Được đưa vào viện trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, ngừng tuần hoàn, bác sỹ Toàn đã cố gắng "chiến đấu" với 7 phút cấp cứu và đã cứu được mạng sống cháu bé chỉ mới hơn 21 tháng tuổi bị hóc thạch rau câu.
Bác sỹ Toàn kể lại 7 phút "chiến đấu" để cứu mạng sống của cháu bé Kh. khi tim đã ngừng đập, tuần hoàn đã ngừng do hóc thạch.
Ngày 22/6, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Hữu Toàn - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc bệnh viện Phổi Nghệ An cho biết, sau nhiều ngày điều trị, cháu bé G.Kh. (21 tháng tuổi, trú xã Nghi Liên, TP. Vinh, Nghệ An) đã ổn định sức khỏe và được cho xuất viện về nhà.
Sau khi ra viện, gia đình cháu bé đã đến cảm ơn bệnh viện và đặc biệt là cảm ơn bác sĩ Toàn - người trực tiếp cứu sống bé Kh. khi bị hóc dị vật.
Nhớ lại sự việc, bác sĩ Toàn cho biết, khoảng 10h30’, ngày 15/6, cháu G.Kh. được người thân tức tốc đưa đến bệnh viện Phổi Nghệ An cấp cứu trong tình trạng toàn thân đã tím tái, ngừng tim, ngừng thở.
Qua thăm hỏi, mẹ cháu bé cho biết, trước đó khoảng 15 phút chị có cho cháu ăn thạch rau câu, phát hiện cháu bị hóc toàn thân bắt đầu tím tái nên đã nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
Đã quen với các trường hợp hóc dị vật, bác sĩ Toàn lập tức đưa các thiết bị chuyên dụng và một số thiết bị "tự chế" để cấp cứu cháu bé.
“Đối với trường hợp trẻ bị hóc thạch nếu dùng các thủ thuật thông thường sẽ khiến trẻ sớm tử vong hơn. Đầu tiên một người phải ép tim phía ngoài lồng ngực để tạo nhịp đập quả tim đưa máu lên não, nuôi các bộ phận.
Sau đó chúng tôi thông đường thở cho cháu bằng cách đặt ống nội khí quản rồi mới tiến hành hút dị vật ra ngoài. Thông được đường thở trong trường hợp này là mấu chốt của ca cấp cứu quyết định việc có cứu được bệnh nhân hay không.
Sau hơn 7 phút tích cực cấp cứu tim cháu bé mới đập trở lại. Khi đó mới chắc đã cứu sống được cháu chúng tôi ai nấy đều thở phào…”, bác sĩ Toàn nhớ lại.
Bộ dụng cụ cấp cứu được bác sỹ Toàn chuẩn bị sẵn sàng để cấp cứu cho các bệnh nhân hóc dị thạch, trong đó có thiết bị được bác sỹ Toàn tự chế để nếu nguy cấp có thể thông đường thở cho bệnh nhân tức thì.
Theo bác sĩ Toàn, việc bệnh nhi hóc dị vật thạch rất khác với các dị vật thông thường khác. Bởi dị vật thạch sẽ không lọt vào khí quản mà chỉ nằm trên che toàn bộ đường thở khiến bệnh nhi tử vong nhanh chóng. Bên cạnh đó, thạch là dị vật mềm, trơn, giản nở nên rất khó để có thể lấy ra theo cách thông thường hay nội soi để gắp ra.
"Chúng tôi đã làm nhiều trường hợp này nên biết. Dị vật thạch rất khó lấy ra. Chúng tôi phải lấy một máy hút, hút vào thạch để giữ dị vật này rồi khéo léo kéo ra. Chứ thạch không thể gắp hay móc ra như thường lệ được", bác sĩ Toàn nói và cho biết. Trước đó ông đã cấp cứu cho nhiều trường hợp tương tự nên ông đã chế ra một bộ sơ cấp cứu, gắp dị vật để luôn sẵn sàng cứu người.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Toàn được biết đến là người đầu tiên làm nội soi phổi, phế quản tại Nghệ An từ năm 2005. Với 14 năm kinh nghiệm bác sĩ Toàn đã gặp không ít trường hợp hóc dị vật. Tuy nhiên, là bác sĩ chuyên khoa cấp cứu chống độc nên anh Toàn đã cứu sống trên 30 trường hợp hóc dị vật các loại.
Bác sỹ Toàn cho biết, với việc hóc dị vật như thạch thì 2 điều quan trọng chính là thông đường thở và ép tim để tim của bệnh nhân hoạt động như thường thì mới có thể cứu được.
“Có những trường hợp dị vật nằm trong phổi bệnh nhân suốt 8 năm gây viêm phổi dai dẳng, khi nội soi phải kiểm tra rất kỹ mới phát hiện và gắp được ra ngoài thì mới giải quyết dứt điểm tình trạng của bệnh nhân.
Nếu là dị vật thông thường bác sĩ có đủ thời gian để cứu bệnh nhân, nhưng đối với dị vật là thạch rau câu thì chỉ chậm một tích tắc hoặc cấp cứu không đúng phương pháp thì bệnh nhân rất dễ tử vong.
Trong khi đó, mùa hè thời tiết nắng nóng, với sản phẩm thạch rau câu là món ăn mà trẻ em rất ưa thích và phụ huynh cũng thường mua cho trẻ, nên trường hợp trẻ bị hóc thạch rất dễ xảy ra. Tôi mong muốn các Trung tâm y tế, trạm xá cũng được tập huấn về phương pháp cấp cứu đối với trường hợp trẻ bị hóc thạch để kịp thời xử lý, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”, bác sĩ Toàn chia sẻ.