Nghi phạm được cho là có liên quan tới vụ nổ nghiêm trọng khiến 14 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương tại một tuyến xe điện ngầm ở thành phố St. Petersburg (Nga) là một công dân Nga sinh trưởng ở khu vực Kyrgystan, cơ quan tình báo nước này hôm 4/4 cho hay.
Camera an ninh cho thấy nghi phạm Akbarzhon Dzhalilov dường như đang cầm một thiết bị kích nổ (Nguồn: Dailymail).
Xác nhận một nghi phạm
Cơ quan An ninh quốc gia Kyrgystan nói với hãng tin Interfax rằng, nghi phạm này được xác nhận là Akbarzhon Dzhalilov, 22 tuổi, sinh ra tại Osh, một thành phố từng chứng kiến nhiều cuộc xung đột sắc tộc cùng những phong trào thánh chiến kể từ sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ cách đây 3 thập kỷ.
Cơ quan trên cho hay, họ đang làm việc với các cơ quan hành pháp của Nga, những người đang điều tra vụ tấn công được cho là hành động khủng bố. giới chức Nga hiện vẫn chưa công bố có bao nhiêu người liên quan tới vụ tấn công xảy ra hôm đầu tuần.
Cũng trong ngày 4/4, tại thành phố St. Petersburg, nhiều người thân của các nạn nhân thiệt mạng đã tụ họp tại nhà tang lễ thành phố, bắt đầu quá trình tưởng niệm kéo dài 3 ngày. Tại Sennaya Ploshchad, một trạm trung chuyển lớn tại trung tâm thành phố, những người khách bộ hành lần lượt đi qua và để lại những đóa hoa hồng tưởng niệm các nạn nhân xấu số.
Lực lượng cảnh sát thành phố này cũng cho hay trạm tàu điện ngầm nói trên, cũng như trạm tàu điện ngầm Dostoyevskaya, đã được đóng cửa do có thông tin về một mối đe dọa đánh bom khác.
Ngoài 14 người thiệt mạng, có khoảng 49 người đã bị thương trong vụ tấn công khủng bố xảy ra hôm 3/4, khi một quả bom tự chế phát nổ bên trong một con tàu điện ngầm đang di chuyển từ Sennaya Ploschad tới Tekhnologichesky nằm ở trung tâm thành phố St. Petersburg. Tại trạm xe điên ngầm nằm trên trạm chính của thành phố, chính quyền sau đó còn phát hiện thêm một thiết bị nổ khác vẫn chưa được kích hoạt và đã vô hiệu hóa.
Vụ nổ xảy ra tại một trong những khu dân cư tập trung đông du khách nhất của St. Petersburg. Khu vực xung quanh trạm Sennaya Ploschad cũng ở vị trí gần với một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng nhất ở nước Nga.
Đây được xem là vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất từng xảy ra tại thành phố lớn thứ hai của nước Nga, và là vụ tấn công nhằm vào tuyến tàu điện ngầm đầu tiên ở nước này xảy ra trong vòng 7 năm qua.
Một phụ nữ đặt hoa tưởng niệm tại khu vực gần trạm xe điện ngầm ở thành phố St. Petersburg đêm 3/4 (Nguồn: Reuters).
Bầu không khí tang thương
Bầu không khí tại thành phố St. Petersburg sau khi vụ tấn công xảy ra được mô tả là tang thương, phẫn nộ và hoang mang.
Một buổi tưởng niệm nạn nhân 21 tuổi, Dilbara Aliyeva, đã bị trì hoãn khi các nhà điều tra đến từ Moscow thực hiện khám nghiệm tử thi trước khi thi thể cô được gửi trả về nước sở tại Azerbaijan. Gần 100 người thân, bạn bè và bạn học cùng lớp, một số mang theo ảnh của cô sinh viên trẻ tuổi, đã có mặt tại nhà tang lễ bệnh viện Marininsky để nhìn mặt cô lần cuối.
Irina Berezovskaya, một giáo viên, cố kìm nước mắt khi kể, Aliyeva là một sinh viên khoa tâm lý trầm lặng, người luôn gần gũi với gia đình và rất yêu thích nấu các món ăn truyền thống.
“Cô bé luôn tỏa sáng, luôn hứng thú với việc tạo động lực cho người khác và luôn tìm ra được điều mình muốn. Cô bé đang viết một nghiên cứu về động lực trong thể thao, bởi anh trai cô là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp” - bà Berezovskaya kể lại - “Chính anh trai cô bé đã thông báo cho tôi rằng “chúng tôi đã mất Dilbara”. Tôi nhìn vào danh sách các nạn nhân thiệt mạng và thấy có một người sinh năm 1996. Tôi mới chỉ vừa gặp cô bé trước đó vài giờ”.
