Cho đến nay, biến thể Delta vẫn được coi là một loại đột biến của virus SARS-CoV-2 gây nhiều tổn thất nhất cho thế giới khi xuất hiện ở gần 100 quốc gia và giờ đang là biến thể chính ở Mỹ. Cùng với đó, sự âm thầm sinh sôi và không ngừng phát triển của các biến thể mới khiến các nhà khoa học phải liên tục đưa ra cảnh báo.
Thêm một biến thể mới được phát hiện ở Mỹ
Ngày 14/10, phòng thí nghiệm Giải trình tự và gene siêu vi EVT thuộc Đại học Y khoa Shreveport, bang Louisiana (Mỹ) thông báo đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở bang này. Nó được phát hiện khi các chuyên gia giải trình tự gene 7.000 mẫu bệnh phẩm thu thập ở thành phố Baton Rouge.
Biến thể mới có tên B.1.630, được phát hiện lần đầu tiên ở Mỹ vào đầu tháng 3. Biến thể này chưa được đặt tên theo chữ cái Hy Lạp như Alpha hay Delta vì số lượng mẫu còn rất nhỏ.
B.1.630 chứa đột biến E484Q, rất giống E484K được tìm thấy ở biến chủng B.1.353, và biến chủng P1. E484Q còn được gọi là “đột biến lẩn tránh”, vì nó dường như “thoát” được một phần sự tấn công của hệ miễn dịch từ vật chủ hoặc vaccine.
Tiến sĩ Krista Queen, Giám đốc Phòng thí nghiệm Giải trình tự và gene siêu vi EVT cho biết, mặc dù biến thể này hiện chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ song các cơ quan chức năng sẽ theo dõi chặt chẽ để phát hiện kịp thời bất kỳ sự thay đổi nào. Một số có thể bị tiêu diệt qua phát triển tự nhiên, song nếu lơ là cảnh báo, nó có thể ngấm ngầm lan nhanh và bùng thành dịch. Thống kê cho thấy, hiện tại, số lượng mẫu bệnh phẩm nhiễm biến chủng B.1.630 tại Mỹ được đánh giá là rất thấp với 79 mẫu.
Theo bà Queen, đột biến là hoạt động hoàn toàn tự nhiên và bình thường của virus khi nó cố thâm nhập và lây lan sang nhiều vật chủ.
Các virus RNA, trong đó có virus SARS-CoV-2, dễ bị đột biến hơn do phương pháp sao chép bộ gene. Càng lây lan nhiều lần giữa các vật chủ khác nhau, thì virus sẽ liên tục tạo ra một bản sao của chính mình. Bản sao này có thể không giống bản gốc 100%, dẫn đến đột biến.
Các chuyên gia Mỹ một lần nữa khẳng định vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus, giảm thiểu nguy cơ tạo ra đột biến của virus. Theo giới chuyên gia, virus sẽ không có cơ hội đột biến ở những người miễn dịch với bệnh nhờ tiêm chủng. Do đó, nếu tỷ lệ dân số được tiêm chủng càng cao, thì virus sẽ càng có ít cơ hội đột biến thành các dòng biến thể mới có khả năng lây truyền cao hơn hoặc nguy hiểm hơn.
Đầu tháng 5, các nhà khoa học Singapore công bố nghiên cứu cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát cuối năm 2019, SARS-CoV-2 đã biến đổi nhanh chóng, tạo ra nhiều biến chủng gây nguy hại cho toàn cầu. Tổng số lần nó đột biến từ khi xuất hiện là 6.600 lần, trong đó, nhiều biến chủng mới xuất hiện gây đáng lo như Delta, Alpha, Beta.
Tiêm phòng không ngăn virus đột biến, song nó giúp hạn chế tỷ lệ lây nhiễm, nhập viện, tử vong. Tỷ lệ dân số được tiêm chủng càng cao, cơ hội cho virus đột biến thành chủng mới càng thấp.
