Quốc tế

Lộ trình chống nạn đói toàn cầu

Hà Anh 13/12/2023 08:01

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) vừa công bố lộ trình toàn cầu hướng đến xóa bỏ nạn đói và tình trạng suy dinh dưỡng, phù hợp với Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu năm 2015.

anh1-bai-chinh-12-12.jpg
Một bé gái nhận bữa trưa miễn phí từ tổ chức Food For All Africa tại Accra, Ghana. Nguồn: Reuters.

Tuyên bố với tên gọi “Lộ trình toàn cầu hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG 2) mà không vượt ngưỡng 1,5 độ C” đặt ra những cột mốc và mục tiêu hành động nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C.

Theo Liên hợp quốc (LHQ), sản xuất lương thực rất dễ bị tổn thương trước tác động của khủng hoảng khí hậu, khi nghiên cứu cho thấy rằng, 1/3 lượng thực phẩm toàn cầu có thể gặp rủi ro do tình trạng nóng lên toàn cầu. Nông nghiệp và chăn nuôi cũng là những nguồn phát thải khí nhà kính chính, đóng góp trực tiếp khoảng 1/10 sản lượng carbon toàn cầu và hơn gấp đôi nếu tính cả việc chuyển đổi môi trường sống tự nhiên sang canh tác.

Tuy nhiên, cho đến nay, LHQ vẫn chưa đề ra chi tiết về cách thế giới có thể vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của dân số ngày càng tăng - được dự báo sẽ đạt 10 tỷ người vào năm 2050 - vừa giảm lượng khí thải nhà kính toàn cầu xuống mức 0 để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Ông Maximo Torero - nhà kinh tế trưởng của FAO, cho biết: “Chúng ta cần hành động để giảm nạn đói và duy trì nhiệt độ tăng trong khoảng 1,5 độ C. Đây là vấn đề tái cân bằng hệ thống lương thực toàn cầu”.

Giải thích cho điều này ông Torero chỉ ra rằng, ở một số nơi trên thế giới đã có tình trạng tiêu thụ quá nhiều protein, nhưng ở những khu vực khác người dân lại không đủ protein. Một số vùng có thể được hưởng lợi từ việc sử dụng ít phân bón hóa học hơn, nhưng các vùng khác lại không sử dụng đủ. Ở một số vùng, chăn nuôi cần được tăng cường, nhưng ở những vùng khác cần tập trung vào việc khôi phục đất đồng cỏ bị suy thoái.

Lộ trình sẽ được vạch ra trong vòng hai đến ba năm tới, bắt đầu bằng một tài liệu được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ - COP28 ở Dubai, trong đó có 20 mục tiêu chính cần đạt được từ năm 2025 đến năm 2050, nhưng có rất ít chi tiết về cách đạt được chúng. Thông tin chi tiết hơn về cách thức đạt được nguyện vọng sẽ được trình bày trong các phần tiếp theo tại 2 hội nghị thượng đỉnh COP tiếp theo.

Các mục tiêu bao gồm: giảm 25% lượng khí thải mêtan từ chăn nuôi vào năm 2030; đảm bảo nghề cá trên thế giới được quản lý bền vững vào năm 2030; nước uống an toàn và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người vào năm 2030; giảm một nửa chất thải thực phẩm vào năm 2030; loại bỏ việc sử dụng sinh khối truyền thống để nấu ăn vào năm 2030.

Ông Torero cho biết, kế hoạch này sẽ không bao gồm việc kêu gọi đánh thuế thịt - điều mà một số chuyên gia đã ủng hộ - nhưng sẽ xem xét các biện pháp đánh thuế đường, muối và thực phẩm siêu chế biến.

Tuy nhiên, ông Torero cho rằng, nên dành nhiều tài chính cho khí hậu hơn cho ngành nông nghiệp - vốn chỉ chiếm khoảng 4% tài chính khí hậu hiện nay. Ông kêu gọi sử dụng đất nông nghiệp và tài nguyên hiệu quả hơn so với hiện nay.

Ông Emile Frison - chuyên gia tại IPES-Food (Hội đồng chuyên gia quốc tế về hệ thống thực phẩm bền vững) - cho biết: “FAO nên được hoan nghênh vì bước đi đầu tiên này trong việc đưa ra kế hoạch loại bỏ nạn đói cùng cực và loại khí nhà kính khỏi hệ thống thực phẩm, đặc biệt là việc nhấn mạnh vào quá trình chuyển đổi công bằng bởi điều đó không hề dễ dàng”.

Nhưng ông Frison cũng cho rằng, kế hoạch chưa đi đủ xa. “Dự thảo hiện tại nhấn mạnh vào những thay đổi đối với hệ thống thực phẩm công nghiệp hiện tại. Nhưng đây là một hệ thống thiếu sót đang tàn phá thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và khiến hàng triệu người chết đói. Những đề xuất đặt ưu tiên hiệu quả lên hàng đầu này khó có thể đủ để giúp chúng ta thoát khỏi con đường ô nhiễm, sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch và nạn đói mà chúng ta đang đi”.

Ông Frison kêu gọi những đề xuất cấp tiến hơn. Cần tiến xa hơn nữa trong việc đề xuất một sự chuyển đổi thực sự bằng cách nhấn mạnh hơn vào đa dạng hóa, chuỗi cung ứng và sinh thái nông nghiệp ngắn hơn, giải quyết sự bất bình đẳng quyền lực lớn do một số ít công ty áp đặt. Điều này xác định những gì chúng ta trồng và ăn.

Bà Ruth Davis - thành viên Quỹ Khí hậu châu Âu và là cộng tác viên cấp cao tại Trường Smith của Oxford - cho biết: “Thế giới rất cần một lộ trình hướng chúng ta đến một tương lai công bằng hơn, kiên cường hơn và bền vững hơn cho các hệ thống thực phẩm”. Bà Davis cho rằng, FAO đã có một khởi đầu hữu ích nhưng không đưa chúng ta đến đích mà chúng ta cần.

Bà Davis kêu gọi tập trung mạnh mẽ hơn nữa vào thiên nhiên, điều này theo bà sẽ rất quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực. “Các mục tiêu bảo vệ và phục hồi thiên nhiên - được 188 chính phủ nhất trí vào năm ngoái trong một thỏa thuận toàn cầu mang tính lịch sử để bảo vệ 30% diện tích hành tinh vào năm 2030 - phải định hướng cho lộ trình tiếp theo của FAO, nếu không tất cả chúng ta sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng” – bà Davis nói.

Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguồn tài trợ cho khí hậu đối với chuyển đổi nông nghiệp, việc duy trì hệ thống thực phẩm bền vững “cho tất cả mọi người trong hôm nay và ngày mai”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lộ trình chống nạn đói toàn cầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO