Quốc hội

Đề xuất loại trừ một số trách nhiệm trong “thử nghiệm có kiểm soát”

Việt Thắng 26/03/2024 14:51

ĐBQH cho rằng, phần cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đang quy định quá chặt và có lẽ sẽ khiến ít doanh nghiệp, cá nhân nào dám thử nghiệm.

Ngày 26/3, tại hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH chuyên trách đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Liên quan đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Điều 25), ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng xác định nội dung, lĩnh vực được phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát, xác định khung pháp lý cần thiết để thành phố Hà Nội có thể cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn thành phố, phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền Thành phố, trong đó cho phép miễn trừ áp dụng một số quy định trong luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định phù hợp với phạm vi, yêu cầu, mục đích thử nghiệm.

Theo ông Tùng, quy định như vậy là phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo cơ sở để thành phố Hà Nội có thể thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế các giải pháp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, đưa Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành một trong các trung tâm đi đầu về đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực. Do cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện quy định này.

"Riêng về phạm vi các nội dung có thể được áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, có ý kiến đề nghị nên giới hạn cụ thể hơn những nội dung, lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát, ví dụ như chỉ gồm công nghệ mới thuộc một số lĩnh vực nhất định như quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội áp dụng đối với TP Hồ Chí Minh do đây là một nội dung mới, cần có bước đi thận trọng"-ông Tùng cho hay.

Về vấn đề trên, ĐB Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đề nghị, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là quy định đầu tiên ở cấp độ luật điều chỉnh quy định quan trọng này, phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học công nghệ. Dự thảo Luật đã mở rộng hơn nhiều so với cơ chế thử nghiệm áp dụng cho TP Hồ Chí Minh trong nghị quyết số 98 của Quốc hội.

Ông Nghĩa phân tích: Theo dự thảo cơ chế thử nghiệm được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực thì cần tiếp cận theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt. Vì vậy Luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát mà không nên giao UBND thành phố xem xét quyết định. Theo kinh nghiệm quốc tế, các lĩnh vực áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định là chính nhưng thường là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Fintech, giáo dục, Ftech, y tế.

“Dự thảo Luật chỉ chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa có quy định về đầu ra như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm thế nào? hậu quả pháp lý khi kết thúc cơ chế thử nghiệm ra sao? Cho nên cần bổ sung quy định này trong dự thảo Luật”-ông Nghĩa nói.

ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) thì cho rằng, phạm vi thử nghiệm quy định như dự thảo Luật còn tương đối rộng. Do đó có thể xây dựng danh mục thử nghiệm trong các lĩnh vực gắn trực tiếp với phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và xu hướng chung, như lĩnh vực tài chính, chuyển đổi số, AI.

Ông An cũng cho rằng, việc thử nghiệm thường gắn với rủi ro. Gắn với rủi ro cần loại trừ một số trách nhiệm cho nên cần rà soát quy định loại trừ một số trách nhiệm liên quan vấn đề này. Bởi phần cơ chế kiểm soát đang quy định quá chặt và có lẽ sẽ khiến ít doanh nghiệp, cá nhân nào dám thử nghiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất loại trừ một số trách nhiệm trong “thử nghiệm có kiểm soát”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO