Cách đây 7 năm, Trường THCS Cẩm Sơn được sáp nhập vào Trường THCS Cẩm Hà và đổi tên thành Trường THCS Sơn Hà (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Sau khi sáp nhập, đến đầu năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định phê duyệt chủ trương cho lập dự án đầu tư xây dựng thêm ngôi nhà 2 tầng với 10 phòng học tại Trường THCS Sơn Hà. Vậy nhưng từ đó tới nay dự án này vẫn đang “treo” trên giấy khiến công tác dạy và học của thầy, trò Trường THCS Sơn Hà gặp nhiều khó khăn.
Gần 5.000m2 đất dự án xây dựng trường đã thu hồi bị bỏ hoang.
Chủ trương dang dở
Sau khi có quyết định sáp nhập 2 ngôi trường nêu trên, ngày 16/1/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng ngôi nhà 2 tầng với 10 phòng học cho Trường THCS Sơn Hà. Mục tiêu là nhằm đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học của giáo viên và học sinh Trường THCS Sơn Hà, nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, đồng thời đáp ứng những yêu cầu về chuẩn quốc gia bậc THCS.
Trên cơ sở đó, UBND huyện Cẩm Xuyên bỏ ra hơn 302 triệu đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất hai lúa của 5 hộ dân để mở rộng khuôn viên Trường THCS Sơn Hà thêm gần 5.000m2 đất. Tuy nhiên, đất dự án làm trường bị bỏ hoang dẫn tới việc sản xuất của những hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng. Trâu bò chăn thả tự do vào phá lúa gây bức xúc trong nhân dân.
Ông Lê Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết: “Dân kiến nghị nhiều quá nên tháng 10-2016 xã phải xây tường rào để ngăn cách khu vực này. Tổng kinh phí hết 390 triệu đồng, chia ra 3 năm, thu từ phụ huynh học sinh Trường THCS Sơn Hà nhưng chỉ thu được 90 triệu đồng/năm từ phân hiệu ở xã Cẩm Hà nên đến nay vẫn chưa thu đủ”.
Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Công Hợp - Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Hà chia sẻ: Mỗi năm trường có 20 lớp với trên 600 học sinh, vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo để quy về một mối nên nhà trường đành chia ra mỗi phân hiệu 10 lớp. Trong khi đó, Cẩm Sơn là xã đặc biệt khó khăn, được hưởng chính sách 135 còn Cẩm Hà là xã thuần nông, giáo viên của một trường lại phải dạy hai nơi nên việc thụ hưởng chính sách cũng khác nhau, điều này khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
“Hơn thế, hiện khu vực hiệu bộ, phòng truyền thống, phòng phụ trợ vẫn chưa có, chúng tôi phải lấy phòng học để dùng tạm. Với hai phân hiệu như thế này thì việc phấn đấu đạt chuẩn quốc gia của trường không thể thực hiện được. Do vậy, theo nhà trường thì việc xây dựng thêm ngôi nhà 2 tầng với 10 phòng học như quyết định của tỉnh đã phê duyệt là hết sức bức thiết”, ông Hợp nói.
Cần một lối thoát
Dự án Trường THCS Sơn Hà được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 8,6 tỷ đồng, lấy từ nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần, ngân sách huyện hỗ trợ một phần và chủ đầu tư là UBND xã Cẩm Hà huy động các nguồn vốn hợp pháp khác. Hiện nay, quyết định phê duyệt dự án nêu trên của UBND tỉnh Hà Tĩnh đã hết thời hạn thi công. Ông Lê Văn Hùng nói: “Chúng tôi rất cần hướng dẫn của huyện và tỉnh trong việc tiếp tục theo đuổi đầu tư dự án”.
Về việc này, ông Phạm Đăng Nhật – Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: Dự án Trường THCS Cẩm Hà là một trong khá nhiều công trình trên địa bàn đầu tư dở dang và “bị treo”. Huyện Cẩm Xuyên cũng đã đề nghị tỉnh có hướng dẫn cụ thể và có chính sách giải quyết đối với vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa có hồi đáp.
“Việc mở rộng khuôn viên Trường THCS Sơn Hà nhất thiết phải làm nhưng do giai đoạn hiện nay ngân sách còn hạn hẹp nên chưa có kinh phí đầu tư. Bây giờ chủ đầu tư phải làm tờ trình xin gia hạn chủ trương phê duyệt dự án, đồng thời đề xuất tỉnh bố trí vốn để tiếp tục xây dựng”, ông Nhật nói.
Điều đáng nói là hiện dư luận tại Hà Tĩnh đang rất bất bình trước việc tỉnh này đầu tư không đúng chỗ. Trong khi 600 học sinh ở Trường THCS Sơn Hà đang “khát” phòng học mấy năm nay thì tại xã Hương Bình, huyện Hương Khê lại được tỉnh quyết định đầu tư 42,5 tỷ đồng xây dựng Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên chỉ để phục vụ cho việc dạy và học đối với 48 học sinh trong năm học 2017 này.
Đặc biệt, dãy nhà ký túc xá 3 tầng với 24 phòng được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu ở cho gần 100 học sinh nhưng hiện chỉ có 3 em đăng ký là sự lãng phí rất đáng trách.