Các công trình kiến trúc nhà ở được xây dựng những năm 1920-1945 ở làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), thể hiện sự giao thoa giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây.
Từ một làng thuần nông nghèo những năm đầu thế kỷ 20, người làng Cựu đã phát triển và nổi tiếng trên đất Kinh Kỳ với nghề may vào những năm 1930, 1945. Làng Cựu còn được biết đến với việc sở hữu nhiều ngôi nhà tráng lệ, kiến trúc giao thoa giữa truyền thống và ảnh hưởng kiến trúc châu Âu. Hiện nay làng Cựu vẫn còn giữ nguyên được nhiều ngôi nhà có giá trị kiến trúc, các công trình tín ngưỡng và không gian công cộng như đình làng, sân đình, giếng làng,… là đặc trưng kiến trúc của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Cổng làng bề thế, được xây dựng theo lối quyển thư, tựa như cuốn sách khổng lồ đang mở ra đón khách. Vọng gác của cổng làng với mái ngói, bờ đao cong vút, hai đôi nghê đắp nổi dù đã sứt mẻ theo thời gian nhưng vẫn còn nguyên nét đẹp cổ kính, thể hiện sự bề thế của một ngôi làng trù phú. Tổ hợp không gian giếng làng bao gồm khu vực sân phía trước giếng, cây bàng vẫn được lưu giữ ở giữa làng. Giếng làng có cốt thấp hơn mặt đường 2m, có cầu thang dẫn xuống tiếp cận giếng. Giếng làng Cựu là không gian đa chức năng, vừa là nơi họp chợ, vừa là không gian cộng đồng tụ họp dân làng. Ngoài ra, hệ thống đường làng ngõ xóm vẫn được giữ khá nguyên vẹn thể hiện được tính xác thực cảnh quan, đặc biệt tại các ngõ vẫn giữ được nét đặc biệt qua vật liệu lát đá xanh.
Các công trình kiến trúc nhà ở được xây dựng những năm 1920-1945 thể hiện sự giao thoa giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Những người thợ may của làng Cựu xưa kia đi làm ăn xa đã học được cách làm nhà theo kiến trúc Hoa và kiến trúc Pháp tạo nên những công trình có giá trị kiến trúc. Tuy vậy, không gian ở tại làng Cựu vẫn giữ nguyên các quan niệm xây dựng nhà truyền thống. Ngôi nhà chính quay về phía Nam, được bao xung quanh bởi khuôn viên sân vườn. Nhà chính (3 gian 2 chái) và nhà phụ tách biệt. Cửa nhà không mở trực tiếp ra đường, việc tiếp cận nhà chính từ đường thông qua khoảng không gian đệm (có thể là sân, hiên, hoặc lối đi giữa nhà).
Hiện làng Cựu còn giữ được khoảng 50 ngôi nhà cổ, tuy vậy có hơn 50% quỹ nhà cổ hiện nay bị bỏ hoang hoàn toàn, chủ nhà chỉ giữ đất tổ tiên để làm nhà thờ.
Trong đó, nhà cụ Phó Du được xây dựng năm 1929, thuộc loại sớm nhất làng tiêu biểu cho kiến trúc Ðông Dương. Ngôi nhà được nhấn mạnh khối trung tâm, hai bên cân xứng, phía trước đan xen những vườn hoa nhỏ tạo điểm nhấn giúp ngôi nhà mang vẻ bề thế mà vẫn thanh thoát. Qua cổng, không gian kiến trúc nhà ở được bố cục khá tương đồng với kiến trúc hình chữ khẩu, với khoảng sân ngay chính giữa.
Nổi bật là những nét pha trộn kiến trúc Đông - Tây, có cửa lá sách, rồi các cột trụ, đầu hồi… đắp nổi đề tài hoa lá, tỉa cạnh rất đặc trưng mang dáng dấp phương Tây, nhưng trên chóp mái lại là bức phù điêu Tam Tinh - chính là bộ Tam Đa (Phúc - Lộc - Thọ) quen gặp trong văn hóa Á Đông. Những chi tiết đậm nét Tây còn thấy rõ ở các mảng đắp nổi trang trí hình hoa lan Tây ở nhà cụ Phó Du, hay kiến trúc cổ đại Hy Lạp ở các cột trụ và trụ gạch…
Một chi tiết trang trí khác được sử dụng đầu cột trụ là đề tài chùm nho, với những đắp nổi bằng vôi vữa thật cầu kỳ, chi tiết, tạo sự sống động và hài hòa với tổng thể trang trí khác. Rồi cả các loại ngói Tây, gạch trang trí kiểu Tây trên ô gió, hòa nhịp với cổng vào lại được chế tác với chóp cong nhọn kiểu thức Việt. Các dải trang trí liền mạch trên vòm cong kiến trúc sử dụng đĩa sứ in xanh trắng xuất xứ từ Nhật Bản đương thời. Những đường nét, chi tiết, không gian, phong cách hòa nhịp, tạo cho ngôi nhà một vẻ khác lạ so với những kiến trúc còn lại ở làng Cựu.
Đến làng Cựu, trong không gian hoài cổ, dạo quanh con đường làng uốn lượn, ta bắt gặp những con hẻm lát gạch phủ rêu phong dần mở ra một câu chuyện thú vị. Đó là câu chuyện về những biểu tượng, những đường nét trang trí trong kiến trúc mà qua đó, người ta có thể hiểu được ý đồ của chủ nhân muốn gởi gắm những thông điệp cùng lời ước mong, cầu chúc điềm lành, điềm may, sự giàu sang, phú quý…
Như trên cổng vào một ngôi nhà ở làng Cựu có hình tượng con dơi, trong âm Hán – Việt, con dơi gọi là “bức”, đọc giống với chữ “Phúc”, thế nên dơi cũng là một biểu tượng trong kiến trúc, trang trí với hàm ý đem lại năm điều lành, phúc đức (ngũ phúc) gồm: giàu có, sống lâu, mạnh khoẻ, đức tốt, và hưởng trọn tuổi trời. Ở chiếc cổng này, con dơi lại ngậm chữ thọ được cách điệu nhìn tròn đều như một chiếc mai rùa (rùa cũng là biểu tượng của sự trường thọ), chắc hẳn gia chủ đã gởi gắm nhiều ý nghĩa lên chi tiết trang trí ấy. Bởi dơi đi với chữ Thọ, nghĩa là Phúc – Thọ, một hàm ý đầy đủ với lời chúc cho gia đình có phúc và đắc thọ…
Dù đã qua thời vàng son nhưng vẻ xưa cũ của những ngôi nhà cổ vẫn khiến người ta vẫn nhận ra chất “chơi” của người làng Cựu – ngôi làng có lối kiến trúc khác biệt so với các làng cổ Bắc Bộ.