Lobby chính sách đã được chính thức hóa qua phát biểu của đại biểu Quốc hội. Mâu thuẫn ở đây là, đại biểu đại diện cho cử tri bầu ra họ hay một/một vài ngành công nghiệp?
Sử dụng rượu bia tràn lan có thể gây hại cho sức khỏe.
Việc thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đang gây sự chú ý của dư luận khi mà có nhiều ý kiến cho rằng hầu hết các chế định mạnh kiểm soát rượu, bia đã bị bỏ ra ngoài dự án Luật lần này thì đồng thời cũng có luồng ý kiến ngược lại là dự án Luật đã cực đoan coi rượu bia là độc hại. Đại biểu Quốc hội có ý kiến trái chiều nhau là tín hiệu mừng cho không khí thảo luận của Quốc hội, thúc đẩy dân chủ trong hoạt động nghị trường. Tuy nhiên, không nên vì thế mà xem nhẹ chất lượng phát ngôn của mỗi đại biểu. Luật pháp, dù tiếp cận thế nào, thì việc đầu tiên là phải để bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân.
Một nhà văn, giờ đã thành người thiên cổ - người ngày nào cũng có mặt ở quán bia hơi lúc 9h sáng - trong những tháng cuối của cuộc đời đã kể rằng một hôm cũng 9h sáng ông có mặt ở quán bia, bị một cơn đau quặn lên, ôm bụng chạy thẳng vào bệnh viện khám. Kết quả là sau buổi sáng định mệnh đó ông đã qua đời 6 tháng sau đó.
Còn một người bạn khi đến Hà Nội đã ngạc nhiên nói với tôi rằng thật khó hiểu khi 9h sáng, các quán bia hơi ở Hà Nội đã đông người (ở một quán bia hơi có tiếng đất Hà thành, thậm chí người bạn ấy còn đếm được có tới gần 20 nhà báo có mặt)… Điều thật sự khó hiểu ấy là sự thật. Sử dụng tràn lan rượu bia ở Việt Nam là có thật. Các quán nhậu luôn đông kín người, bất kể buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều. Và sự thật là ở Việt Nam, một đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi cũng có thể xách chai đi mua rượu về cho bố nhậu. Không một người bán hàng nào ngập ngừng khi đưa cho 1 đứa trẻ chai rượu hay lon bia cả…
Những việc ấy không gặp ở những nước văn minh, khi người ta chỉ uống rượu bia chủ yếu vào bữa tối, sau giờ làm việc, ở một số địa điểm nhất định.
Sự thật là hậu quả, hệ lụy mà việc sử dụng rượu bia tràn lan gây ra cho sức khỏe của người Việt Nam ai cũng nhìn thấy, đây không phải là một loại hàng hóa thông thường mà là một sản phẩm có tác hại. Đó chính là lý do để cơ quan chức năng xây dựng luật nhằm phòng chống, giảm thiểu tác hại.
Cho nên, có gì đó sai sai khi có đại biểu Quốc hội gọi việc sử dụng rượu bia là văn hóa, đòi hỏi việc xây dựng Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia phải tiếp cận từ góc độ văn hóa. Chúng ta đang lạm dụng từ văn hóa như một biện pháp tu từ, trong khi luật pháp ở mức độ cao chính là văn hóa, nhưng nó không phải là một trò chơi truyền hình.
Có một cụm từ được nhắc đến là việc lobby chính sách. Lobby - vận động hành lang quá quen thuộc với nhiều nước tư bản và được đúc kết là chỉ “giới hạn ở các công ty lớn và quản lý cao cấp”. Hơn 100 năm trước, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson từng cho rằng: “Vấn đề đáng lo ngại trong một quốc gia khi phần lớn người dân không có các hoạt động hành lang cũng như không có tiếng nói trong việc xây dựng chính sách. Trái lại, một số nhóm người tỏ ra khôn ngoan hơn, tìm cách ngụy tạo ý kiến để đạt được lợi nhuận cá nhân và gạt bỏ lợi ích của cộng đồng”.
Trong trường hợp của dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia việc lobby này có thể được hiểu là để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp sản xuất rượu bia, những đơn vị đang được coi là đóng góp nhiều cho ngân sách. Có đại biểu nhắc đến việc dự án Luật nên tính đến yếu tố hài hòa lợi ích, vừa đảm bảo sức khỏe nhân dân, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Trên thế giới, lobby chính sách là việc không hiếm và không xa lạ. Nhưng kể cả việc lobby như giải thích của đại biểu Dương Trung Quốc - người vừa trả lời phỏng vấn thừa nhận phát biểu của ông tại Quốc hội là có yếu tố lobby - hoàn toàn với động cơ trong sáng thì vẫn khó được dư luận có thể “cảm thông”. Bởi vì luật pháp không phải để bảo vệ nhóm lợi ích, cho dù với động cơ trong sáng. Bởi vì điều mà nhân dân và cử tri gửi gắm vào đại biểu dân cử là mỗi một lời phát biểu, một lần nhấn nút ở Quốc hội phải là đại diện cho lợi ích của nhân dân, đảm bảo tính đại diện lợi ích chung của xã hội.
Ở trong bài viết này chúng tôi không bàn sâu về dự án Luật, nhưng rõ ràng ngay từ tên gọi, Luật không nhằm vào rượu bia như một sản phẩm hàng hóa, Luật để phòng chống tác hại của nó, nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Nói như một đại biểu Quốc hội là luật phục vụ nhân dân chứ không phục vụ bất cứ nhóm lợi ích nào khác.