Lợi ích lâu dài của tiêu dùng xanh

Lê Bảo 16/08/2023 07:00

Một khảo sát khác mới đây về xu hướng tiêu dùng xanh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng tất yếu. Phần lớn những người tiêu dùng tham gia khảo sát chia sẻ, đã nhận thức được sự cần thiết của các hoạt động bảo vệ môi trường.

Nhiều người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, sử dụng túi thân thiện môi trường.

Lợi ích lớn

Nhằm triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, năm 2022 Sở Công thương Hà Nội đã triển khai đánh giá hiện trạng, nghiên cứu xây dựng các giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng cho các doanh nghiệp (DN) thuộc ngành dệt may và ngành điện, điện tử trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, cũng hỗ trợ kỹ thuật đánh giá sản xuất sạch hơn cho 30 cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực công thương, cơ sở công nghiệp nông thôn. Đồng thời, đề xuất trên 200 giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn. Nhờ đó, đã góp phần giảm trung bình 3,32% định mức nguyên vật liệu; 6,8% tổng định mức năng lượng quy đổi; 14,15% bụi công nghiệp; 8,42% lượng nước thải sinh hoạt.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, đến nay, chương trình đã hỗ trợ khoảng 50% DN trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các DN trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.

Phát biểu tại Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại” được tổ chức mới đây tại tỉnh Hòa Bình, ông Quách Tất Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh đă hỗ trợ khoảng 50% DN trong lĩnh vực phân phối áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng ; giảm 60% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 55% các DN trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng, thân thiện với môi trường; 70% DN tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.

Đặc biệt, tập trung hỗ trợ các cơ sở, DN sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ và vừa để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như nông, lâm, thủy sản, xây dựng, hàng tiêu dùng... kết nối với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó, hình thành chuỗi sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.

Có thể thấy, sản xuất và tiêu dùng bền vững đang trở thành xu hướng bắt buộc đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội. Khảo sát về xu hướng tiêu dùng xanh từ góc nhìn của người tiêu dùng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của Intage Việt Nam cũng cho thấy, phần lớn người tiêu dùng nhận thức được sự cần thiết của các hoạt động bảo vệ môi trường và thay đổi hành vi, thói quen để có các tác động tích cực và bảo vệ môi trường.

Tương tự, theo khảo sát của Nielsen IQ, 49% người tiêu dùng sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện.

Khảo sát cũng chỉ rõ, sự kỳ vọng của người tiêu dùng với DN về những sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường. Theo đó, 38% người tiêu dùng đánh giá sáng kiến và hành động thiết thực của DN nhằm cải thiện môi trường là cực kỳ quan trọng.

Vẫn còn nhiều rào cản

Từ những con số phân tích trên cho thấy, sản xuất và tiêu dùng bền vững là xu hướng thiết thực và bắt buộc đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội . Tuy nhiên việc triển khai mô hình này gặp không ít rào cản. Theo phản ánh từ các địa phương và cộng đồng DN, khó khăn lớn nhất chính là vốn để thực hiện xanh hóa quy trình sản xuất đến tiêu thụ.

Cùng với đó là việc thay đổi hành vi của khách hàng. Hiện nay dù người tiêu dùng đã dành ra sự quan tâm nhất định tới các sản phẩm thân thiện với môi trường, nhưng nhu cầu sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường của khách hàng chưa phải quá lớn. Trong đó, giá cả vẫn là yếu tố chi phối hàng đầu, với mức giá thành phẩm các nguyên liệu thân thiện môi trường hiện đang chênh lệch tới 30% so với bao bì thông thường, sẽ là rào cản lớn trong việc thay đổi hành vi và đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho rằng, sản xuất và tiêu dùng bền vững là quá trình lâu dài, do đó không thể kỳ vọng thành công trong thời gian ngắn. Quá trình này đòi hỏi sự tham gia của tất cả chủ thể trong xã hội. Trong đó, người tiêu dùng là nhân tố đóng vai trò quyết định. Chính vì vậy về lâu dài cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường cũng như các chính sách, tiêu chuẩn, hướng về nhãn sinh thái, về thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Uỷ ban cạnh tranh quốc gia, Bộ Công thương, sản xuất tiêu dùng bền vững là xu hướng của thời đại và là trách nhiệm không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước khi đưa vào những chính sách đó, mà nó là trách nhiệm của doanh nghiệp và của người tiêu dùng. Chính vì vậy, tới đây, Bộ Công thương sẽ triển khai nhiều chương trình thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đưa những sản phẩm hướng tới bền vững.

Ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho rằng, sản xuất và tiêu dùng bền vững là quá trình lâu dài, do đó không thể kỳ vọng thành công trong thời gian ngắn. Quá trình này đòi hỏi sự tham gia của tất cả chủ thể trong xã hội. Trong đó, người tiêu dùng là nhân tố đóng vai trò quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lợi ích lâu dài của tiêu dùng xanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO