Trong bối cảnh bất động sản suy thoái, khó khăn bủa vây, nhiều doanh nghiệp địa ốc nghìn tỷ đình đám "vướng" không ít nợ nần, thậm chí bị buộc mở thủ tục phá sản.
Xây dựng Hòa Bình: Phát hành cổ phiếu để tăng vốn và hoán đổi nợ
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (MCK: HBC, sàn HoSE) mới đây đã diễn ra thành công theo hình thức trực tuyến.
Tại đại hội, HĐQT HBC đã thông qua Báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2022 và phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ trong thời gian tới.
Cụ thể, Xây dựng Hòa Bình sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ và hoán đổi nợ, giá phát hành là 12.000 đồng/cổ phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá dự kiến phát hành thêm tối đa là 2.740 tỷ đồng.
Trong đó, HBC phát hành 220 triệu cổ phiếu nhằm tăng nguồn vốn và 54 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ đối với các đơn vị là nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh và thanh toán các khoản nợ hiện hữu. Thời gian thực hiện dự kiến phát hành trong năm 2023 - 2024, chi tiết sẽ được thông báo sau khi nhận được chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đây được đánh giá là giải pháp có cơ hội mang về lợi ích lâu dài trong việc cơ cấu lại nợ, cũng như khôi phục hoạt động kinh doanh, đưa các nhà thầu phụ, nhà cung cấp trở thành cổ đông chiến lược của HBC.
Được biết, tính đến ngày 16/10/2023, đã có gần 100 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý ký biên bản thỏa thuận hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu đạt giá trị tương đương 400 tỷ đồng.
Về vấn đề tài chính, HBC đã nhận được 2 phán quyết của pháp luật về việc thắng kiện với tổng số tiền thu hồi hơn 260 tỷ đồng.
Cụ thể, Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã buộc Công ty CP Xây dựng và Phát triển Đô thị phải thanh toán cho Hòa Bình số tiền gần 162 tỷ đồng. TAND TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cũng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Hòa Bình và buộc Công ty TNHH Vì khoa học thanh toán cho Hòa Bình số tiền hơn 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, Xây dựng Hòa Bình cũng đã hoàn tất thu về toàn bộ số công nợ và lãi trả chậm, các khoản chi phí phát sinh hơn 304 tỷ đồng từ Công ty CP Tập đoàn FLC.
Ở chiều ngược lại, tính đến ngày 15/10/2023, Hòa Bình đã tất toán nợ với 7 ngân hàng tổng số tiền hơn 1.300 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu nửa đầu năm giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ về 3.462 tỷ đồng và lỗ ròng khủng 711 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập lãi 101 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do khoản mục lợi nhuận khác sau soát xét giảm mạnh 652,2 tỷ đồng. Theo giải trình của Xây dựng Hoà Bình, sự chênh lệch là do báo cáo soát xét không ghi nhận lợi nhuận từ việc bán Công ty TNHH Máy xây dựng Matec và thanh lý tài sản cố định.
Tập đoàn FLC: Bị "bêu tên" vì nợ thuế
Thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Tập đoàn FLC (MCK: FLC) đã mua lại các lô trái phiếu FLCH2123001, FLCH2024002 và FLCH2023003.
Cụ thể, từ ngày 30/12/2020 - 15/9/2023, FLC đã mua lại trước hạn 153 tỷ đồng trái phiếu của mã FLCH2123003, hạ số lượng trái phiếu lưu hành xuống còn 997 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ 25/8/2022 - 31/12/2022, Tập đoàn này cũng mua lại toàn bộ trái phiếu đang lưu hành của 2 mã FLCH2124002 (430 tỷ đồng) và FLCH2023001 (400 tỷ đồng).
Tổng giá trị trái phiếu được mua lại trong 3 đợt là 983 tỷ đồng.
Ngoài ra, mới đây, FLC cũng thanh toán cho HBC tổng cộng 270,4 tỷ đồng liên quan tới các hợp đồng thi công xây dựng. Ngày 12/10/2023, FLC cũng đã hoàn tất việc ký văn bản chuyển nhượng bất động sản tại FLC Sầm Sơn (định giá khoảng 34 tỷ đồng) để cấn trừ cho toàn bộ nghĩa vụ thi hành án còn lại của FLC.
