Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020 đang tạo ra cú hích lớn cho phát triển thương mại Việt Nam – EU, kéo theo những yếu tố thuận lợi cho ngành logistics phát triển. Giới chuyên gia nhận định, sự phát triển của logistics sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực.
Theo đánh giá của giới chuyên gia trong ngành, với nền kinh tế mở, kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, lĩnh vực logistics có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Thời gian qua, nhiều dự án, công trình lớn trong lĩnh vực logistics đã được hoàn thành và đưa vào khai thác, tạo kết nối hiệu quả giữa các vùng, nhất là các trung tâm sản xuất và đầu mối giao thương với quốc tế. Đến năm 2019, cả nước có 16 tuyến cao tốc với hơn 1.000 km. Hệ thống cảng biển với 281 cảng có tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. Đội tàu biển có 1.568 chiếc, đứng thứ 4 ASEAN và cơ cấu phát triển theo hướng chuyên dụng hóa, hàng hóa vận chuyển đạt trên 81 triệu tấn, tăng 16% so năm 2018. Hệ thống cảng hàng không với 22 sân bay, trong đó có 11 cảng quốc tế và Việt Nam luôn được xếp trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng thị trường hàng không nhanh nhất thế giới.
Những con số nói trên là minh chứng cho thấy, nhà quản lý đang ngày càng chú trọng đầu tư vào hạ tầng logistics, bởi ai cũng hiểu, chỉ khi ngành này phát triển, chúng ta mới có thể nâng cao sức cạnh tranh, từ đó hội nhập sâu rộng và nhanh chóng, đáp ứng được những yêu cầu đặt ra của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta đang ký kết.
Đáng chú ý, theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2020 đang tạo ra cú hích lớn cho phát triển thương mại Việt Nam – EU, kéo theo những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực logistics.
“Ngành logistics liên tiếp có sự tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 13-15%. Hiện nay Việt Nam có khoảng 4.000 DN logistics, bao gồm cả dịch vụ kho bãi, giao nhận, vận tải...” – ông Phú cho hay.
Nói về tiềm năng của logistics, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhấn mạnh, sự phát triển của ngành logistics đồng thời sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt.
Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, phát triển ngành logistics cũng đang gặp không ít rào cản. Đơn cử, một số dịch vụ logistics cho hàng hóa lưu chuyển giữa Việt Nam và EU trở nên đắt đỏ và khan hiếm, các DN cũng phải đáp ứng thêm một số yêu cầu, điều kiện mới do các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu, quy trình kiểm soát hàng hóa quốc tế của EU có sự thay đổi…
Cùng với đó, theo ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Logitstics (VLA), sự hạn chế về chất lượng dịch vụ, kỹ năng quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực cũng đang là những tấm “barie” ngăn cản sự phát triển của ngành này...
Để nâng sức cạnh tranh cho DN, tạo sức bật cho nền kinh tế, yếu tố quan trọng nhất chính là tập trung phát triển ngành logisitcs, đây chính là “chìa khóa” để các DN có thể giảm nhẹ các chi phí ,để cạnh tranh khi vươn ra thế giới. Chính bởi vậy, không gì hơn là tập trung đầu tư cho ngành logistics về cả chất lượng nguồn nhân lực cũng như các vấn đề liên quan khác.
Theo các chuyên gia trong ngành, cần đầu tư phát triển mạnh các sàn giao dịch logistics, hạ tầng logistics gắn với sự phát triển của thương mại điện tử. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ DN logistics phát triển, liên kết dịch vụ, thúc đẩy phát triển mạnh thị trường. Song song với đó cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành vận tải, phát triển loại hình vận tải đa phương thức, vận chuyển xuyên biên giới, quá cảnh; nâng cao tỷ trọng vận tải đường thủy, vận tải đường sắt, nâng cao năng lực xử lý vận tải hàng không cũng như nâng cao năng lực hàng hải, tăng tỷ trọng vận tải biển của DN trong nước.