Những năm qua, có không ít người dân nghèo ở các địa phương trên cả nước bị sập bẫy của các đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ), mất đất, mất nhà, lâm vào hoàn cảnh nợ nần chồng chất. Trong khi đó có không ít lao động bỏ trốn ở lại khiến nước sở tại cấm lao động Việt Nam, cướp đi cơ hội XKLĐ của những người khác... Hàng trăm mối lo trong XKLĐ khiến cơ quan quản lý đau đầu tìm lời giải.
Muốn đổi đời nhanh chóng
Thực tế có nhiều người đang rất nghèo, nhưng sau khi đi XKLĐ trở về, bỗng trở thành “đại gia”, xây được nhà, mua sắm đượng những tiện nghi đắt tiền... Đó là lý do mà không ít người ở trong trường hợp tương tự thèm muốn được đổi đời nhanh chóng bằng con đường XKLĐ. Nhu cầu đã có và thế là những người dân nghèo, chủ yếu là nông dân tìm mọi cách để tiếp cận những địa điểm, tổ chức, cá nhân có liên quan đến XKLĐ, hoặc chí ít là nghe quảng cáo có liên quan đến XKLĐ, để tìm kiếm cơ hội... làm giàu.
Tất nhiên là cũng có nhiều người đã tiếp cận đúng với “người thật, việc thật”, tức là gặp được những doanh nghiệp (DN) có chức năng XKLĐ (được Bộ LĐTBXH cấp phép) và đã thỏa nguyện được ước mơ kiếm tiền nhanh bằng việc đi lao động ở nước ngoài. Song, cũng có không ít người lao động chỉ có thể tiếp cận được với những kẻ cò mồi, những trung tâm làm dịch vụ giới thiệu, thậm chí là cả các cotylua. Ngay cả khi người dân không bị lừa mà chỉ phải thông qua các trung tâm giới thiệu, cò mồi là “chân rết” của DN được cấp phép XKLĐ, thì đã phải mất thêm rất nhiều tiền cho các loại phí.
Báo chí cũng đã tốn nhiều giấy mực để cảnh báo việc người lao động dễ dàng bị lừa khi làm việc với cò mồi, các trung tâm giới thiệu giả mạo... Trên thực tế cũng có nhiều người dân nghèo đã sập bẫy lừa của những kẻ quảng cáo có khả năng đưa người đi XKLĐ. Song, điều đó không làm đa số người dân nghèo “chùn bước”, cẩn trọng hơn trong việc ký kết hợp đồng đi XKLĐ. Họ sẵn sàng đặt bút ký, nộp tiền cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào quảng cáo hay ho, nào là công việc an nhàn, lại hưởng mức lương cao tới mấy nghìn đô la/ tháng. Cũng khó trách được, bởi hầu hết người lao động có nhu cầu đi XKLĐ đều là dân nghèo, là các “lão nông chi điền” muốn đổi đời nhanh chóng nên bất chấp rủi ro, nộp tiền cho những kẻ lừa đảo.
“Lợi dụng nhu cầu của người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài, có những tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn đưa ra các thông tin, quảng cáo sai sự thật về việc làm ở nước ngoài: Làm công việc tốt, có thu nhập cao để lừa đảo thu tiền của người lao động. Đặc biệt các tổ chức, cá nhân này đánh vào tâm lý của người lao động muốn được ra nước ngoài nhanh, thủ tục đơn giản, không cần phải học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản...”- Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) Nguyễn Gia Liêm cho hay.
Vàng thau lẫn lộn
Theo quy định hiện hành, chỉ có các DN được Bộ LĐTBXH cấp phép XKLĐ mới bị kiểm tra, giám sát, còn lại các “chân rết”, các trung tâm giới thiệu, cò mồi thì hoạt động tự do và quan trọng là không bị pháp luật cấm. Dĩ nhiên, dù là DN thứ phát, trung tâm giới thiệu, hay cò mồi đều không có thể đưa người đi XKLĐ mà phải thông qua những DN được cấp phép. Song, vì không bị pháp luật cấm nên họ vẫn cứ hoạt động dưới hình thức trung gian, chiêu mộ công khai những người có nhu cầu đi XKLĐ, để kiếm tiền chênh lệch từ các khoản phí mà người lao động phải đóng góp (gấp nhiều lần so với quy định).
Và hệ lụy tất yếu khi không có kiểm soát vẫn có thể hoạt động là sẽ xảy ra thực trạng thật giả lẫn lộn, trắng đen bất phân. Nghĩa là có trung tâm giới thiệu, cò mồi... thực sự là “cánh tay nối dài” của DN được cấp phép XKLĐ tỏa đi các địa phương. Nhưng cũng sẽ có những băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân hoạt động công khai mà các cơ quan quản lý nhà nước không thể kịp thời phát hiện, xử lý, nếu chưa có nạn nhân nào đến trình báo. Chính các cơ quan chức năng còn khó phân định giữa cò mồi “xịn”, trung tâm giới thiệu “xịn” với các ổ nhóm lừa đảo, thì làm sao người dân có thể không sập bẫy?