Sau khi các lãnh đạo cấp cao vướng vào lao lý, FLC đã mua lại trái phiếu trước hạn từ năm 2022 đến nay.
Tại phiên họp bất thường hồi đầu năm, lãnh đạo FLC cho biết, công ty đã mua lại được 3/4 các lô trái phiếu phát hành từ năm 2020 và là một trong những doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu thấp nhất thị trường thời điểm đó.
Tuy vậy, FLC vẫn vướng vào không ít vấn đề liên quan đến thuế.
Cụ thể, trong tháng 10/2023, Cục Thuế TP Hà Nội vừa có quyết định cưỡng chế 81,63 tỷ đồng từ các tài khoản của FLC mở tại 19 ngân hàng do công ty có số tiền quá hạn nộp thuế.
Các ngân hàng này có trách nhiệm trích số tiền trên để nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước quận Cầu Giấy.
Trường hợp trên tài khoản của FLC nhỏ hơn số tiền phải cưỡng chế thì ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của FLC trong thời gian quyết định có hiệu lực (từ ngày 9/10 đến ngày 7/11).
Ngoài ra, FLC cũng vừa bị Cục Thuế Quảng Bình "điểm tên" do có số tiền nợ thuế cao nhất với hơn 269 tỷ đồng. Trong danh sách của Cục Thuế Quảng Bình, một doanh nghiệp khác thuộc "hệ sinh thái" FLC là Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros đang còn nợ thuế với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.
Đức Long Gia Lai: Bị mở thủ tục phá sản
Mới đây, ngày 9/10, TAND tỉnh Gia Lai có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (MCK: DLG) theo đơn của Công ty CP Lilama 45.3 liên quan đến khoản nợ 20 tỷ đồng.
Ngay sau đó, ông Nguyễn Tường Cọt, Tổng Giám đốc DLG, đã có đơn gửi TAND cấp cao tại Đà Nẵng xem xét lại quyết định mở thủ tục phá sản của TAND tỉnh Gia Lai.
Lãnh đạo DLG cho biết, doanh nghiệp rất thiện chí, hiện nay đang thực hiện trả nợ dần cho Công ty CP Lilama 45.3 theo quyết định thi hành án.
Do tài khoản của Công ty CP Lilama 45.3 bị phong tỏa, nên nhiều lần DLG chuyển tiền trả nợ và bị chặn. Sau khi nhờ sự can thiệp của phía ngân hàng, ngày 12/10, DLG mới chuyển trả được tiền cho Công ty CP Lilama 45.3.
Công ty có tổng tài sản trên 10.000 tỷ đồng, nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng. Số nợ của Công ty CP Lilama 45.3 là rất nhỏ so với tổng tài sản của công ty.
Cũng theo DLG, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và công bố thông tin cho thấy hệ số thanh toán nhanh và hệ số thanh toán tổng quát của DLG đều trong giới hạn cho phép. DLG hoàn toàn không mất khả năng thanh toán, không lâm vào tình trạng phá sản thuộc trường hợp tòa án phải ra quyết định mở thủ tục phá sản.
Theo Báo cáo tài chính bán niên 2023 soát xét, tính đến ngày 30/6/2023, quy mô tổng tài sản của công ty đạt 5.702 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm gần 4.570 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 1.133 tỷ đồng.
Tổng vay nợ tài chính đã chiếm tới 2.947 tỷ đồng, tức hơn nửa nguồn vốn. Trong đó, chủ nợ lớn nhất của DLG là ngân hàng BIDV - Chi nhánh Gia Lai với tổng dư nợ ngắn và dài hạn 1.706 tỷ đồng.
Chủ nợ lớn thứ hai của Đức Long Gia Lai là Vietinbank với tổng dư nợ 501 tỷ đồng gồm vay ngắn hạn 22,6 tỷ đồng và 478,4 tỷ đồng vay dài hạn.