17 giờ ngày 8/9 là thời điểm cuối cùng thí sinh trúng tuyển đại học (ĐH) đợt 1 muốn nhập học hoàn tất xác nhận trực tuyến trên hệ thống của Bộ GDĐT.
Dù chưa có thống kê cụ thể về số lượng thí sinh nhập học theo từng lĩnh vực năm nay, song ghi nhận từ nhiều trường cho thấy vẫn có sự mất cân đối giữa các nhóm ngành nghề tiếp tục diễn ra khi nơi loại không hết, nơi lần chẳng ra thí sinh.
Khối ngành sư phạm sụt giảm thí sinh
Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm học 2022 - 2023 dẫn đầu quy mô đào tạo ĐH là khối ngành V (toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm và thủy sản, thú y) với 586.024 sinh viên. So với năm học 2021-2022, khối ngành này có số sinh viên tăng thêm hơn 42.372…
Nhìn lại quy mô đào tạo trình độ ĐH trong 3 năm học, từ năm học 2020 - 2021 đến 2022 – 2023 có thể thấy khối ngành đào tạo giáo viên năm học vừa qua có sự sụt giảm mạnh. Theo bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), do các địa phương thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc đào tạo giáo viên của các trường trong hệ thống. Ngược lại, quy mô đào tạo khối ngành V có sự gia tăng, đặc biệt là những ngành khoa học cơ bản, quan trọng đã tăng số người học. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn có một só lĩnh vực có nhu cầu nhưng thiếu người học.
Trong khi đó, nhìn từ tỷ lệ học sinh lựa chọn bài thi khoa học xã hội và khoa học tự nhiên những năm gần đây cùng thống kê của các địa phương về tỷ lệ lựa chọn các môn học tự chọn bậc THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho thấy sự áp đảo của các thí sinh chọn môn Khoa học xã hội. Đơn cử, năm 2023, số thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học xã hội là gần 567.000 em, chiếm tỷ lệ 55,3%. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học tự nhiên là trên 323.000 em, chiếm tỷ lệ 31,52%. Tương tự, từ năm 2019 đến nay, số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội luôn chiếm hơn 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.
Khi số thí sinh thi bài thi Khoa học xã hội tăng lên, thậm chí gần gấp đôi so thí sinh Khoa học tự nhiên, nguồn tuyển của các trường khối ngành công nghệ, kỹ thuật càng khó khăn, nhất là trong xu hướng nhiều thí sinh “né” ngành học này vì quan niệm học khó, ra trường đi làm vất vả, nặng nhọc trong khi thu nhập không cao như một số ngành khác. Bên cạnh đó, đặc thù của những ngành học này là ít nữ giới đăng ký nên nguồn tuyển đã hạn chế lại ngày càng bị thu hẹp.
Giải pháp nào?
Theo số liệu tính toán sơ bộ từ thông báo tuyển bổ sung của các trường ĐH, đến thời điểm này chỉ tiêu cần tuyển bổ sung lên tới gần 20.000. Tuy nhiên, ngay cả khi thông báo xét tuyển bổ sung thì một số ngành của một số trường cũng có nguy cơ thiếu hụt thí sinh, thậm chí chỉ có vài thí sinh nhập học. Trong đó, những ngành khoa học cơ bản, đào tạo truyền thống được ghi nhận vẫn khó thu hút thí sinh.
Trong đó, 4 lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học tự nhiên, dịch vụ xã hội, khoa học sự sống được ghi nhận có mức độ tuyển sinh kém nhất trong 3 mùa tuyển sinh gần đây. Mỗi năm, những lĩnh vực này chỉ tuyển được gần được phân nửa số chỉ tiêu đặt ra. Trong khi đó, năm 2022 ghi nhận các thí sinh trúng tuyển các ngành lĩnh vực kinh doanh và quản lý nhiều nhất, với 24,55%. Tiếp theo là số thí sinh nhập học lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, với 11,79%.
Theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, nguy cơ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao cho đất nước đang được cảnh báo từ quy mô đào tạo trình độ ĐH, cao đẳng của các trường cũng như chất lượng đào tạo. Trong khi có những ngành hút thí sinh và có điểm xét tuyển cao thì nhiều ngành, trong đó có những ngành là thế mạnh của các trường thì điểm xét tuyển bình quân của các sinh viên trúng tuyển lại nằm ở mức trung bình và dưới trung bình.
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, cần có sự rà soát từ chính các cơ sở giáo dục đào tạo về chất lượng ngành học, truyền thông tới ngành học cũng như tính toán tới việc dừng tuyển sinh những ngành quá ít thí sinh chọn nhập học để dồn lực đầu tư cho những ngành học khác.