Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ trẻ em bị mắc căn bệnh trầm cảm thấp hơn nhiều so với những người trưởng thành. Thế nhưng vẫn có một số trường hợp trẻ bị ảnh hưởng nhiều về tâm lý, áp lực, căng thẳng từ học tập, gia đình, môi trường sống cũng khiến cho trẻ gia tăng các nguy cơ bị trầm cảm.
Nhận biết dấu hiệu trầm cảm
Theo PGS.TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103), trầm cảm ở trẻ em là một tình trạng bị rối loạn tâm lý khiến cho trẻ thường xuyên cảm thấy buồn bã, chán nản, không còn niềm vui và hứng thú đối với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Hiện có 3 loại rối loạn trầm cảm mà trẻ em thường gặp đó chính là rối loạn trầm cảm chủ yếu, rối loạn tâm trạng hỗn hợp và rối loạn khí sắc. Trầm cảm ở trẻ em có thể biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau.
Bệnh nhân phải có ít nhất 5 triệu chứng trong số 9 triệu chứng như: Khí sắc giảm; Mất hứng thú và sở thích; Mất ngủ; Mệt mỏi mất năng lượng; Buồn chán bi quan; Chán ăn, sút cân; Vận động và suy nghĩ chậm chạp; Chú ý và trí nhớ kém; Có ý định và hành vi tự sát.
Các triệu chứng trên phải kéo dài ít nhất 2 tuần, ảnh hưởng rõ ràng đến khả năng học tập và quan hệ xã hội của trẻ. Các triệu chứng này không phải là hậu quả của dùng ma túy hoặc chấn thương sọ não.
Trong đó, có các triệu chứng chủ yếu như khí sắc giảm (khí sắc trầm cảm) là nét mặt của trẻ rất đơn điệu, luôn buồn bã, các nếp nhăn giảm nhiều, thậm chí mất hết nếp nhăn. Tình trạng khí sắc giảm rất bền vững do trẻ buồn, bi quan, mất hy vọng.
Một số trẻ than phiền rằng không còn nhiệt tình, không còn cảm giác gì, các em luôn trong tình trạng lo âu. Khí sắc trầm cảm có thể được biểu hiện trên nét mặt và trên hành vi của trẻ.
Một số trẻ than phiền các biểu hiện cơ thể gần đây (ví dụ khó chịu trong người, đau đầu, đau vùng thượng vị, đau cơ, khớp...) hơn là cảm giác buồn. Nhiều trẻ lại có trạng thái tăng kích thích (trẻ hay cáu gắt, dễ nổi khùng với một lỗi lầm nhỏ). Khí sắc giảm có thể xuất hiện dưới dạng hành vi liều lĩnh, sự thù địch và giận dữ.
Ngoài ra trẻ cũng có thể mất hứng thú hoặc sở thích gần như luôn biểu hiện trong một mức độ nhất định. Trẻ cho rằng mình đã mất hết các sở thích vốn có (con không thích gì bây giờ cả). Tất cả các sở thích trước đây của trẻ đều bị ảnh hưởng nặng nề. Trẻ mất hứng thú với các trò chơi cùng bạn hoặc các hoạt động ở trường.
Phương pháp điều trị
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, khoảng 20% trẻ vị thành niên trên toàn thế giới mắc rối loạn tâm thần. 50% bệnh nhân trầm cảm xuất hiện biểu hiện ban đầu trong độ tuổi 14.
Theo nghiên cứu và thống kê của các chuyên gia thì yếu tố di truyền thường sẽ gặp ở các trẻ từ 1 đến 6 tuổi. Còn những trẻ từ khoảng 6 đến 12 tuổi sẽ thường bị trầm cảm bởi áp lực gia đình, học tập khiến cho cuộc sống của trẻ bị mất cân bằng, cảm xúc bị ảnh hưởng khiến bé không được thỏa mãn.
Đôi khi sự ngon miệng thường bị giảm sút, nhiều trẻ có cảm giác rằng bị ép phải ăn. Trẻ ăn rất ít, thậm chí trong các trường hợp nặng trẻ nhịn ăn hoàn toàn. Vì vậy, trẻ bị bệnh thường sút cân nhanh chóng. Khi khám bệnh, trẻ thường than phiền rằng trẻ bị mất cảm giác ngon miệng, rằng trẻ không thấy đói mặc dù không ăn gì.
