Lo trước cho dân

Dương Thanh Tùng 21/04/2016 11:00

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo thiệt hại hàng năm do biến đổi khí hậu (BĐKH) có thể lên đến 1,5 đến 4,8% kinh tế toàn cầu vào cuối thế kỷ 21. Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia chịu thiệt hại nặng nề do BĐKH. Chủ trì  phiên họp thứ 7, Ủy ban Quốc gia về BĐKH vào ngày 19/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc- Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về BĐKH nhấn mạnh, BĐKH là vấn đề lớn, được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài. 

Việt Nam nằm trong số 5 nước dễ bị tổn thương nhất do BĐKH. Ảnh: TL.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý bộ, ngành, địa phương trước tiên phải dựa vào dân. Không vì những mục tiêu lớn mà sao nhãng người dân đang phải đối mặt như hạn hán, xâm nhập mặn. Không thể nói vì thiếu vốn, thiếu tiền mà để người dân thiếu nước.

Theo kịch bản của Bộ TN-MT về BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam, đến cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình năm tăng từ 1,6 đến 3,7°C; Số ngày có nhiệt độ cao nhất trên 35°C tăng từ 15 đến 30 ngày. Xu thế chung là lượng mưa mùa khô giảm và lượng mưa mùa mưa tăng nhưng ở các khu vực khác nhau lại có thể xuất hiện ngày mưa dị thường với lượng mưa gấp đôi so với kỷ lục hiện nay.

Cuối thế kỷ 21, mực nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang trong khoảng từ 54 đến 105cm (thấp nhất là ở khu vực từ Móng Cái đến Hòn Dấu trong khoảng từ 42 đến 85cm). Trung bình toàn Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 49 đến 95cm.

Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam đã tăng khoảng 0,5°C (nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn so với nhiệt độ mùa hè, nhiệt độ ở phía Bắc tăng nhanh hơn so với ở phía Nam). Số ngày nắng nóng gia tăng, số ngày rét đậm, rét hại hoặc nhiệt độ thấp giảm nhưng có năm rét đậm kéo dài với cường độ mạnh kỷ lục 38 ngày như đầu năm 2008 và tiếp theo đó là đợt rét hại kéo dài từ ngày 31/1 đến ngày 2/2/2011. Tần số hoạt động của không khí lạnh ở Bắc Bộ giảm rõ rệt trong 3 thập kỷ qua. Đáng chú ý, mưa trái mùa và mưa lớn dị thường xảy ra nhiều hơn, tần số bão rất mạnh gia tăng.

Từ năm 2007 Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) xếp Việt Nam nằm trong số 5 nước dễ bị tổn thương nhất do BĐKH. Nếu mực nước biển tăng 1m, Việt Nam sẽ mất 5% diện tích đất đai, 11% người mất nhà cửa, giảm 7% sản lượng nông nghiệp và 10% thu nhập quốc nội (GDP). Từ đó, UNDP khuyến cáo: Việt Nam cần sớm xây dựng kịch bản thích ứng và đối phó chi tiết vấn đề khí hậu và nước biển dâng, để đưa ra các chính sách, chương trình hành động đúng đắn.

Báo cáo của Bộ TN-MT tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về BĐKH cho biết, năm 2015 nhiều địa phương cả nước có nhiệt độ thường xuyên vượt ngưỡng 40 độ C trong khi ở Sa Pa nhiệt độ đột ngột giảm sâu xuống còn 12,6 độ C giữa mùa hè. Năm 2015, thiên tai đã làm ít nhất 154 người chết, trên 445.000 ha lúa và màu bị ảnh hưởng không cho thu hoạch hoặc thu hoạch thấp với tổng thiệt hại vào khoảng 8.114 tỷ đồng. Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà đánh giá thực tế diễn biến của BĐKH ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với dự báo và ĐBSCL nằm trong số 5 đồng bằng của cả thế giới dễ bị tổn thương nhất. Cùng với nhận định tác động của BĐKH ở Việt Nam sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát đưa ra thông tin đáng lo ngại khi những ngày qua có khu vực của ĐBSCL, xâm nhập mặn đã vào sâu 90 cây số.

Đứng trước tình hình này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh BĐKH là thách thức lớn đối với Việt Nam. Các cấp, các ngành cần làm cho mọi người dân hiểu rõ về BĐKH cũng như chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về vấn đề này để cùng chung tay chung sức chủ động thích nghi, ứng phó hiệu quả với hiện tượng thời tiết đầy cực đoan, nguy hiểm này.

Thích nghi, ứng phó với BĐKH được Thủ tướng xác định là công việc của cả hệ thống chính trị và của mọi người dân. “Phải đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân trước các việc lớn khác. Không thể nói chúng ta thiếu vốn mà để dân thiếu nước”. Chỉ đạo thiết thực, đầy nhân văn của người đứng đầu Chính phủ cho thấy Chính phủ đặt mục tiêu lo cho dân (nhất là người dân ở những vùng đang gánh chịu hậu quả thiên nhiên) trước các nhiệm vụ quan trọng, nặng nề khác.

Lo trước cho dân, dựa vào dân không chỉ giới hạn ở việc ứng phó, thích nghi với BĐKH mà còn thể hiện rõ quan điểm xuyên suốt lấy dân làm gốc trong mọi mệnh lệnh hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo trước cho dân