Loạn thi sắc đẹp

Minh Quân 21/06/2023 07:06

Nghị định 144/2020 của Chính phủ quy định về việc tổ chức các hoạt động nghệ thuật biểu diễn tạo ra một hành lang cho các cuộc thi về nhan sắc. Tuy nhiên, dường như được tạo điều kiện quá thông thoáng, nhiều cuộc thi sắc đẹp đã ra đời với hàng loạt các danh hiệu nhan sắc “vàng thau lẫn lộn”.

Cuộc thi “Hoa hậu chuyển giới Việt Nam 2023” dù không được cấp phép nhưng vẫn tổ chức.

Tràn lan các cuộc thi nhan sắc

Theo số liệu thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), trong năm 2022 đã có hơn 20 cuộc thi về nhan sắc được tổ chức. Đặc biệt mới chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có hàng loạt các cuộc thi được khởi động như Hoa hậu Du lịch bản sắc Việt Nam, Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam, Hoa hậu Quốc gia Việt Nam, Miss World Vietnam... Đó còn chưa kể hàng loạt các cuộc thi như Người đẹp Hoa Ban, Người đẹp Hoa Lư, Hoa khôi du lịch Đà Nẵng… do các địa phương tổ chức. Đặc biệt, Việt Nam thời gian vừa qua còn đảm nhận vai trò chủ nhà cho một số cuộc thi hoa hậu quốc tế như Miss Charm, Hoa hậu Hoà bình Quốc tế…

Có thể nói, việc phân cấp cho các địa phương đứng ra cấp phép tổ chức đang tạo ra sự bùng nổ các danh hiệu nhan sắc, nếu không nói là loạn danh hiệu. Ở một góc độ nào đó, theo nhiều đơn vị tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian dài nên việc tổ chức gấp rút nhiều cuộc thi là nhằm đảm bảo kế hoạch đã chuẩn bị trước đó. Cá biệt, một số cuộc thi vừa vinh danh đầu năm, nhưng đến giữa năm đã khởi động cho hành trình tìm ra danh hiệu hoa hậu mới. Và như vậy, số lượng danh hiệu hoa hậu, người đẹp cũng tăng theo cấp số nhân. Đó còn chưa kể, nhiều cuộc thi nhan sắc “chui” vẫn diễn ra gây bức xúc dư luận.

Mới đây, vụ việc Công ty TNHH Hương Giang Entertainment tổ chức cuộc thi “Hoa hậu chuyển giới Việt Nam 2023” tại quận 12, TPHCM nhưng không xin phép. Dù cuộc thi đã được Sở Văn hoá, Thể thao TPHCM “tuýt còi”, yêu cầu dừng hoạt động nhưng đêm chung kết vẫn... tưng bừng diễn ra. Với vi phạm trên, Sở Văn hoá, Thể thao TPHCM đã xử phạt hành chính 55 triệu đồng đơn vị tổ chức (áp dụng theo Nghị định 38 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo). Mới đây nhất, Sở Văn hoá, Thể thao TPHCM cho biết đang phối hợp các cơ quan liên quan xử lý đơn vị tổ chức cuộc thi “Hoa hậu và Nam vương Hoàn vũ Thế giới quốc tế 2023” vì chưa được cấp phép. Trước đó, hồi tháng 3/2023, cuộc thi “Miss Petite Vietnam 2023 - Hoa hậu Nhân ái Việt Nam” bị cơ quan chức năng yêu cầu tạm ngưng buổi công bố cuộc thi sau khi chương trình bắt đầu được vài phút, với lý do chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý.

Hàng loạt các cuộc thi về nhan sắc, người đẹp được tổ chức trong thời gian qua.

Giải tỏa bất cập

Thực tế cho thấy, việc “trao quyền” tổ chức cuộc thi về nhan sắc giờ đây đã được nhiều địa phương quan tâm, đầu tư và trở thành một trong những hoạt động văn hóa trọng điểm hàng năm. Tuy nhiên, dường như quá thông thoáng nên vô số cuộc thi về nhan sắc đã được khởi động. Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: Nghị định 144 đã có những quy định đi theo đúng xu hướng quản lý nghệ thuật biểu diễn trên thế giới. Ở đó nhấn mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm, tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm. Việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp gần đây bùng nổ và có những lùm xùm là vì nhiều lý do, không thể tất cả đều “đổ thừa” cho Nghị định 144. Ông Sơn cho rằng, liên quan đến vấn đề nhiều cuộc thi vẫn tổ chức dù chưa được cấp phép nguyên nhân đến từ nhận thức của các thành viên BTC và chính thí sinh khi chưa xác định được tầm quan trọng và tính nhạy cảm của các cuộc thi, còn để hiện tượng trục lợi len lỏi vào khiến họ bất chấp quy định để tổ chức. Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận năng lực quản lý của một số địa phương vẫn còn hạn chế.

“Để quản lý tốt hơn, chúng ta cần có những giải pháp tổng thể từ nâng cao nhận thức, ban hành thêm các văn bản quy phạm pháp luật, tăng mức xử phạt… Chúng ta cũng cần xử nghiêm một số vụ vi phạm để làm “án điểm”. Và giải pháp căn cơ vẫn là nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ văn hóa, những người trực tiếp thực hiện công tác cấp phép, kiểm tra. Chỉ khi làm tốt những điều này, chúng ta mới có thể đưa những cuộc thi sắc đẹp về đúng ý nghĩa là nơi tôn vinh vẻ đẹp hình thể và trí tuệ của người phụ nữ Việt” - ông Sơn nhấn mạnh.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly cho biết, việc phân cấp cho các đơn vị quản lý văn hóa tại các địa phương theo Nghị định 144 đang gặp một số khó khăn về nguồn nhân lực, như không bảo đảm số lượng, kiến thức chuyên môn sâu để tổ chức thẩm định chương trình biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi người đẹp ở các địa phương.

Trước những hạn chế, vướng mắc này, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tham mưu với lãnh đạo Bộ VHTTDL áp dụng giải pháp chuyển đổi số trong quản lý nhà nước để thông suốt thông tin nền hành chính công quốc gia. Đồng thời trong thời gian tới, Cục sẽ tổ chức hội nghị tập huấn cho các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho nguồn lực quản lý, văn hóa.

Theo đạo diễn Trần Ly Ly, các cuộc thi sắc đẹp là vấn đề rất được xã hội quan tâm, vì thế để quản lý tốt hoạt động này cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, tổng thể. Trước mắt, chúng ta phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của các cuộc thi sắc đẹp, để tránh những ngộ nhận, hiểu lầm về giá trị các cuộc thi này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loạn thi sắc đẹp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO