Quy trách nhiệm đến cùng và xử lý nghiêm minh là kiến nghị của các chuyên gia để triệt tiêu hiện tượng chạy theo bằng cấp, bằng thật nhưng học dởm dẫn tới hậu quả vô cùng lớn cho xã hội.
Nhiều năm nay, dư luận xã hội đã râm ran về các luận án tiến sĩ có hàm lượng tri thức thấp, trong đó có nhiều đề tài chỉ đọc tên đã gây cười. Không khó để tìm ra ngoài luận án “tiến sĩ cầu lông” còn thấy nhiều luận án tiến sĩ khác về bóng rổ, cử tạ, yoga… Chuyện thật như đùa nhưng đã tồn tại trong suốt thời gian dài.
Các chuyên gia lo sợ tình trạng dễ dàng đào tạo tiến sĩ thì sẽ sản sinh ra lớp tiến sĩ kém chất lượng. Nghiêm trọng hơn, nếu như nguồn lực kém chất lượng ấy sau này được sử dụng, thậm chí ở những vị trí rất quan trọng trong xã hội thì hậu quả rất nguy hiểm.
Công tác hậu kiểm chưa làm đến nơi đến chốn
Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, PGS.TS Nguyễn Văn Dững cho rằng, người làm giáo dục đào tạo cần có tâm với nghề, với sự nghiệp.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững, khi xảy ra tình trạng dễ dãi thông qua các đề tài nghiên cứu thì trách nhiệm ở hội đồng khoa học tư vấn, nghiệm thu đánh giá luận án tiến sĩ.
Để khắc phục, loại những đề tài kém chất lượng chủ yếu phụ thuộc vào đội ngũ những người thầy, các nhà khoa học đi trước; đồng thời phụ thuộc vào người dự tuyển nghiên cứu sinh.
Dưới góc nhìn của người hướng dẫn khoa học, PGS.TS Nguyễn Văn Dững chia sẻ cái khó của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh là chọn đề tài luận án và nghiên cứu sinh đó có đủ tư chất, hứng thú với đề tài hay không.
Mặt khác, đề tài phải giúp mở ra miền trị thức mới mà nghiên cứu sinh sau khi bảo vệ thành công thì sẽ trở thành chuyên gia cho lĩnh vực đó, do chính nghiên cứu sinh khám phá.
“Do đó, đòi hỏi dự tuyển nghiên cứu sinh phải có tầm bao quát giới chuyên môn ngành/chuyên ngành của mình. Như vậy, nghiên cứu sinh phải có năng lực tư duy khoa học và tầm quan sát các vấn đề thực tiễn đang diễn ra. Tránh tình trạng gá tên người hướng dẫn vào luận án trong khi chẳng giúp gì cho nghiên cứu sinh và hội đồng thẩm định, hội đồng đánh giá luận án bị đùn lên một mớ trang luận án và dễ dãi cho qua. Ai cũng cần có công việc, cần có tiền, nhưng làm việc thì phải có tâm, nhất là đào tạo nghiên cứu sinh”, PGS.TS Nguyễn Văn Dững nói.
Dù đánh giá quy chế đào tạo tiến sĩ đã được đổi mới nhiều lần nên có chặt chẽ hơn, nhưng chuyên gia này nhấn mạnh, trách nhiệm cao nhất thuộc về các hội đồng, các nhà khoa học, cơ sở đào tạo và sau đó đến Bộ GDĐT.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững nêu thực tế, công tác hậu kiểm này chưa được làm đến nơi đến chốn, chưa triệt để và cách giải quyết cũng nửa vời.
Có luận án tiến sĩ qua hậu kiểm đã bị hủy, thu hồi bằng tiến sĩ, nhưng chủ tịch hội đồng, các phản biện và thành viên không hề bị xử lý mà họ vẫn tiếp tục làm chủ tịch hội đồng và phản biện các luận án khác.
Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Văn Dững nêu quan điểm: “Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GDĐT cần phải tiến hành hậu kiểm việc tổ chức đào tạo tiến sĩ. Việc hậu kiểm để đánh giá các luận án tiến sĩ cần phải được thực hiện nghiêm túc và đặc biệt cần phải xử lý nghiêm nếu có sai phạm”.
Quy trách nhiệm đến cùng và xử lý nghiêm
PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, để đạt được một luận án tiến sĩ chất lượng không đơn giản chút nào, kể cả lý thuyết lẫn thực tiễn, đòi hỏi nghiên cứu sinh làm nghiêm chỉnh và rất vất vả, khó khăn, tốn công, tốn sức và tốn trí tuệ.
Trong khi đó, thời gian qua việc đào tạo tiến sĩ không chú trọng chất lượng mà chạy theo số lượng nên xảy ra hiện tượng, một bộ phận cán bộ công chức có bằng có cấp nhưng chất lượng không thật, không phục vụ được gì cho đất nước.
“Cơ quan quản lý nhà nước cần quy trách nhiệm đến cùng và xử lý nghiêm minh” là kiến nghị của PGS.TS Bùi Thị An để triệt tiêu hiện tượng chạy theo bằng cấp, bằng thật nhưng học dởm dẫn tới hậu quả vô cùng lớn cho xã hội.
Theo bà An, trách nhiệm về chất lượng đào tạo là của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, Bộ GDĐT là cơ quan quản lý được Nhà nước, nhân dân giao cho chức năng thẩm định, kiểm tra nên khi xảy ra sự cố về chất lượng thì trách nhiệm cuối cùng thuộc về Bộ GDĐT.
Vì vậy, chuyên gia này đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần phân rõ trách nhiệm. Nếu cơ sở đào tạo, Bộ GDDT làm không tốt phải chịu trách nhiệm, kiểm điểm nghiêm túc và xử lý nghiêm minh.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, để đạt được một luận án tiến sĩ chất lượng không đơn giản chút nào, kể cả lý thuyết lẫn thực tiễn, đòi hỏi nghiên cứu sinh làm nghiêm chỉnh và rất vất vả, khó khăn, tốn công, tốn sức và tốn trí tuệ.
Hiện nay, một số địa phương có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, cử đi đào tạo tiến sĩ. Bên cạnh đó, trong quy trình bổ nhiệm cán bộ có những yêu cầu về học hàm học vị. Các chuyên gia cũng chỉ ra, đây cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn tới nhiều người đổ xô đi học thạc sĩ, tiến sĩ.
Về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho hay: “Đào tạo người học thành nghiên cứu sinh là tốt nhưng phải là tiến sĩ thật, người học thật, người thầy hướng dẫn cũng phải thật. Tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư cần cho các trường đại học và viện nghiên cứu còn đối với từng vị trí, nhiệm vụ của cán bộ, công chức cần trình độ, chuyên nghiệp, tư duy và phương pháp làm việc hơn là bằng tiến sĩ”.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, cán bộ quản lý cần giỏi về chuyên môn, không nhất thiết phải có học hàm, học vị.
Bà An kiến nghị: “Trong quá trình bổ nhiệm cán bộ, cần nghiên cứu, xem xét ở những lĩnh vực, ngành nghề, vị trí nào cần phải có học hàm học vị hay bằng cấp chứng chỉ ra sao để phù hợp thực tiễn và hiệu quả trong công tác lãnh đạo và điều hành”.