Quốc hội

Lo lắng cho 'sức khoẻ' của doanh nghiệp

Quang Vinh, Việt Thắng 26/10/2024 12:13

Tính đến tháng 9/2024 có hơn 183 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Nhưng có gần 164 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025; Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.

Dẫn chứng theo khảo sát và đánh giá của Tổng cục thống kê cho thấy, hơn 10% đến hơn 50% doanh nghiệp cho rằng có 15 yếu tố tác động, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh thời gian qua. Trong đó nổi lên nhất là những khó khăn về nhu cầu thị trường thấp, tính cạnh tranh của hàng trong nước cao, nợ đọng xây dựng cơ bản, giá nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất, khó khăn về tài chính và lãi suất cao, ĐB Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam) cho rằng, đây là những đánh giá khách quan và phản ánh đúng thực tế.

202211042155449724-tran-thi-hien-ha-nam-40794.jpg
Bà Trần Thị Hiền phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

“Những khó khăn về tiếp cận vốn tuy đã được tháo gỡ nhưng vẫn cần tiếp tục phải được quan tâm hơn, đặc biệt là về lãi suất, tôi cho rằng, với mức như hiện nay vẫn còn cao, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu điều chỉnh hạ lãi suất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Điều này cũng nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, 9 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng chỉ có 9%, trong khi mục tiêu là 14-15%”, bà Hiền nêu vấn đề.

Bà Hiền cũng e ngại, khó có thể đạt được việc phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Mặt khác, quy mô doanh nghiệp của chúng ta cũng rất nhỏ, hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa, trong khi số liệu thống kê cũng cho thấy số doanh nghiệp kinh doanh lỗ nằm nhiều ở nhóm này

Từ đó bà Hiền đề nghị, cần phải quan tâm hơn đến chất lượng doanh nghiệp chứ không chỉ đơn thuần về số lượng. Bởi qua theo dõi thấy rằng tổng số doanh nghiệp thì như vậy, nhưng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh chỉ bình quân ở mức chưa đến 85% so với tổng số doanh nghiệp. Số doanh nghiệp kinh doanh có lãi cũng không cao, ví dụ năm 2022 có chưa đến 45% trong tổng số hơn 735 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có lãi, còn lại 46,9% lỗ và hòa vốn chỉ 8,5%.

Bà Hiền cũng chỉ rõ, đến tháng 9/2024 có hơn 183 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhưng cũng có gần 164 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đó là chưa kể còn số lượng hàng chục nghìn doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh. Riêng năm 2022 và 2023 số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng khá đột biến và tương ứng là 73,8 nghìn và 89 nghìn doanh nghiệp và 9 tháng đầu năm 2024 đã hơn 86 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. “Đây là những vấn đề đề nghị Chính phủ cũng quan tâm hơn đến các yếu tố chất lượng chứ không chỉ phát triển về số lượng”, bà Hiền nói.

Đồng quan điểm, ĐB Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) đánh giá, cả 3 khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là thể chế, hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực đều có chuyển biến hết sức rõ rệt.

Tuy nhiên theo bà Yên, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, còn nhiều khó khăn tiềm ẩn do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư công, còn các động lực tăng trưởng mới như như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chip bán dẫn mới được triển khai nên có độ trễ nhất định. Do đó, cần phải tiếp tục đánh giá, làm rõ các nguyên nhân của những tồn tại để năm 2025 và các năm tiếp theo để nền kinh tế có thể bứt phá lên.

Về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nhiều nơi đạt dưới mức trung bình chung của cả nước, bà Yến đánh giá, có thể gây ra lãng phí lớn về cơ hội phát triển và hiệu quả tổng hợp của dự án. Nếu nhìn lại những giai đoạn trước đây khi xi măng, sắt thép phải cân đối từng kilogram, nguồn vốn phải chắt chiu từng đồng thì mới thấy cái giá phải trả của việc “có tiền mà không tiêu được”, mà đây là tiền thuế của dân, tiền đi vay của Chính phủ, mới thấy thật sự lãng phí.

Dẫn chứng, tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đầu năm 2024 là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023 cùng với ảnh hưởng của siêu bão Yagi có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15%, theo bà Yên, tỷ lệ số doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường cũng cần được xem xét, đánh giá nghiêm khắc hơn về nguyên nhân, cả về chủ quan và khách quan, để có hướng giải quyết.

“Ví dụ, việc cho thành lập doanh nghiệp dễ dãi quá có phải là nguyên nhân không? Hay là do năng lực quản lý, thị trường, công nghệ, sản phẩm? Nguồn vốn, đất đai ? Rồi vai trò “bà đỡ” của Nhà nước qua các chương trình khuyến nông, khuyến công, tín dụng ưu đãi, các quỹ đầu tư, quỹ phát triển?”, bà Yên băn khoăn.

ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cũng lo ngại, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có tăng, nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn tăng cao hơn, chứng tỏ phục hồi của nền kinh tế trong nước còn đang “có vấn đề”.

Để có phục hồi bền vững, theo ông Cường cần có giải pháp tập trung cho các doanh nghiệp trụ cột, đầu mối trong nước để tạo ra trụ đỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo lắng cho 'sức khoẻ' của doanh nghiệp