Không quá lời khi nói, với tốc độ hội nhập như hiện nay của đất nước, giới nghệ sĩ cũng không đứng ngoài cuộc. Hội nhập - mở ra cho họ những cơ hội mới nhưng cũng đầy thách thức đòi hỏi người nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ cũng phải có những ứng xử phù hợp để tài năng của mình thực sự được bung tỏa.
Triển lãm điêu khắc của Thái Nhật Minh.
Ghi dấu trên trường quốc tế
Mấy tháng đã trôi qua nhưng sự kiện bức tranh “Đời sống gia đình” của họa sĩ Lê Phổ được bán với số tiền gần 1,2 triệu USD tại nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong vẫn khiến giới họa sĩ và những người yêu mỹ thuật Việt Nam vui mừng bàn tán.
Họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Việt Nam nhận định: “Đây là một thông tin ấn tượng, hết sức vui mừng vì giá trị kinh tế của một bức tranh Việt Nam thông qua giao dịch tại các sàn đấu giá có tính chuyên nghiệp. Đây là giá bán tranh Việt Nam cao nhất từ trước tới nay trên thị trường thế giới”.
Trước đây, nhiều tác phẩm của họa sĩ Việt như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng… rồi gần đây là Lê Kinh Tài, Hồng Việt Dũng, Phạm Luận, Nguyễn Phan Bách, Bùi Thanh Tâm… cũng bán được tranh với giá cao nhưng đến “Đời sống gia đình” của Lê Phổ thì đúng là hiện tượng. Trong các họa sĩ kể trên, có nhiều họa sĩ tài danh góp phần đưa tên tuổi hội họa Việt Nam ra trường quốc tế.
Đó là những “huyền thoại mĩ thuật” Việt Nam mà giá trị tranh của họ không chỉ được đo đếm bằng những con số mà còn là bản sắc văn hóa Việt. Nhiều người hi vọng vào giới họa sĩ trẻ hiện nay sẽ “làm nổi đình nổi đám” khi họ được sống trong thời hội nhập, có nhiều cánh cửa để bước ra với thế giới hơn cha ông ngày trước.
Vậy thì mỹ thuật trẻ hiện nay có những gương mặt sáng giá nào? Trong cuốn “Nghệ thuật và tài năng”, tác giả Đào Mai Trang chọn 9 tác giả tiêu biểu của thế hệ 8X gồm: Nguyễn Huy An (nghệ thuật trình diễn và hội họa), Bàng Nhất Linh (nghệ thuật sắp đặt), Nguyễn Phương Linh (nghệ thuật trình diễn), Thái Nhật Minh (điêu khắc), Lê Hoàng Bích Phượng (tranh lụa), Hà Mạnh Thắng (hội họa), Phạm Huy Thông (hội họa và nghệ thuật trình diễn), Vũ Đức Toàn (nghệ thuật trình diễn), Vũ Đức Trung (hội họa). Lý do để tác giả lựa chọn họ là nghệ thuật và cá tính nghệ sĩ của họ chứa đựng nhiều điểm nổi bật, khác biệt so với các đồng nghiệp cùng thế hệ. Ta có thể “điểm mặt” những nghệ sĩ ấy.
Đó là Hà Mạnh Thắng - một trong những tên tuổi nổi bật của nghệ thuật đương đại Việt Nam, mà tiếng tăm đã vượt ra ngoài biên giới. Một vài bức tranh của anh đang được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật Singapore. Anh có mặt trong rất nhiều triển lãm quan trọng đại diện cho nghệ thuật Việt Nam.
Đó là Nguyễn Phương Linh- một trong những nghệ sĩ trẻ Việt Nam triển vọng. Chị đã trưng bày tác phẩm tại rất nhiều nơi với các triển lãm cá nhân gần đây nhất tại phòng tranh di động ở Thái Lan, Nhà Sàn Studio tại Việt Nam và Bảo tàng Nghệ thuật Á Châu Fukuoka tại Nhật Bản. Phương Linh cũng tham gia nhiều chương trình lưu trú nghệ thuật quốc tế với các tổ chức như là Seoul Art Space tại Hàn Quốc, Kaman Art Foundation tại Rajasthan, Ấn Độ và The Luggage Store tại San Francisco, California, Mỹ.
Đó là Thái Nhật Minh đều đặn tham gia các triển lãm tại Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, New York, có tới bốn triển lãm cá nhân và đoạt các giải thưởng: Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam 2014, Giải Nhì Festival Mỹ thuật trẻ Toàn quốc lần thứ 3 (2011-2014), Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2011…
Khi thuận lợi cũng là thách thức
Sinh trưởng trong điều kiện đất nước hòa bình và hội nhập, các họa sĩ trẻ hiện nay có nhiều thuận lợi nhưng chính những thuận lợi ấy cũng ẩn chứa nhiều thách thức so với thế hệ cha anh đi trước.
Đó là họ dễ tiếp cận với các thông tin đa chiều và cập nhật thông tin một cách nhanh nhất và mới nhất nhưng nếu không có định hướng và quan điểm rõ ràng điều này cũng gây cho người làm sáng tác tâm lý hoang mang. Vì vậy nó vừa là thuận lợi, vừa là thách thức.
