loại, trong đó thịt lợn và sản phẩm thịt lợn các loại đạt 13.816 tấn, chiếm 21% tổng lượng thịt nhập khẩu, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Nhập từ các nước: Canada (chiếm 33,1%), Đức (chiếm 25,4%), Brazil (chiếm 16,1%), Ba Lan (chiếm 15,8%), Hoa Kỳ (chiếm 7,8%)... Để đảm bảo bình ổn cung - cầu thị trường về thịt lợn, Bộ Công thương đã và đang tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả, nguồn cung, sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn và sử dụng sản phẩm thịt lợn đông lạnh thay cho thịt “nóng” nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin và gây bất ổn thị trường; đồng thời có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng trên cả nước để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có nhu cầu. (Duy Chung)