Ngày 3/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên thường kỳ tháng 2 của Chính phủ. Thông tin tại đây cho thấy dịch Covid-19 gây tác động nặng nề đến nhiều ngành nghề, trong đó có hàng không, du lịch, dịch vụ… ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế.
Hỗ trợ để hồi phục và tăng trưởng sản xuất kinh doanh trong điều kiện ảnh hưởng xấu của dịch bệnh Covid-19 là rất cần thiết. Ảnh: Quang Vinh.
Cụ thể, vốn FDI thực hiện giảm 5%; vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế tăng 4,8%, mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 5,4% và 5,91%, mức tăng cao nhất trong 7 năm qua…
Như vậy, nhiều ngành, lĩnh vực suy giảm do Covid-19, đó là điều dễ hiểu. Và vì thế, việc hỗ trợ, “bơm vốn” để phục hồi sản xuất cũng là việc tất nhiên. Đó được coi là những giải pháp kích cầu gỡ khó cho sản xuất; không chỉ Việt Nam mà các nước khác cũng thế.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định “chống dịch như chống giặc”, tuy nhiên vẫn phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, không đợi hết dịch. Đó là “mục tiêu kép”, khó cũng phải làm.
Chính vì thế, phát biểu bế mạc phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thời gian tới là hết sức thận trọng nhưng cũng không được bi quan, phải phát triển sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở xác định rõ phân tích, đánh giá kỹ tình hình, xem xét những yếu tố tác động, ảnh hưởng để có giải pháp, đối sách cụ thể, phù hợp, kịp thời trong các lĩnh vực. Huy động mạnh mẽ hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước để thực hiện bằng được “nhiệm vụ kép” vừa tập trung phòng chống dịch, kiên quyết không để lây lan, vừa nỗ lực cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Mà muốn thế, trong tình hình khó khăn, để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh thì cần những giải pháp hỗ trợ, kích cầu. Không chỉ từng địa phương, từng ngành mà còn trên phạm vi cả nước, để tạo niềm tin; đồng thời chuẩn bị tốt mọi điều kiện để phát triển trong khó khăn. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thời gian tới phải biến nguy thành cơ hội, biến bại thành thắng. Như chiếc lò xo bị nén, cần chuẩn bị tốt để bật ra thật mạnh mẽ. Thủ tướng cho biết, sẽ ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, khi đã có chủ trương hỗ trợ thì phải giao nhiệm vụ cụ thể, có giải pháp cụ thể, có địa chỉ rõ ràng để triển khai thực hiện ngay, “không nói chung chung, lòng vòng”. Trong đó đặc biệt lưu ý các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, trước hết là du lịch, hàng không, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu. Đặc biệt, các gói hỗ trợ này phải có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân, không được để lâu, không để tồn tại cơ chế xin - cho, thiếu minh bạch.
Tình hình rất khẩn trương, chống dịch cũng như phục hồi sản xuất, không được coi nhẹ nhiệm vụ nào. Nhưng, thực tế thời gian qua cho thấy, việc “bơm vốn”- nói cách khác là các gói hỗ trợ vẫn “lòng vòng”, cho dù đã có chủ trương và đã có… tiền. Thói quen “làm khó” người khác vẫn tồn tại. Vì sao lại như vậy? Câu trả lời rất đơn giản là làm khó người khác để thủ lợi cho riêng mình. Căn bệnh ấy được chỉ tên là “cơ chế xin - cho”, nhưng đó là tiền của Dân của Nước, để phục vụ cho Dân cho Nước, tại sao lại phải đi xin. Và, người (nơi) được Nhà nước giao việc tại sao lại cho mình cái quyền ban phát? Suy cho cùng, đó vẫn là vấn đề đạo đức cán bộ. Không thể trục lợi từ vị trí công việc được giao để làm hỏng việc chung.
Trở lại với việc hỗ trợ kinh phí để khôi phục, phát triển sản xuất trong mùa dịch Covid-19. Khi Chính phủ quyết tâm thì không thể để tồn tại việc “lòng vòng”, “xin - cho”. Nhưng, để không xảy ra những chuyện như vậy thì cần phải có giám sát, để không được làm bậy, không được trì hoãn. Cùng với những cơ quan chuyên trách, thiết nghĩ ở đây cần có vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc. Những gói hỗ trợ dự tính không nhỏ (vài chục ngàn tỷ đồng) thì lại càng cần phải giám sát. Giám sát ở đây có thể hiểu ở 2 việc: Một là, không để thất thoát và hai là không để “lòng vòng”, trì hoãn, không được “làm khó” người khác như một thói quen tồn tại một cách đương nhiên. Nếu làm được thì các gói hỗ trợ để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh mới thật sự hiệu quả. Mà điều đó, trong tình hình khẩn trương như hiện nay, là vô cùng cần thiết.
*Trong tình hình khó khăn, để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh thì cần những giải pháp hỗ trợ, kích cầu. Không chỉ từng địa phương, từng ngành mà còn trên phạm vi cả nước, để tạo niềm tin; đồng thời chuẩn bị tốt mọi điều kiện để phát triển trong khó khăn. Như chiếc lò xo bị nén, cần chuẩn bị tốt để bật ra thật mạnh mẽ. Các gói hỗ trợ phải có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân, không được để lâu, không để tồn tại cơ chế xin - cho, thiếu minh bạch. Nói tóm lại, phải loại bỏ thói quen “làm khó người khác” để thủ lợi cho riêng mình; cũng như phải loại bỏ “cơ chế xin - cho”.