Hiện tượng một số bộ phim vừa ra rạp đã bị phát trực tiếp trên facebook (livestream) đang cho thấy sự thiếu văn hóa của một số khán giả trẻ. Đây không phải là thú vui “thích thì làm”, mà là hành vi đáng lên án. Nếu không ngăn chặn và xử lý kịp thời, có thể bùng phát và gây ra những hậu quả nặng nề cho cả hai phía.
Cảnh trong phim “Cô Ba Sài Gòn”
Phương hại đến ngành công nghiệp điện ảnh
Vừa qua, bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân chính thức được khởi chiếu trên toàn quốc (10-11). Tuy nhiên, đến chiều 13-11, phim đã bị một khán giả tại Vũng Tàu là N.V.Tr. (sinh năm 1998) vào rạp xem phim và livestream cho mọi người cùng xem. Theo thông tin nhà sản xuất, dù đã ngăn chặn và lập biên bản xử lý người vi phạm, nhưng với 30 phút phim phát tán trên facebook cùng hơn 50.000 lượt xem đã khiến nhà sản xuất có thể tổn thất tới 250 triệu đồng.
Trước đó, nhiều bộ phim vừa ra rạp cũng bị quay lén phát tán trực tiếp lên mạng như phim “Xóm trọ 3D”, “Vòng eo 56”… Ngay cả một bộ phim đình đám của điện ảnh Việt Nam 2017 là “Em chưa 18” của đạo diễn Lê Thanh Sơn cũng bị khán giả đưa lên mạng. Thậm chí bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island” (Kong: Đảo đầu lâu) cũng bị phát trực tiếp chỉ sau vài ngày công chiếu khiến Đại diện Hiệp hội Điện ảnh Mỹ phải gửi kiến nghị đến Bộ TT&TT yêu cầu xử lý việc phát tán phim lậu ở Việt Nam.
Không phủ nhận, tính năng livestream mang lại nhiều tiện ích cho giới trẻ thời hiện đại. Nhưng khi sử dụng để thỏa mãn ý thích cá nhân, việc livestream phim chiếu rạp không chỉ vô tình “giết chết” bộ phim ngay từ lúc mới trình làng mà còn làm phương hại đến nền điện ảnh cũng như văn hóa, trình độ thưởng thức của khán giả.
Với những “thủ phạm” phát tán phim thì sự việc “mua vui cũng chỉ được một vài… ngàn like”, rồi mọi thứ cũng nhanh chóng chìm lấp đi. Chỉ còn nhà sản xuất, ekip thực hiện bộ phim là đau đầu, tức giận, uất nghẹn mà chẳng làm được gì.
Trước vấn nạn vi phạm trắng trợn với “Cô Ba Sài Gòn”, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân lập tức kêu trời trên trang cá nhân: “Tôi cảm thấy thật bất lực trước ý thức của những người trẻ xem phim. Tôi đang khóc cho thành quả lao động của ekip của mình. Tôi thật sự nản các bạn ạ. Nó như cái tát vào mặt để tôi tỉnh lại”.
Cần nhắc lại, đây không phải lần đầu tiên nhà sản xuất Ngô Thanh Vân bị phát tán phim qua facebook. Hồi năm trước, khi phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” vừa ra rạp cũng đã bị một đối tượng phát tạn trên facebook. Thêm lần này nữa, đúng quả thật là “gáo nước lạnh” dội vào Ngô Thanh Vân và những người tâm huyết với phim ảnh. Dù đã ngăn chặn kịp thời, và phim chỉ bị rò rỉ ra ngoài 30 phút, nhưng Ngô Thanh Vân cũng cảm thấy quá thất vọng. Sự thất vọng không phải vì nhà sản xuất có thể bị thiệt hại kinh tế, mà sâu xa hơn, nó khiến người ta chán nản, muốn buông bỏ đam mê của mình. “Có lẽ đây sẽ là phim cuối cùng tôi sản xuất! Tôi quá thất vọng”- Ngô Thanh Vân chia sẻ.
Trở lại với trường hợp của NSND Hồng Vân khi bộ phim “Xóm trọ 3D” bị phát tán, chị cũng bức xúc chia sẻ trên facebook: “Mọi người ơi, để làm ra một tác phẩm cả trăm con người phải vắt kiệt sức lực, đổ mồ hôi thậm chí cả máu và nước mắt. Sao bạn lại có thể cướp công sức của bao nhiêu con người bằng hành động quay lén như vậy”.