Cần ngăn chặn từ gốc
Đến nay, đại dịch Covid-19 đã lấy đi sinh mạng của gần 5 triệu người. Sau gần hai năm, sự xuất hiện của các biến chủng SARS-CoV-2 mới tiếp tục thách thức cuộc chiến ứng phó của thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế, xã hội của hầu hết các nước.
Trước tình hình trên, thông qua một báo cáo nghiên cứu khoa học, các chuyên gia y tế hàng đầu Trung Quốc đã kêu gọi xét nghiệm virus SARS-CoV-2 rộng hơn ở động vật hoang dã để ngăn nguy cơ lây nhiễm chéo, dẫn đến hình thành biến thể nguy hiểm mới.
Tác giả chính của báo cáo trên, ông Gao Fu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng, chống Dịch bệnh Trung Quốc, chỉ ra rằng, một số loài động vật dễ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và khả năng virus biến đổi trong cơ thể chúng, chẳng hạn như loài chồn vizon, là mối đe doạ lớn đối với sức khoẻ cộng đồng nếu như chúng lây truyền ngược trở lại cho con người.
Ông Gao cùng đồng tác giả Wang Liang tại Viện Khoa học Trung Quốc khẳng định, cần tiến hành một cuộc sàng lọc virus gây bệnh Covid-19 quy mô lớn đối với động vật hoang dã trên cạn và dưới biển, đặc biệt các loài dễ phơi nhiễm, để xây dựng chiến lược phòng chống chặt chẽ hơn nữa.
Theo các nhà khoa học, công tác trên cũng sẽ cung cấp thêm manh mối về nguồn gốc của căn bệnh Covid-19 đã khiến trên 4,8 triệu người trên thế giới tử vong.
Trên thực tế, cho đến nay, đã có 11 loài được xác định đã nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có hổ, sư tử, khỉ đột, báo tuyết và chồn vizon. 14 loài khác được xác định có khả năng bị nhiễm qua các thí nghiệm nghiên cứu. Tuy nhiên, hai chuyên gia trên khẳng định con số trên có thể chỉ là phần nổi của tảng băng do khâu sàng lọc nguy cơ ở các loài động vật khác nhau trong phòng thí nghiệm còn hạn chế.
Virus lây lan ở loài hươu đuôi trắng tại Mỹ cũng cho thấy nguy cơ virus có thể đột biến và truyền sang động vật khác trước khi quay trở lại con người. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát rộng khắp, nhiều loài động vật hoang dã khác có thể đã nhiễm virus thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc không trực tiếp với hươu đuôi trắng.
Một nghiên cứu của chính phủ Mỹ gần đây ở loài hươu hoang dã tại một số bang trong thời gian từ tháng 1/2020 và tháng 3/2021 cho thấy gần 1/3 cá thể hươu có dấu vết kháng thể, mặc dù không ghi nhận triệu chứng của bệnh.
Trước đó, các bằng chứng nghiên cứu đề xuất khả năng virus Mers đã lưu truyền trong loài lạc đà ít nhất hai thập kỷ trước khi phát hiện ca nhiễm ở người.
Ngày 15/10, hãng tin CBS dẫn lời Cố vấn y tế của Tổng thống Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, cho biết, thế giới cần nhiều giai đoạn để vượt qua đại dịch Covid-19. Thứ nhất là giai đoạn mà hầu hết các nước trên thế giới đang trải qua. Giai đoạn thứ hai là đà tăng ca nhiễm mới chậm lại. Giai đoạn tiếp theo được ông Fauci chỉ ra là loại bỏ virus giống như Mỹ đã làm đối với các bệnh bại liệt và sởi trong quá khứ. Giai đoạn cuối cùng là xóa sổ. Tuy nhiên, theo ông Fauci, hiện mới chỉ có đậu mùa được xem là căn bệnh đã xóa sổ hoàn toàn.