UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai lắp đặt máy bán hàng tự động tại địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kỳ vọng vào chiếc máy bán lẻ này còn khá xa vời.
Bao năm vẫn nhức nhối vì hàng rong
Nằm trong kiến trúc đô thị, các gánh bán hàng rong đều là những người nghèo đang bươn chải mưu sinh thuộc phân tầng lưu động của kinh tế vỉa hè. Những người này đa phần đều không có điểm bán cụ thể, không có kinh phí đầu tư và phạm vi hoạt động thường trải dọc các tuyến phố dành cho khách du lịch có mật độ giao thông dày. Vì vậy, từ nhiều năm nay, vấn đề hàng rong vẫn còn nhức nhối vì chưa tìm được tiếng nói giữa các cấp quản lý và người dân.
Thậm chí, chỉ vài phút sau khi các cán bộ quản lý đi dẹp những gánh hàng rong để giành lại vỉa hè cho người đi bộ, tình trạng chen lấn lại đâu vào đấy. Điều này cũng là một sự tất yếu khi đô thị thường là nơi tụ tập rất đông những người tứ xứ đến mưu sinh. Họ kiếm sống bằng những cách “buôn thúng bán mẹt” cùng với những đồng lãi “còm” chỉ đủ cho một cuộc sống tạm bợ.
Để triệt để hơn trong việc giải quyết vấn đề hàng rong, góp phần hiện đại hóa hình thức bán lẻ và hình thành văn minh thương mại tại Thủ đô, những chiếc máy bán hàng dần xuất hiện tại các tuyến phố chính. Chỉ với diện tích nhỉnh hơn 1 m2, 300 sản phẩm được bảo quản cẩn thận đã có cơ hội tiếp cận một tệp khách hàng rất lớn. Với mệnh giá phổ biến từ 5.000 - 10.000 đồng, người dân Hà Nội đang rất thích thú với ý tưởng này.
Tuy nhiên, thực tế hàng rong vẫn còn tồn tại rất nhiều bởi tính lưu động vốn có và đáp ứng nhu cầu mọi lúc mọi nơi. Hơn nữa, ngoài mặt hàng nước giải khát, hàng rong còn tạo nên “thương hiệu” của mình bằng những gánh bún, xôi, miến, cháo, trứng hấp,... Việc thay thế hàng rong bằng một chiếc máy vẫn còn là khá xa vời. Kể cả có tiếp tục thêm một số mặt hàng khác như hoa quả tươi thì tâm lý người dân vẫn còn chưa thực sự chấp nhận hoàn toàn sự thay đổi này.
‘’Khi mua hàng tại máy bán hàng tự động, mình không thể kiểm tra được chất lượng sản phẩm như ở các đại lý bán lẻ khác. Những gì mình nhìn thấy đều chỉ là một mặt của sản phẩm qua cửa kính, không thể cầm nắm. Ví dụ như các loại hoa quả tươi, thường thời gian sử dụng là rất ngắn. Đôi khi người kiểm tra sản phẩm bị sót, đến khi mình mua về lại toàn hàng hỏng, như thế thì phí tiền’’, chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh (người dân tại Hà Nội) chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến trên, anh Trần Quốc Dũng (người dân tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói thêm: “Không chỉ là vấn đề được cầm nắm vào hoa quả hay nguồn gốc xuất xứ, vậy vấn đề thiết kế máy ra sao để nhiều loại quả cùng chui được ra từ một cái lỗ nó cũng là khó. Chúng tôi không muốn tình trạng trả tiền xong quả bị kẹt không thể chui ra”.
Tình huống “dở khóc, dở cười” người dân đưa ra bên trên cho thấy sự hoài nghi về tính khả thi còn rất lớn. Nhiều người vẫn còn tâm lý lựa chọn mua hoa quả từ những gánh hàng rong ngồi trên vỉa hè thay vì chiếc máy bán tự động.
Nhìn nhận từ góc độ chuyên gia
Theo nhận định của các chuyên gia, để chiếc tủ bán hoa quả tự động có thể đi vào vận hành một cách hiệu quả còn đi đôi với văn minh của người sử dụng và người quản lý. Đây không phải là một điều quá mới lạ tại các nước phát triển, tuy nhiên so với Việt Nam, ý thức của người tiêu dùng cùng với kỷ cương sản xuất còn nhiều lỗ hổng, việc triển khai việc bán lẻ tự động mặt hàng hoa quả vẫn tồn tại nhiều điều nghi vấn.
“Ý thức xã hội luôn lạc hậu với tồn tại xã hội, đây cũng là vấn đề của chiếc tủ hoa quả. Trước hết, mô hình này cần được thí điểm trước khi nhân rộng đại trà. Đầu vào hoa quả phải truy xuất rõ nguồn gốc xuất xứ và đồng đều về kích cỡ để phù hợp với việc cân đo tự động. Khâu quản lý chất lượng để bán ra cho người tiêu dùng còn yếu. Bên cạnh đó, việc triển khai chiếc tủ còn phải đi cùng với văn minh của người tiêu dùng và người quản lý. Tại những nước phát triển, các tủ hoa quả, nếu có bán được chuẩn hóa và có kỷ luật chặt chẽ” - ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế cho biết.
Ông Phú chia sẻ đây là một ý tưởng hay và đẹp của Hà Nội thế nhưng để đi vào thực tiễn còn nhiều vấn đề. Mục đích thay thế hàng rong của việc triển khai chiếc tủ này còn rất xa vời vì hàng rong vốn rất thân thiện. Người dân có thể mua từ người quen cho tiện và họ sẽ biết rõ gốc gác chứ không cần đến một chiếc tủ.
Ông Phú đề xuất: “Theo tôi, con đường ngắn nhất để giải quyết vấn đề hàng rong là có chính sách cải tạo tốt các chợ truyền thống, tạo điều kiện hấp dẫn, giảm và thậm chí miễn thuế phí để bà con vào mua bán. Đồng thời, thành phố nên phát huy những cửa hàng hoa quả sạch trong thành phố. Cách làm này sẽ nhanh hơn làm tủ hoa quả”.
Từ góc nhìn khác, TS Phan Lê Bình, Chuyên gia giao thông lại nhận định: “Điểm đặt của các tủ bán hoa quả cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Không giống như những loại tủ bán nước trước đó có thể đặt ở vỉa hè, các ga tàu, đường sắt trên cao, tòa nhà văn phòng cao cấp là nơi hợp lý để tủ hoa quả tiếp cận được lượng lớn người mua hàng và có người trông coi thường xuyên và đảm bảo an ninh khi bán hàng, tránh trường hợp bị cậy phá”.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, những chiếc máy bán hàng tự động được ra đời vào khoảng đầu thế kỷ 20 đã thúc đẩy mạnh mẽ ngành bán lẻ. Hai trong những nước thành công nhờ mô hình này là Nhật Bản và Mỹ. Theo thời gian, những chiếc máy được cải tiến và đa dạng mặt hàng, đáp ứng được nhiều nhu cầu hơn của người dân.
Một trong những nguyên nhân để máy bán hàng chiếm được vị trí trên hai thị trường khó tính này là kỷ luật trong sản xuất nghiêm ngặt. Các mặt hàng đến tay người dân đều được đảm bảo về nguồn gốc, an toàn thực phẩm và tạo độ tin tưởng cao. Còn tại thị trường Việt Nam, các mặt hàng cần được chuẩn hóa với nhiều tiêu chí hợp lý để người dân có thể tin cậy hơn khi mua từ những kênh tự động hay trực tuyến.