Trao đổi với báo chí, bà Ngô Bích Hạnh - phó chủ tịch Hiệp hội phát hành phim VN chia sẻ: “Một bộ phim mười mấy, hai chục tỷ đồng vừa ra mắt đã bị chia sẻ trên mạng cho mọi người thì công nghiệp điện ảnh không thể phát triển được nếu như những tài sản trí tuệ không được tôn trọng”. Theo bà Hiền, quan trọng hơn nữa nó tạo thói quen cho mọi người là tôi không cần phải ra rạp tôi hoàn toàn có thể xem một bản lậu trên mạng và đấy là điều rất xấu cho ngành công nghiệp sáng tạo.
Cũng có ý kiến nghi ngờ có người dùng tính năng livestream như một chiêu để PR cho phim. Nếu đúng như vậy thì đó là một chiêu PR ngược không hiệu quả vì đưa đến những hệ lụy phức tạp.
Xử nghiêm, tránh “nhờn luật”
Trên thế giới, hành vi phát tán phim trên mạng xã hội đã từng khiến một người phải ngồi tù 33 tháng. Cụ thể, vào năm 2013 khi bộ phim đình đám “Fast And Furious 6” công chiếu tại Anh bị một người xem phim quay lén đăng tải trên mạng và đã có khoảng 800.000 người xem miễn phí. Với hành động này, anh ta đã phải trả giá bằng 33 tháng tù giam.
Còn ở Việt Nam, nhiều vụ việc liên quan đến phát tán phim nhưng sau đó vẻ như tất cả đều “chìm xuồng” khiến cho nhiều bạn trẻ có vẻ coi thường luật pháp. Luật sư Phan Vũ Tuấn - trưởng văn phòng luật sư Phan Law phân tích: “Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành, người có hành vi xâm phạm quyền tác giả thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Có thể thấy, với các quy định của pháp luật hiện hành, không khó để xử lý các trường hợp livestream xâm phạm quyền tác giả.
Trường hợp N.V.Tr. vừa phát tán “Cô Ba Sài Gòn”, khi bị lập biên bản cũng đã thừa nhận “có livestream phim và bị nhân viên phát hiện và tôi đã xóa ngay sau đó”, đồng thời chịu mọi hình thức xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, đến nay, hầu như chưa có trường hợp nào bị xử “tới nơi tới chốn” mà chỉ là cảnh cáo, nhắc nhở thôi. Điều đó rất dễ tạo nên sự “nhờn luật” cho những người vi phạm.
Còn luật sư Nguyễn Vân Nam cho rằng: Theo chuẩn mực quốc tế hiện nay, Tr. đã quay streaming phim “Cô Ba Sài Gòn” mà không được phép của nhà sản xuất. Ngoài vi phạm quyền tái hiện tác phẩm của nhà sản xuất, những người xem bộ phim này qua livestream của Tr. cũng vi phạm quyền nhân bản của nhà sản xuất.
Trước vấn nạn livestream phim chiếu rạp, ông Nguyễn Văn Nhiêm- chủ tịch Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam đề xuất: hành vi phát tán phim trên mạng cần phải xử lý thật nghiêm. Việc thực hiện xử phạt không đơn thuần là phạt cho xong mà cần công bố rộng rãi để từ vụ việc này mà giáo dục ý thức bản quyền trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Một số nhà phê bình điện ảnh thì cho rằng, phát tán phim qua mạng xã hội là hiện tượng đáng báo động, nó có thể hủy diệt cảm xúc của người làm nghề, và quan trọng không kém, nó có thể đẩy nhà sản xuất đến nguy cơ thua lỗ, không thu hồi vốn. Về phía khán giả, cần nâng cao nhận thức, không để những hành vi thiếu văn hóa gây ảnh hưởng đến cả một ekip làm phim tâm huyết, với sự đầu tư không nhỏ về tiền của.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta phải tăng cương tuyên truyền, bằng một cách nào đó để người đi xem phim họ hiểu được luật bản quyền và các hành vi vi phạm. Chẳng hạn, khi khán giả đến rạp, trong khoảng thời gian chờ trước khi chiếu phim chính thức, thay vì dùng để giới thiệu phim mới, hoặc phát quảng cáo, các đơn vị phát hành, các nhà sản xuất cần phối hợp tuyên truyền, cảnh báo để khán giả hiểu hành vi quay lén đó là vi phạm những điều gì, mức độ xử phạt ra sao…