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm cho biết, hiện trên toàn quốc chỉ có 459 DN được Bộ LĐTBXH cấp phép đủ điều kiện ký hợp đồng XKLĐ. Còn lại những DN khác nếu quảng cáo có chức năng XKLĐ đều là các công ty lừa. Vâng, về mặt lý thuyết là vậy. Song, trên thực tế từ 459 DN được cấp phép sẽ xuất hiện biết bao nhiêu DN thứ phát, bao nhiêu trung tâm giới thiệu, bao nhiêu cò mồi hoạt động hợp pháp? Người lao động lấy thông tin ở đâu, làm sao để phân biệt một DN lừa với một “cánh tay nối dài” của DN hoạt động XKLĐ được cấp phép?
Khi thu tiền, các DN, trung tâm giới thiệu, cò mồi lừa đảo sẵn sàng giới thiệu là người của những DN có chức năng XKLĐ (vì danh sách các DN này công khai trên trang chủ của Cục Quản lý lao động ngoài nước và website của Bộ LĐTBXH), rồi sau đó mới ôm tiền “xa chạy, cao bay” thì người lao động biết đi đâu mà tìm? Trong trường hợp này, thiệt thòi luôn thuộc về người lao động, bởi các DN nghiệp được phép XKLĐ sẽ không chịu trách nhiệm cho những kẻ giả danh. Ngay cả khi những kẻ ôm tiền của dân nghèo bỏ trốn đúng là “chân rết” hay “cánh tay nối dài” thì DN cũng phủi tay không chịu trách nhiệm, bởi người lao động chẳng có gì để chứng minh điều đó.
Chế tài chưa đủ sức răn đe
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện có khoảng 580 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Bắc Á (khoảng 520 nghìn người), thu nhập trung bình khoảng 1.000 đô la Mỹ. Số còn lại làm việc ở khu vực Đông Nam Á, Trung Đông và châu Âu. Theo ước tính của Cục Quản lý lao động ngoài nước, số tiền người lao động ở nước ngoài hàng năm chuyển về nước đạt khoảng 5 tỷ USD.
Nhìn chung, phần lớn DN được cấp phép XKLĐ đều thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật cũng như quy định của Bộ LĐTBXH. Đó là tuyển chọn kỹ đối tượng XKLĐ và tổ chức bồi dưỡng những kiến thức cần thiết, giáo dục định hướng trước khi ra nước ngoài lao động. Một số DN chỉ tập trung vào việc khai thác các hợp đồng cung ứng lao động tại các thị trường có điều kiện làm việc tốt, thu nhập khá, tổ chức đào tạo nghề, ngoại ngữ, quản lý và hỗ trợ người lao động làm việc ở nước ngoài nên hạn chế được các vụ việc xấu phát sinh với người lao động, cũng như vi phạm của người lao động ở nước ngoài.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận DN thực hiện chưa tốt công tác tuyển chọn, đào tạo người lao động trước khi đi XKLĐ. DN buông lỏng, thiếu sự quản lý và hỗ trợ người lao động ở nước ngoài dẫn tới không kịp thời bảo hộ công dân khi cần thiết. Trước thực trạng đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Thanh tra Bộ LĐTBXH và các cơ quan lao động địa phương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Song, theo nhiều chuyên gia lao động thì việc xử phạt vi phạm hành chính hầu như chưa đủ sức răn đe đối với DN, chưa khiến họ sợ để thực hiện đúng trách nhiệm đã cam kết với Chính phủ, Bộ LĐTBXH và người lao động.
Chính vì tình trạng “mang con bỏ chợ”, thiếu sự kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kịp thời cho người lao động của không ít DN có chức năng XKLĐ, nên vẫn còn tình trạng người lao động vi phạm hợp đồng lao động, vi phạm pháp luật nước sở tại, bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc tự ý ở lại nước ngoài sau khi hết hạn hợp đồng trái pháp luật. Tuy số lao động này chiếm tỷ lệ không cao, nhưng đã làm ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước tiếp nhận lao động. Nhiều công ty, xí nghiệp tiếp nhận lao động ở nước ngoài đã bị cấm, hoặc phải chuyển sang tiếp nhận lao động nước ngoài khác, làm hạn chế nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam và làm mất đi cơ hội của những người lao động muốn đến làm việc tại các địa bàn này.
Cũng theo ông Liêm, để khắc phục các vi phạm của cả người lao động và DN đưa người đi XKLĐ, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Bộ LĐTBXH thời gian qua đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, cung cấp thông tin và hướng dẫn người lao động đến đúng địa chỉ các DN thực hiện tốt... để hạn chế tình trạng lừa đảo, hoặc tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động quá cao so với quy định của pháp luật. Những DN thiếu trách nhiệm trong việc hỗ trợ, bảo hộ người lao động ở nước ngoài sẽ bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí thu hồi giấy phép XKLĐ đã được cấp.