Chỉ ít phút sau khi vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đang có mặt tại thành phố quê nhà của ông để tham dự một cuộc họp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, đã thể hiện lòng tiếc thương vô hạn tới gia đình các nạn nhân trong một tuyên bố được truyền hình trực tiếp.
Cuối ngày 3/4, Tổng thống Putin cũng có mặt ở trạm xe điện ngầm nơi xảy ra vụ việc để tự tay đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân.
Chính quyền Nga cũng tuyên dương hành động anh hùng của người lái xe điện ngầm, người đã giữ cho con tàu này di chuyển cho tới khu nó tới trạm Tekhnologichesky, cứu sống được nhiều sinh mạng của hành khách đáng lẽ ra đã bị mắc kẹt trong con tàu này.
Mục tiêu của các nhóm khủng bố
Được biết, các nhóm phiến quân người Hồi giáo đến từ khu vực Bắc Caucasus đã bị cho là từng thực hiện hàng chục vụ tấn công khủng bố lớn nhằm vào nước Nga kể từ khi đất nước này tham gia 2 cuộc nội chiến ở Chechnya. Nga đến nay vẫn phải đối mặt với tình trạng những kẻ nổi dậy ở tỉnh Dagestan lân cận, và trong tháng 3 vừa qua, 6 binh sỹ Nga đã thiệt mạng trong một vụ đọ súng ở Chechnya.
Tuy nhiên, không chỉ Chechnya, mà Kyrgystan cũng được cho là một nguồn chiến binh Hồi giáo dồi dào. Osh, thị trấn quê hương của nghi phạm gây ra vụ tấn công ở St. Petersburg, từng là nơi diễn ra cuộc xung đột đẫm máu giữa người Kyrgyz và người Uzbek năm 2010. Thành phố này nằm ở thung lũng Ferghana, một khu vực nằm giữa ba quốc gia từng thuộc Liên bang Xô Viết cũ vốn nổi tiếng là nơi sản sinh ra chủ nghĩa cực đoan ở khu vực Trung Á.
Cơ quan an ninh quốc gia Kyrgystan cho hay họ đang tiếp tục điều tra xem nghi phạm tấn công Dzhalilov đã rời khỏi nước này vào thời điểm nào.
Ngoài ra, theo giới phân tích, cuộc can thiệp quân sự mà Moscow đang thực hiện trên lãnh thổ Syria, trong đó gồm các chiến dịch không kích các khu vực kiểm soát bởi các lực lượng phiến quân IS, cũng khiến Nga trở thành một mục tiêu của của các nhóm khủng bố cực đoan.
Giới chức Nga từng đi đến kết luận rằng vụ nổ máy bay thương mại Nga trên bán đảo Sinai của Ai Cập hồi tháng 10-2015, khiến toàn bộ 224 người trên khoang thiệt mạng, là hậu quả của một vụ tấn công khủng bố.
Nga-Mỹ xích lại gần nhau
Sau khi vụ tấn công nghiêm trọng xảy ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để bày tỏ sự thương tiếc liên quan đến vụ việc. Cả hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng Nga và Mỹ nên cùng nhau chống lại chủ nghĩa khủng bố, Điện Kremlin hôm 4-4 cho hay.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Trump đã thể hiện “lòng tiếc thương vô hạn tới các thân nhân và người thương của các nạn nhân xấu số trong vụ việc được xem là hành động khủng bố man rợ”, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay.
“Cả hai vị Tổng thống đã nhấn mạnh rằng chủ nghĩa khủng bố là quỷ dữ, và sự cần thiết phải chung tay chống lại nó” - ông Peskov nói. Về phần mình, Tổng thống Putin đã nói lời cảm ơn với người đồng cấp Mỹ vì đã thể hiện sự đoàn kết với người dân Nga.
Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc điện đàm này, Nhà Trắng cho hay: “Cả Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đều nhất trí rằng chủ nghĩa khủng bố cần phải nhanh chóng bị đánh bại”. Họ tiếp tục nói rằng Tổng thống Trump đã cam kết “ủng hộ toàn lực” Moscow nhằm “phản ứng trước vụ tấn công và mang những kẻ chịu trách nhiệm ra trước công lý”.
Các diễn biến trong hôm 4/4: - Vụ tấn công khủng bố xảy ra giữa hai trạm xe điện ngầm là Sennaya Ploschad và Tekhnologichesky. Cả hai trạm xe điện ngầm này được mở cửa trở lại trong hôm 4/4. - Một buổi tưởng niệm kéo dài 3 ngày đã bắt đầu trong hôm 4/4. - Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công khủng bố khiến 14 người thiệt mạng và 51 người khác bị thương này. - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức một cuộc họp về kết quả điều tra sơ bộ vụ tấn công. - Tổng thống Mỹ Donald Trump là vị lãnh đạo quốc tế đầu tiên có cuộc điện đàm với Tổng thống Putin về vụ tấn công khủng bố, và đề nghị được hỗ trợ điều tra. |