Dù được coi là nguồn lực chính để giúp TPHCM duy trì vai trò đầu tàu kinh tế phía Nam, thế nhưng do chậm đầu tư, hiện đại hóa, nhất là thiếu tính liên kết vùng… khiến đóng góp hàng năm của ngành này vào tổng sản phẩm (GRDP) của thành phố còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với vị thế lẫn kỳ vọng.
Chi phí logistics “trên trời”
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Biểu- chủ một doanh nghiệp trong lĩnh vực kiến trúc - xây dựng tại quận 7, TPHCM cho biết, mỗi lẫn doanh nghiệp (DN) này cần có hợp đồng giao hàng từ cảng Cát Lái (TP Thủ Đức) đi các địa phương lân cận đều gặp phải rào cản về chi phí logistics, chưa kể thời gian giao hàng kéo dài do hạ tầng giao thông kém… khiến nhiều đối tác rất dè dặt khi nhận đơn. “Nếu trước đây chúng tôi muốn đặt chuyển giao hàng qua Mỹ mất chưa đến 1 tháng thì hiện tại thời gian chờ container rỗng đã mất 2 tháng, thậm chí lâu hơn nếu lóng ngóng về hồ sơ, giấy tờ liên quan đến xuất nhập khẩu”- ông Biểu chia sẻ.
Chưa dừng lại ở đó, theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, đặc thù của các DN hội viên trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm tham gia phần lớn vào thị trường xuất khẩu, nhất là vào thời điểm lễ Tết do có nhiều đơn hàng Tết. Dù vậy, chi phí logistics cao kèm theo thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài… khiến nhiều DN trong ngành phải từ chối bớt các đơn hàng.
Kỹ sư Trần Văn Phương, từng được giao giám sát các đơn hàng từ cảng Cát Lái chuyển về TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cũng thốt lên rằng: “Chi phí logistics quá cao thì ai cũng biết, DN nào cũng than, nhưng cái đáng ngại hơn là hạ tầng giao thông bất cập. Giao thông từ cảng Cát Lái hiện nay rất hay gặp kẹt xe khiến thời gian giao hàng không đúng theo hợp đồng, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của DN”. Theo ông Phương, các đối tác chủ yếu đến từ các nước phát triển nên họ coi trọng tính chính xác về thời gian lẫn báo giá chi phí logistics. Chỉ cần sai khác với hợp đồng một lần DN nội có thể vĩnh viễn mất đối tác tiềm năng.
Một đại diện thuộc Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM cũng thừa nhận, khó khăn lớn nhất đối với các DN ngành gỗ TPHCM nói riêng và một số địa phương hiện nay là chi phí mặt bằng chung về giao nhận lẫn logistics của Việt Nam vẫn rất cao so với khu vực và kể cả nhiều nước khác trên thế giới. Việc bên mua phải chi trả các chi phí này quá cao, DN phải tìm tài chính bù lấp dẫn đến dòng tiền thiếu ổn định cũng như khó lên kế hoạch. Đó là lý do khiến không ít các DN ngành gỗ thời gian vừa qua phải hạn chế các đơn hàng vừa phải lo giải quyết các thủ tục, giấy tờ, cũng như chi phí phát sinh.
Không đổi mới, khó bứt phá
Đưa ra lời giải cho bài toán phát triển cảng sông, cảng biển của TPHCM và kết nối tốt hơn với các cảng biển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, nhu cầu về hiện đại hóa tại các cảng biển hiện nay đang rất cấp thiết.
Hiện riêng TPHCM có trên dưới 10 cảng quy mô lớn và có lượng đơn hàng container rất lớn về xuất nhập khẩu, như cảng Cát Lái, Tân cảng Phú Hữu, Tân cảng Hiệp Phước, cảng container quốc tế Việt Nam (VICT)… Dù các cảng đã có những kết nối cơ bản về hệ thống hạ tầng (giao thông thủy, bộ) nhưng khả năng kết nối với các cảng lớn của khu vực vẫn còn rất hạn chế. Trường hợp Tân cảng Phú Hữu có cầu liên cảng kết nối với cảng Cát Lái, đồng thời có nút giao thông vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2 cũ, nay là TP Thủ Đức) nhưng tình trạng kẹt xe vẫn diễn ra thường xuyên và là bài toán rất khó giải vào giờ cao điểm. Bất cập này dẫn đến phát sinh cho DN thêm chi phí khá lớn về giao nhận và logistics.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu - Phó Trưởng phòng xuất nhập khẩu thuộc Sở Công thương TPHCM, thành phố đang xây dựng một đề án về phát triển cảng biển, trong đó có đề án phát triển logistics đến năm 2025, tầm nhìn 2030. TPHCM nhận thức việc, muốn trở thành một trung tâm dịch vụ xuất khẩu của vùng thì phải giải quyết những khó khăn, bất cập cho các DN giao vận, lẫn DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, kể cả phát triển hạ tầng giao thông đủ đáp ứng xu hướng phát triển. Chiến lược của thành phố là phát triển cụm ngành logistics, chú trọng quy hoạch lại hệ thống cảng biển và cơ sở hạ tầng logistics, tăng kết nối từ vùng sản xuất đến vùng xuất khẩu, tạo đà mạnh mẽ cho các cảng biển phát triển.
Dù vậy, về lâu dài nếu không giải quyết được bất cập về chi phí logistics cũng như thời gian giao nhận kéo dài, câu chuyện tận dụng nguồn thu từ phát triển cảng biển và dịch vụ logistics của đô thị lớn nhất nước vẫn sẽ là bài toán khó.