Như Báo ANTĐ đã đưa tin, vào ngày 17/4/2019, một phụ nữ tại Hà Nội đã rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo gọi điện qua điện thoại, giả danh công an. Điều hy hữu là sau khi nạn nhân chuyển gần 100 triệu đồng cho kẻ gian, chị tự nhận ra bản thân đã bị lừa, và "đòi" lại tiền một cách ngoạn mục.
Chị N.H cung cấp thông tin cho PV Báo ANTĐ.
Mặc dù các tờ báo - trong đó có Báo ANTĐ - đã nhiều lần phản ánh về trò lừa đảo qua điện thoại, giả danh công an, để chiếm đoạt hàng trăm triệu cho tới cả tỉ đồng, vẫn có không ít người tiếp tục trở thành nạn nhân của trò lừa này.
Trong vụ lừa đảo mới nhất xảy ra vào ngày 17/4/2019 vừa qua, PV Báo ANTĐ ghi nhận lời chia sẻ của chị N.H (38 tuổi, buôn bán tự do, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), sau khi người phụ nữ này rơi vào bẫy lừa, và tự thoát ra một cách ngoạn mục. Câu chuyện của chị H. có những chi tiết đáng chú ý, khi những kẻ lừa đảo đã "nâng cấp" thủ đoạn của chúng lên mức độ mới.
"Khoảng 14h, tôi nhận được cuộc điện thoại từ một số máy cố định, gọi vào máy di động của tôi, thông báo rằng tôi có khoản nợ tín dụng ngân hàng, phải thanh toán ngay vì đã quá hạn", chị H. chia sẻ.
Đây là điểm khá mới của kẻ lừa đảo, bởi trước đó, chúng thường chỉ gọi vào máy điện thoại cố định. Và những đối tượng này nắm rõ thông tin cá nhân của chị H. (tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp...), dù người này không hề cung cấp trước đó.
"Nhân viên xưng là trực tổng đài nói rằng, muốn giúp tôi xử lý khoản nợ đó, nên sẽ nối máy cho tôi gặp một cán bộ công an. Chờ một lúc, có một giọng đàn ông nói tiếng Việt hơi lơ lớ xưng là cảnh sát điều tra ở số 90 Nguyễn Du, Hà Nội, trao đổi với tôi", chị H. nhớ lại.
Ngay khi bắt đầu câu chuyện, đối tượng giả danh công an nói trên đã đề nghị chị H. tự tìm kiếm thông tin trên Google, để thấy "số điện thoại hiển thị trên màn hình (số 024.39396150 - PV) có đúng là số của cơ quan công an hay không?". Khi người phụ nữ tìm kiếm và thấy đúng như vậy, thì chị bắt đầu tin rằng, đây là... "cán bộ công an" (thực chất, kẻ lừa đảo dùng dịch vụ để hiển thị số trên màn hình giống với số máy của cơ quan công an).
Kẻ lừa đảo liên tục gọi điện vào máy di động, nhắn tin Zalo với nội dung đe dọa để đánh vào tâm lý nạn nhân.
Sau khi lấy được lòng tin của người nghe, đối tượng giả danh nói rằng, chị H. đang có số nợ tín dụng ngân hàng là hơn 45 triệu đồng. Nghiêm trọng hơn, kẻ lừa đảo cho biết, tài khoản của chị H. có liên quan tới một tổ chức buôn bán ma túy, ở vai trò "rửa tiền", với số tiền trị giá hơn... 6 tỉ đồng.
"Người đó liên tục đe dọa tôi, nói rằng tôi có thể bị bắt vì hành vi vi phạm pháp luật, dù tôi luôn khẳng định mình chẳng nợ nần ngân hàng nào, không liên quan tới đường dây tội phạm nào cả. Hắn đeo bám tôi ráo riết, tôi cứ dập máy thì hắn lại gọi lại, rồi cả nhắn tin qua Zalo, liên tục từ 14h tới 16h30", chị H. cho hay.
Trong quá trình dọa dẫm, đối tượng giả danh công an còn dặn chị H. không được phép kể sự việc cho bất kỳ người thân nào, nếu không, họ sẽ bị ảnh hưởng, ám sát....
Phiếu chuyển tiền mà chị H. đã thực hiện, gửi 92 triệu đồng vào tài khoản của kẻ lừa đảo.
Khi thấy "con mồi" dường như ngấm đòn, kẻ lừa đảo gửi thông tin tài khoản số 4720517 (tên chủ tài khoản: Tăng Thái An, Techcombank), yêu cầu chị H. phải chuyển tiền vào đây để kiểm tra.
"Chúng nói rằng đây là tài khoản ngân hàng bí mật của cơ quan công an, để kiểm tra số tiền có phải là ‘tiền bẩn’ do giao dịch phạm tội mà có hay không. Chúng bắt tôi phải gửi toàn bộ số tiền mà bản thân đang có, dọa rằng nếu chúng phát hiện ra tôi bớt lại khoản tiền nào thì khoản đó sẽ bị tịch thu vì không chứng minh được sự trong sạch. Nhắc đến tiền là tôi đã nghi ngờ, nhưng kẻ đó lại tiếp tục lôi gia đình của tôi ra đe dọa, gọi điện không ngừng, ép tôi phải nghe máy liên tục, khiến tôi sợ hãi mà làm theo", chị H. kể.
Tới 17h10 ngày 17/4, chị H. đã mang số tiền 92 triệu đồng (là khoản tiền mặt buôn bán hằng ngày) đến giao dịch tại chi nhánh ngân hàng Techcombank ở phố Lạc Trung, gửi vào tài khoản do kẻ lừa đảo cung cấp.
Điều đáng nói là trong khi kẻ xấu yêu cầu chị H. phải chọn hình thức chuyển khoản nhanh, để chúng nhận được tiền ngay, thì nạn nhân này vẫn chọn cách gửi "thông thường", để sáng hôm sau thì số tiền mới chuyển đến tài khoản đích.
Hơn một ngày dọa dẫm, khi thấy "tiền không về" thì kẻ lừa đảo chặn luôn Zalo của nạn nhân.
Sau khi hoàn tất giao dịch, chị H. chụp lại phiếu và gửi cho kẻ giả danh “cán bộ điều tra”. Đối tượng này nói rằng, chị đã có thể “tạm yên tâm ra về”, và dặn dò tuyệt đối không được nói sự việc cho bất kỳ ai, vì “vụ án đang được điều tra”.
“Khi bị hối thúc, tôi vờ nói rằng đã gửi chuyển khoản nhanh, song mạng ngân hàng bị lỗi nên sáng hôm sau, tiền mới được chuyển đi. Khi ra khỏi ngân hàng khoảng 2 phút, tôi đang đi về thì nghĩ lại toàn bộ sự việc, và tự nhận ra là mình bị lừa rồi. Tôi vội vã quay trở lại chi nhánh Techcombank để cầu cứu các nhân viên xử lý giúp”, chị H. nhớ lại.
Sau đó, phía Techcombank đã tiến hành xử lý khẩn cấp, kịp thời hủy bỏ giao dịch nói trên, qua đó trả lại 92 triệu đồng cho người phụ nữ vừa rơi vào bẫy của kẻ lừa đảo.
Khi về, chị H. vẫn bị những kẻ lừa đảo đeo bám, và lúc nhận thấy khoản tiền không được chuyển tới, chúng đã nhắn tin đe dọa nạn nhân "chuẩn bị 2 bộ đồ", "không được phép rời khỏi nhà", "sẽ xuống đọc lệnh bắt để di lý vào trại tạm giam"...
Tuy nhiên, sau một buổi, những kẻ lừa đảo chủ động chặn tài khoản Zalo, số điện thoại của chị H.
Trường hợp của chị H. khá hi hữu, khi đã chuyển tiền đi mà vẫn may mắn sửa sai vào phút chót, và thoát khỏi bẫy lừa một cách ngoạn mục. Trước đó, chỉ với thủ đoạn lừa đảo nói trên, những kẻ xấu đã chiếm đoạt trót lọt hàng trăm triệu tới hàng tỉ đồng của các nạn nhân.