Một số trẻ em lại ăn quá nhiều và tăng cân. Mất ngủ ở trẻ trầm cảm khá phổ biến. Trẻ có thể mất ngủ trầm trọng, biểu hiện bằng khó vào giấc ngủ và dễ thức giấc. Vì vậy thời lượng giấc ngủ của trẻ thấp hơn bình thường trên 2 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, một số trẻ em lại ngủ quá nhiều (10-12 giờ hoặc hơn mỗi ngày) hoặc vận động tâm thần chậm chạp (ví dụ nói chậm, vận động cơ thể chậm), tăng khoảng nghỉ trước khi trả lời, giọng nói nhỏ, số lượng ít, nội dung nghèo nàn, thậm chí câm.
Các triệu chứng ức chế vận động hay gặp trong trầm cảm cổ điển. Trẻ em bị trầm cảm có thể nằm lỳ trên giường cả ngày mà không hoạt động gì. Vận động tâm thần chậm cần đủ nặng để có thể được quan sát bởi những người xung quanh chứ không chỉ biểu hiện ở cảm giác của trẻ. Năng lượng giảm sút, kiệt sức và mệt mỏi là rất hay gặp.
Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi là rất hay gặp trong giai đoạn trầm cảm chủ yếu. Trẻ cho rằng mình là kẻ vô dụng, không làm nên trò trống gì. Trẻ luôn nghĩ mình đã làm hỏng mọi việc, trở thành gánh nặng cho gia đình. Theo các chuyên gia y tế, rất nhiều trẻ em bị trầm cảm chủ yếu có ý nghĩ về cái chết, nặng hơn thì các cháu có thể có ý định tự sát hoặc hành vi tự sát.
Theo PGS.TS Tô Thanh Phương - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương, việc trẻ lạm dụng thiết bị điện tử, như ti vi, điện thoại, máy tính cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trầm cảm và tự sát gia tăng. Khi tiếp xúc với các thiết bị điện tử lâu ngày, khiến trẻ ngày càng thu hẹp trong thế giới của riêng mình. Có nhiều bệnh nhi sau một thời gian dài nghiện game khi tới bệnh viện thăm khám đều trong tình trạng buồn chán, lo âu...
Để có thể hỗ trợ điều trị chứng trầm cảm ở trẻ em cần phải kết hợp nhiều phương pháp và kiên trì trong một thời gian.
Các bậc phụ huynh nên thường xuyên tâm sự, chia sẻ và học cách lắng nghe con nhiều hơn. Không tạo áp lực quá lớn đối với các sinh hoạt hàng ngày, học tập , mối quan hệ khiến bị cảm thấy khó chịu. Đồng thời xây dựng cho bé một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh, hỗ trợ cung cấp nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin để bé có thể phát triển tốt hơn.
Rèn luyện cho bé chế độ sinh hoạt tốt nhất, ngủ đúng giờ, thường xuyên cho bé tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh để giúp bé thoải mái hơn. Kết hợp cùng với nhà trường để có thể biết được nhiều hơn các hoạt động của bé, đồng thời chú ý hơn về các mối quan hệ, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.
Nhiều trẻ đến bệnh viện trong tình trạng trầm cảm nặng
Tại cuộc tọa đàm “Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua?” do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức cách đây ít lâu, BS Trịnh Thị Vân Anh (Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời gian qua các ca bệnh khi được chuyển đến đây rất đa dạng về lứa tuổi, người già cũng có, người trưởng thành cũng có, trong đó tỉ lệ trẻ em và vị thành niên tương đối lớn.
Về mặt bệnh lý, các trường hợp đến khám trực tiếp chuyên khoa rất đa dạng về rối loạn cảm xúc hàng đầu như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực…Ngoài ra các em cũng mắc phải một số rối loạn hành vi như nghiện game, nghiện mạng xã hội và các rối loạn thần…
Rất ít các trường hợp có triệu chứng nhẹ do bố mẹ sớm phát hiện ra thông qua những tìm hiểu trên mạng nên đưa đến để sàng lọc sớm. Còn đa phần các trường hợp đến khi các triệu chứng đã rõ và bệnh cảnh đã nặng. Nhiều trường hợp phải cấp cứu về mặt tâm thần như nhịn ăn nhiều tháng, đến viện trong tình trạng suy kiệt, giảm cân. Một số trường hợp đến với tình trạng chi chít vết cắt trên người…