Đó là chủ đề buổi tọa đàm do Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN và MT) phối hợp với Sở TN và MT tỉnh Nam Định tổ chức mới đây tại TP. Nam Định…
Đại biểu tham dự tọa đàm.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN & MT): Tầng ôzôn được xem là tấm lá chắn bảo vệ sự sống trên trái đất khỏi các tia cực tím từ mặt trời. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển con người đã phát minh, sử dụng và thải ra khí quyển một lượng lớn hóa chất, trong đó có các chất làm suy giảm tầng ôzôn (ODS). Hậu quả là tầng ôzôn bị suy thoái, lỗ thủng tầng ôzôn đã xuất hiện ở Nam Cực vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước và có nguy cơ lan rộng, đe dọa sự sống trên hành tinh chúng ta, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Việc loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, ứng phó và giảm nhẹ biến đổi khí hậu đang là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi nỗ lực chung của toàn cầu
Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ tầng ôzôn, những năm qua cộng đồng quốc tế đã có một số hoạt động cụ thể. Theo đó, từ năm 1985, Công ước Vienna về bảo vệ tầng ôzôn đã ra đời; năm 1987, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn được các nước phê chuẩn. Cho đến nay, Nghị định thư Montreal được đánh giá là một hình mẫu về hợp tác quốc tế giữa các nước phát triển và đang phát triển và giữa các nước đang phát triển với nhau, trong đó các nước phát triển đi đầu trong việc loại trừ các chất ODS và đóng góp tài chính cho các nước đang phát triển.
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn
và Biến đổi khí hậu (Bộ TN & MT) chia sẻ thông tin
về hiện trạng suy giảm tầng ô-zôn và biến đổi khí hậu
Từ tháng 1-1994, Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành liên quan, cộng đồng doanh nghiệp sử dụng ODS đã phối hợp loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, halon theo đúng lộ trình quy định. Trong các năm tiếp theo, trách nhiệm của Việt Nam là tiếp tục loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất phát thải (HCFC) . Nếu nhận được hỗ trợ đầy đủ về tài chính và công nghệ từ phía các tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể hoàn thành loại trừ các chất HCFC vào năm 2025.
Cũng theo ông Hiếu, để hạn chế sự ấm lên toàn cầu cần phải hạn chế và quản lý chặt chẽ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và những khí nhà kính khác. “Từ năm 1971 đến năm 2010 nhiệt độ bề mặt đại dương đã tăng lên 0,11ºC mỗi thập kỷ. Kể từ giữa thế kỷ XIX, mức độ dâng lên của mực nước biển cao hơn mức độ trung của hai thế kỷ trước. Từ năm 1901 đến năm 2010, mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng lên 0,19m”, ông Hiếu thông tin.
Ông Lương Đức Khoa, Phó Trưởng phòng Cục Khí tượng thủy văn
và Biến đổi khí hậu (Bộ TN & MT) trình bày những tác nhân gây nên vấn đề
suy giảm tầng ô-zôn và cách loại trừ các chất thải nguy hại đến tầng ô-zon
Cùng đến từ Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT), ông Lương Đức Khoa cho biết: ở nước ta, trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,5-0,7ºC. Mức thay đổi nhiệt độ cực đại trên phạm vi cả nước nhìn chung dao động trong khoảng -3ºC đến 3 ºC; mức thay đổi nhiệt độ cực tiểu chủ yếu dao động trong khoảng -5 ºC đến 5 ºC. Xu thế chung của nhiệt độ cực đại và cực tiểu là tăng. Tốc độ tăng của nhiệt độ cực tiểu nhanh hơn so với nhiệt độ cực đại, phù hợp với xu thế chung của biến đổi khí hậu toàn cầu…
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đều thống nhất nhìn nhận nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng biến đổi khí hậu được xác định là do các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hoạt động sản xuất nông nghiệp, đô thị hóa, khai thác rừng. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động, ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến môi trường, hậu quả rõ nhất là tình trạng nước biển ngày càng dâng cao. Theo các điaị biểu, một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay là sớm tiến hành đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, xây dựng được các biện pháp thích ứng hiệu quả trong các lĩnh vực: tài nguyên nước, vùng ven biển, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, sức khỏe cộng đồng….
Ông Vũ Minh Lượng, Giám đốc Sở TN & MT tỉnh Nam Định
tham luận tại buổi Tọa đàm.
Từ thực tiễn địa phương, ông Vũ Minh Lượng, Giám đốc Sở TN & MT tỉnh Nam Định cho hay: góp phần tham gia giải quyết vấn đề có tính toàn cầu này, thời gian qua tỉnh Nam Định đã có những nỗ lực nhất định. Trong đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ liên quan quan đến bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 Riêng đối với lĩnh vực bảo vệ tầng ô-zôn và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, cách đây chưa lâu, ngày 14-3-2014 UBND tỉnh này đã có văn bản chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong thực hiện các biện pháp giảm cầu về các chất phát thải bảo vệ tầng ô-zôn. Trên thực tế, những năm qua, các cấp, các ngành, đặc biệt là cơ quan quản lý tài nguyên, môi trường ở địa phương cùng Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị ở Nam Định đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động, hình thức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số hoạt động cụ thể đã được giới chức và cộng đồng địa phương ứng dụng, triển khai như: lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển bền vững; phát triển hầm khí sinh học từ chất thải trong chăn nuôi; cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời và ứng dụng công nghệ sản xuất giảm phát thải khí nhà kính; sản xuất vật liệu không nung…