Theo Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) từ ngày 22/7 đến 11/8 tại địa phương có 153 người từ 2 tháng tuổi đến 20 tuổi ở xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm có các triệu chứng ho rũ rượi từng cơn; khạc đờm dãi trắng; khó thở có tiếng rít; một số nôn sau cơn ho; xuất tiết kết mạc mắt (đỏ lòng trắng mắt), nghi mắc ho gà. Vậy có phải bệnh ho gà sau nhiều năm vắng bóng đang quay trở lại?
Tiêm vắcxin là cách tốt nhất để phòng bệnh ho gà.
Bệnh ho gà quay trở lại là bất ngờ không chỉ của ngành y tế, bởi những năm gần đây công tác tiêm phòng cho trẻ được triển khai rất rộng. Từ thành phố đến những thôn bản vùng sâu, vùng xa. Thế nên từ, ổ dịch ở xã Đức Hạnh, Bộ Y tế khuyến cáo, ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn gây nên, bệnh lây qua đường hô hấp, thường gặp chủ yếu ở trẻ em 1-6 tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi bệnh càng nặng nên các bậc cha mẹ phải hết sức lưu ý.
Ho gà đã quay trở lại
Ngay khi nhận được thông tin của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cao Bằng về tình hình bệnh ho gà nguy cơ xuất hiện trở lại ở xóm Cà Đổng với nhiều người mắc bệnh với các triệu chứng điển hình như ho rũ rượi, mắt đỏ, xuất hiện kết mạc màu trắng… Bộ Y tế đã thành lập Đoàn công tác gồm đại diện Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương trực tiếp đến địa phương kiểm tra và hỗ trợ các hoạt động giám sát, điều tra và xử lý dịch bệnh.
Sau khi đoàn công tác làm việc, kết quả khám phân loại 168 trường hợp có triệu chứng viêm đường hô hấp tại 3 xóm Cà Đổng, Cà Mèng và Cà Pẻn A thuộc xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm ghi nhận 49 bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng điển hình với bệnh Ho gà (Cà Đổng 34, Cà Mèng 11, Cà Pẻn A 04). Kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có 4 mẫu dương tính với ho gà trong tổng số 18 mẫu bệnh phẩm.
Đoàn công tác chỉ đạo ngành y tế địa phương triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đã tổ chức 01 lớp tập huấn về công tác phòng chống dịch, giám sát, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh Ho gà cho tất cả các nhân viên y tế thôn bản và y tế xã Đức Hạnh về việc giám sát, chẩn đoán, điều trị, hướng dẫn bệnh nhân cách ly, phòng bệnh ho gà; cấp phát thuốc và giám sát điều trị bệnh nhân tại nhà; điều trị dự phòng cho 352 người sống chung với bệnh nhân; theo dõi diễn biến tình trạng bệnh nhân hàng ngày; giám sát phun thuốc sát trùng Cloramin B. Đặc biệt chỉ đạo địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức ngay đợt tiêm chủng DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) cho tất cả trẻ em thuộc diện phải tiêm đến 48 tháng tuổi ở xã Đức Hạnh.
Biểu hiện của bệnh ho gà
Ho gà có biểu hiện lâm sàng khá điển hình với những cơn ho dữ dội kéo dài, thường gặp ở trẻ em dưới 2 tháng tuổi, khi chưa được tiêm phòng bệnh. Theo các bác sĩ, bệnh diễn biến qua 3 giai đoạn, ở giai đoạn đầu xuất tiết bệnh nhân ho kéo dài từ 1-2 tuần với triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên không rõ ràng như chảy mũi, ho nhẹ (phần nhiều là ho về đêm).
Ở giai đoạn này để chẩn đoán phân biệt ho gà rất khó, do triệu trứng của ho gà giống với những biểu hiện cảm cúm, viêm đường hô hấp thông thường. Ở giai đoạn toàn phát (từ 1-2 tuần kế tiếp) bệnh nhân bắt đầu ho nhiều hơn, ho từng cơn kéo dài, sặc sụa, rít lên thành tiếng dài, mặt đỏ. Những cơn ho khiến trẻ cảm giác không thở được, người tím tái, đôi khi có cơn ngừng thở. Giai đoạn 3 của ho gà là giai đoạn hồi phục, các cơn ho của trẻ ngắn lại, số cơn ho giảm.
Bệnh ho gà mắc nhiều ở trẻ từ 1 - 6 tuổi nhưng phần nhiều là trẻ dưới 3 tháng tuổi. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - BV Bạch Mai trước đây, khi chưa được tiêm phòng ho gà, tỉ lệ trẻ em mắc căn bệnh này khá nhiều. Bởi đây là bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp (vi khuẩn có trong dịch mũi họng bắn ra ngoài không khí qua ho, hắt hơi, ôm hôn…) khi tiếp xúc với người mắc bệnh.
Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng bệnh
Bệnh ho gà vẫn lưu hành ở nhiều quốc gia trên thế giới với tỷ lệ mắc rất cao ở nhóm trẻ chưa được tiêm phòng (gần 90%) và tuổi càng nhỏ bệnh càng nặng. Tổ chức y tế thế giới thống kê, mỗi năm có khoảng 50 - 60 triệu ca bệnh và số tử vong từ 600.000 - 1.000.000, chủ yếu ở các nước đang phát triển (khoảng 90%).
Còn tại Việt Nam, từ khi vacxin phòng bệnh ho gà được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh cơ bản đã được khống chế, chỉ rải rác ít trường hợp mắc do không tiêm phòng ở các vùng miền núi vùng sâu, xa. Thống kê ở Trung tâm bệnh nhiệt đới TP. HCM năm 1994 có 13 ca nhưng năm 1996 có 1 ca... và những năm sau đó bệnh này gần như không được nhắc đến. Tuy nhiên, 2 năm gần đây tại một số tỉnh đồng bằng, trong đó cả thủ đô Hà Nội tiếp tục có người mắc bệnh, 8 tháng đầu năm 2015 gần 300 ca, trong đó 2 ca tử vong.
Điều đáng lo ngại là biểu hiện ho gà khá giống với các bệnh hô hấp thông thường nên các bậc phụ huynh rất dễ bỏ qua. Gia đình nào cẩn thận thì đưa con đi khám còn lại mua thuốc về tự điều trị, đến khi có biến chứng nặng mới đưa vào cấp cứu. Một số trẻ khi nhập viện Nhi Trung ươngđã suy thở, suy tuần hoàn, tím tái, phải thở máy, hỗ trợ tim mạch...
Như trường hợp của một bệnh nhi ở Quảng Ninh nhập viện khi bệnh đã khá nặng, cháu ho đến 30, 40 tiếng một cơn, tím tái người. Theo lời kể của người nhà cháu thì trước đó cháu ho, sốt gia đình cứ nghĩ là bệnh tai mũi họng thông thường nên điều trị thuốc kháng sinh. Đến khi cháu bị nặng, bỏ qua tuyến huyện gia đình đưa thẳng cháu lên bệnh viện Nhi Trung ương. Theo lời kể của gia đình thì cháu mới tiêm một mũi vacxin 5 trong 1, nhưng vì cháu hay ốm nên gia đình không dám đưa đi tiêm mũi nhắc lại.
Để chủ động phòng chống bệnh Ho gà, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau: Chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. Bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng. Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi. Ăn uống đủ chất, dinh dưỡng hợp lý. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế để được khám, cách ly và điều trị.