Việc công bố tác phẩm cũng có nhiều thuận lợi hơn trước, nhưng hệ thống các nhà triển lãm và bảo tàng ở Việt Nam còn có nhiều hạn chế cho nghệ thuật đương đại và nghệ thuật thể nghiệm vốn cần không gian lớn hơn và cơ sổ vật chất tốt hơn. Điêu khắc Việt Nam gặp nhiều khó khăn vì các không gian ở ngoài trời không được quy hoạch cho điêu khắc hiện đại, cũng như việc không thể kết nối được giữa kiến trúc và điêu khắc hiện nay nên Điêu khắc Việt Nam chỉ phát triển được tại không gian trong nhà.
Bên cạnh đó, có thể nói gần như chưa có thị trường cho nghệ thuật Việt Nam một cách đúng nghĩa nên nghệ sĩ sống bằng việc bán tác phẩm và có thể sáng tác chuyên nghiệp là khá khó khăn.
Chính vì vậy sinh viên nghệ thuật khi ra trường đi theo con đường sáng tác chuyên nghiệp là không nhiều. Giáo dục về nghệ thuật ở các cấp phổ thông còn nhiều hạn chế nên công chúng thưởng thức được nghệ thuật, tiếp cận và yêu mến nghệ thuật không nhiều. Đặc biệt là những môn nghệ thuật có ngôn ngữ trừu tượng, hoặc nghệ thuật đương đại.
Trong khi đó, ở Việt Nam chưa có hệ thống Gallery đủ tầm, cũng như các hội chợ nghệ thuật quốc tế để có thể đưa các nghệ sĩ tài năng của Việt Nam ra bên ngoài cũng như đưa nghệ thuật bên ngoài vào Việt Nam.
Một số nước gần chúng ta như: Hong Kong, Singapore, Malaysia và gần đây nhất là Thái Lan họ đang định hướng trở thành trung tâm nghệ thuật của Châu Á và Đông Nam Á nhưng Việt Nam thì không có định hướng nào cả. Nhiều nghệ sĩ cho rằng một bảo tàng cho nghệ thuật đương đại là điều rất cần thiết nhưng cũng chưa có ở Việt Nam.
Chọn những lối đi riêng
Chính vì những lí do đó, nghệ sĩ điêu khắc trẻ Thái Nhật Minh cho rằng, việc sau khi ra trường các nghệ sĩ trẻ không chọn một cơ quan hay công ty nào cố định mà các nghệ sỹ thường làm việc tự do. Điều đó theo anh có nhiều thuận lợi hơn là khó khăn. Bởi lẽ, nếu xác định làm nghệ sĩ chuyên nghiệp thì cần dành toàn thời gian cho việc sáng tác và nghiên cứu.
Chính vì vậy nếu bạn là công chức thì quỹ thời gian cho sáng tác sẽ là rất ít, phải tranh thủ, sáng tác lúc đó không phải nghề chính của bạn, bạn không chuyên nghiệp.
Làm việc tự do giúp nghệ sĩ chủ động về cách nhìn, về tư tưởng, nghệ sĩ sáng tạo cần có cái nhìn độc lập chứ không phải theo định hướng nên là tự do là tuyệt vời nhất. Làm việc tự do có thể có khó khăn chút về kinh tế, như thu nhập không đều nhưng đã dấn thân thì phải trả giá, đó là điều đương nhiên.
Bản thân Thái Nhật Minh qua những triển lãm “Chinh phu- Chinh phụ”, “Những con chim”, “Mùa sinh sản”, “Những hạt mầm” của anh được dư luận đánh giá cao về ý tưởng mới lạ và sự lao động nghiêm túc, miệt mài cho sáng tạo. Có được điều đó là bởi Minh quan niệm: “Đối với tôi, điêu khắc là thứ ngôn ngữ tốt nhất, mà tôi có thể dùng để chuyển tải cảm xúc và ý tưởng của mình với thế giới xung quanh. Hình tượng - Chất liệu - Không gian… cùng những ký ức chợt đến, chợt đi luôn hấp dẫn tôi vào một cuộc phiêu lưu kiếm tìm các khả năng biểu đạt. Quá trình ấy là những trải nghiệm hết sức thú vị. Tôi thích câu chuyện nhỏ, cái nhìn đa chiều sự chiêm nghiệm sâu sắc. Trong quá trình làm việc tôi thường chú trọng đến ý chính và sự cô đọng của hình khối, nên các chi tiết thứ yếu thường được lược bỏ. Cảm xúc luôn được đề cao và tôi muốn tinh thần được toát ra từ bên trong mỗi tác phẩm”.
Chọn lối đi nào, mỗi nghệ sĩ đều có cách lí giải của riêng mình nhưng đích đến vẫn là việc đưa tác phẩm của mình đến với công chúng và được thị trường trong và ngoài nước đón nhận, nhất là trong việc đưa mỹ thuật Việt vươn xa. Dám nghĩ dám làm, nghệ sĩ trẻ Việt Nam thời hội nhập là thế. Và vì vậy, người ta có quyền hi vọng về một lối đi mới, do chính các nghệ sĩ trẻ hình thành nên.