Lo bữa ăn ngày Tết

Lục Bình 23/01/2016 17:10

Những ngày cận Tết này, thực phẩm bẩn càng là nỗi ám ảnh của người dân khi mà cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện ra các loại thực phẩm bẩn được tung ra thị trường. Có nhiều lý do khiến thực phẩm bẩn vẫn còn đất sống. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, những hành vi “đầu độc”, xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người cần phải xử lý nghiêm khắc bằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không chỉ xử lý hành chính phạt cho tồn tại được.

Lo bữa ăn ngày Tết

Cơ quan chức năng phải vào cuộc chặn nguồn thực phẩm bẩn.

Điểm qua những vụ thực phẩm bẩn đã bị cơ quan chức năng bắt giữ mới đây tại Hà Nội gồm: 1 tấn chân gà, tim lợn thối tại chợ Minh Khai,1 tấn da, nội tạng trâu bò ướp muối không rõ nguồn gốc tại Thường Tín, 90 tấn mỡ bò bẩn tại Phú Xuyên, hàng trăm kg rau, củ, thịt không rõ nguồn gốc bán cho 7 trường mầm non, tiểu học tại quận Tây Hồ, hàng tạ nguyên liệu mứt Tết được phơi trên nền bẩn, cạnh đống rác, gần nhà vệ sinh, ruồi muỗi bu đầy… mới thấy thực phẩm bẩn có thể tấn công người tiêu dùng tại Thủ đô bất kỳ lúc nào.

Thực phẩm bẩn không chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn, ở khắp các tỉnh thành lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ rất nhiều vụ thực phẩm bẩn, thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ như, đã có 1 tấn thịt thối gửi xe khách từ Bình Định đã bị lực lượng chức năng bắt giữ tại Đắc Lắc, 3 tấn lòng lợn thối tại Lào Cai, thịt heo tồn dư chất cấm vượt ngưỡng cho phép liên tiếp bị phát hiện, bắt giữ tại các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Vũng Tàu…đã khiến người tiêu dùng bất an, lo lắng.

Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết, để hạn chế tối đa thực phẩm bẩn dịp Tết, biện pháp được cho là hữu hiệu nhất vẫn là tăng cường thanh kiểm tra để phát hiện vi phạm vì “Chúng ta đã có quy định của pháp luật rồi, các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm phải đảm bảo các điều kiện gì. Quan trọng là giám sát việc thực hiện các quy định ấy, bằng công tác thanh tra kiểm tra để xử lý nghiêm hành vi vi phạm”.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết, ông Phong cho biết, Ban chỉ đạo liên ngành đã thành lập 6 đoàn thanh tra để tập trung thanh tra các tỉnh, thành phố lớn. Các địa phương phải thành lập các đoàn thanh tra liên ngành từ tuyến tỉnh xuống quận, huyện, xã phường để thanh tra tất cả các cơ sở. Đặc biệt, thanh tra sẽ tập trung vào 2 thành phố lớn Hà Nội, TP HCM, các tỉnh có cửa khẩu, là các tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, nhiều chợ đầu mối, nơi trung chuyển các thực phẩm tới các địa phương.

Điều đặc biệt là năm nay, các đoàn thanh tra sẽ lấy mẫu và cho kết quả ngay trước Tết, tránh trường hợp như mọi năm, việc phân tích kết quả quá lâu, thậm chí kéo dài đến sau Tết khiến thực phẩm bẩn đã được tiêu thụ hết thì thanh kiểm tra sẽ là vô nghĩa. Quá trình kiểm tra nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

Chưa biết quy trình xử lý nghiêm của các cơ quan chức năng đến đâu để chặn nguồn thực phẩm bẩn đang ngày ngày đầu độc sức khỏe nhân dân nhưng rõ ràng, thực phẩm bẩn từ lâu đã trở thành chuyện “biết rồi, nói mãi”. Người dân kêu ca, phàn nàn, cơ quan chức năng cứ cảnh báo, còn rau, thịt, tôm, cá… bẩn vẫn tồn tại như một thách thức. Người dân sợ bệnh, sợ ung thư, nhưng không thể không ăn. Hiện nay, tỷ lệ ung thư của Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới, trong đó giới chuyên gia cũng đã chỉ ra rằng, thực phẩm bẩn (cùng với ô nhiễm môi trường) là nguyên nhân hàng đầu.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo về một thảm họa sẽ xảy ra với loài người khi tỷ lệ bệnh ung thư sẽ tăng đến 57% trong vòng 20 năm nữa…Tuy nhiên, câu chuyện ăn bẩn để rồi “đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế” như một vị đại biểu Quốc hội cảnh báo vẫn cứ là cảnh báo. Vì sao thực phẩm bẩn chưa được ngăn chặn và bọn đầu nậu chỉ chờ đến các dịp lễ, tết để bung hàng?

Có nhiều lý do khiến thực phẩm bẩn vẫn còn đất sống. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, những hành vi “đầu độc”, xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người cần phải xử lý nghiêm khắc bằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không xử lý hành chính phạt cho tồn tại được. Tác hại của thực phẩm bẩn đối với người tiêu dùng đã thấy rõ. Chẳng có lý do nào để bào chữa cho những kẻ biết rõ hậu quả từ những việc làm của mình đối với đồng loại.

Đến lúc Nhà nước phải sử dụng hợp lý “gậy” hình sự và phải coi các hành vi sử dụng chất độc hại trong thực phẩm cũng như việc lưu thông, buôn bán thực phẩm bẩn như một hành vi “cố ý giết người”, chứ đừng để “lăn ra chết” mới xử lý, mới truy cứu trách nhiệm sẽ là vô nghĩa.

Tết đến là thời điểm để các kẻ “thủ ác” bung ra thực phẩm bẩn các loại để tiêu thụ đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của cơ quan chức năng. Nhiệm vụ đã được giao, ngành Y tế, Nông nghiệp, Công thương, chính quyền các cấp phải hơn lúc nào hết coi nhiệm vụ lo cho người dân một cái Tết đầm ấm, an toàn là nhiệm vụ số 1. Đừng để người dân bất an, nơm nớp lo sợ vì mối họa thực phẩm bẩn đe dọa cuộc sống của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo bữa ăn ngày Tết