Lợi ích từ mô hình năng lượng bền vững

Lương Nguyễn 26/12/2016 09:15

Việc sử dụng năng lượng hiệu quả, và tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo sẽ giúp người dân giảm chi phí trong sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, gắn kết cộng đồng.

Quá trình ủ phân vi sinh trong dự án tại Thái Bình.

Theo số liệu mới nhất của Chương trình Năng lượng bền vững của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam, năng lượng mặt trời có thể cung cấp ít nhất 35%, trong khi năng lượng gió có thể cung cấp ít nhất 13% nhu cầu điện của Việt Nam vào năm 2050.

Để đạt được những nhu cầu về sử dụng năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng bền vững đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế bền vững và hội nhập thì một trong những giải pháp quan trọng là lập kế hoạch năng lượng địa phương với nòng cốt ban đầu là những mô hình năng lượng bền vững có sự tham gia của người dân tại các tuyến cơ sở là vô cùng quan trọng.

Thực tế hiện nay cho thấy chưa có nhiều mô hình năng lượng bền vững tại các cấp địa phương, đặc biệt có sự tham gia trực tiếp của người dân. Trên cơ sở đó, Sở Công thương tỉnh Thái Bình vừa tổ chức phối hợp với Trung tâm Sáng tạo xanh (Green ID) tổ chức hội thảo Nhân rộng mô hình năng lượng thành công tại Thai Bình và Nam Định.

Báo cáo của Sở Công thương tỉnh Thái Bình cho thấy, từ khi triển khai chương trình Lập kế hoạch năng lượng địa phương (LEP) 2012- 2016 dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia thuộc Green ID tại 2 xã Nam Cường, Bắc Hải (Tiền Hải, Thái Bình) và Hải Chính, Hải Hà (Hải Hậu, Nam Định) đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, trong giai đoạn 2012 – 2016, 4 bản kế hoạch năng lượng địa phương đã được xây dựng; nhiều mô hình năng lượng bền vững được triển khai và ứng dụng như: 1 mô hình biogas cộng đồng, 2 dàn pin năng lượng mặt trời; 863 mô hình bếp đun cải tiến, 28 mô hình đèn LED cho trường học.

Với sự tham gia tích cực của người dân, những mô hình năng lượng bền vững không chỉ giải quyết câu chuyện về năng lượng mà còn giải quyết nhiều vấn đề các địa phương đang gặp phải như ô nhiễm môi trường do sản xuất, chăn nuôi… Việc sử dụng chất thải để tạo ra năng lượng cũng góp phần tăng thu nhập hộ gia đình.

Ông Hoàng Ngọc Sang- Bí thư xã Nam Cường (Tiền Hải, Thái Bình) chia sẻ, nhờ tham gia vào chương trình này, mục tiêu về môi trường của xã đã được cải thiện, trở thành xã đầu tiên đạt nông thôn mới của huyện.

Khó khăn khi triển khai chương trình, theo một lãnh đạo xã Nam Cường, là ở trình độ người dân không đồng đều, về nguồn lực tài chính cũng như các phương pháp cụ thể về xử lý rơm rạ sau thu hoạch còn khó khăn…

Để giải quyết những khó khăn này, theo bà Ngụy Thị Khanh- Giám đốc Green ID, yếu tố con người là tiên quyết. “Các địa phương phải có những cán bộ tâm huyết với sự phát triển của địa phương. Đồng thời, phải gắn các mô hình năng lượng bền vững vào các chương trình phát triển hiện có của địa phương. Kết nối nhằm chia sẻ giữa những địa phương đã thực hiện với các địa phương sắp thực hiện.

Ngoài ra, cần có các giải pháp về nguồn tài chính để hỗ trợ cho người dân lúc ban đầu tham gia vào các mô hình năng lượng bền vững, và tạo độ tin cậy với người dân để họ yên tâm”- bà Khanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lợi ích từ mô hình năng lượng bền vững