Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT và Bộ LĐTB&XH tại cuộc họp sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2017 mới đây về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), năm nay cả nước sẽ hoàn thành và vượt các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Điều này cho thấy việc triển khai Chỉ thị số 36 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã khởi sắc và đem đến những hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bước đầu đã đem lại hiệu quả đáng khích lệ.
Nguồn lực tập trung
Theo đó, tính đến hết tháng 7/2017 cả nước có 2.776 xã (31,1%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 223 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (hoàn thành mục tiêu năm 2017, có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn), tăng 416 xã so với cuối năm 2016. Còn 179 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 78 xã so với cuối năm 2016.
Dự kiến đến hết năm 2017 sẽ còn dưới 150 xã dưới 5 tiêu chí. Do số chỉ tiêu của 19 tiêu chí (bộ tiêu chí mới) tăng thêm 10 chỉ tiêu so với bộ tiêu chí cũ với yêu cầu cao hơn, nên bình quân cả nước đạt 13,23 tiêu chí/xã, giảm 0,24 tiêu chí so với cuối năm 2016, nhưng vẫn bảo đảm kết quả bền vững.
Về giảm nghèo, dự kiến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn 6,9% (giảm 1,33% so với cuối năm 2016 và dự kiến tỷ lệ giảm có thể lên tới 1,5%), trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40%, ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016, đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định 1722/QĐ-TTg.
Đánh giá sau một năm Quốc hội quyết định lồng ghép các CTMTQG chỉ còn 2 chương trình là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, 2 Bộ khẳng định, việc lồng ghép đã giúp Chính phủ, các địa phương tập trung nguồn lực thực hiện hiệu qủa, đưa CTMTQG đi đúng hướng. Đặc biệt, hệ thống gần 60 văn bản pháp lý được hoàn thiện cơ bản đầy đủ, làm cơ sở cho các địa phương triển khai từ nay tới năm 2020.
Thực tế cho thấy so với giai đoạn đầu năm 2016 - khi xây dựng nông thôn mới có chững lại - thì sau đó tới nay, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 36 vào tháng 12-2016, xây dựng nông thôn mới có dấu hiệu phát triển trở lại.
Ngoài việc từng bước xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý cho CTMTQG, nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình nông thôn mới, giảm nghèo bền vững với các tiêu chí cao hơn tiêu chí của Trung ương công bố, hướng tới xây dựng tiêu chí cho nông thôn mới kiểu mẫu (Bộ NN&PTNT hiện đang xây dựng).
Tuy nhiên phản ánh từ nhiều địa phương cho biết vẫn còn không ít những khó khăn trong đó việc giải ngân vốn đầu tư công thuộc lĩnh vực CTMTQG còn chậm, ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân đầu tư công nói chung, giảm tác động tích cực từ các dự án, công trình đã được quyết định đầu tư tới đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Chung tay vì người nghèo
Được biết, tổng vốn kế hoạch năm 2017 từ ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện các CTMTQG là 15.231 tỷ đồng (vốn đầu tư là 11.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 4.231 tỷ đồng). Trong đó, CTMTQG xây dựng nông thôn mới là 8.000 tỷ đồng và CTMTQG giảm nghèo bền vững là 7.231 tỷ đồng.
Cho tới nay, hầu hết các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao vốn kế hoạch năm 2017 và đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG.
Một số địa phương có kết quả giải ngân đạt cao như: Hưng Yên (84,9%), Hà Nam (79,6%), Bến Tre (54,9%)… Tuy nhiên, kết quả giải ngân nguồn vốn thực hiện các CTMTQG trên phạm vi cả nước đạt thấp, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm mới đạt 13,09%, trong đó giải ngân thuộc lĩnh vực xây dựng nông thôn mới chỉ đạt 11%.
Để thực hiện hiệu quả hai CTMTQG năm 2017, làm tiền đề cho tới năm 2020, phát biểu tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm mới đây của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, địa phương hoàn thành tổ chức Ban chỉ đạo CTMTQG xuống tới cấp huyện trong năm nay và mỗi xã phải có cán bộ chuyên trách thực hiện chương trình.
Bộ NN&PTNT chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quyết định số 1600 về tiêu chí huyện nghèo, xác định đối tượng hỗ trợ là thôn, bản hay cấp xã từ nguồn 4.000 tỷ đồng tiền thưởng cho cơ sở có kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn để lại 80% số thu tiền sử dụng đất cho cấp xã, tiếp tục hoàn thiện và ban hành Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp để thúc đẩy sản xuất, sinh kế cho người dân.
Bộ KH&ĐT chủ trì, sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về tiêu chí nợ xây dựng cơ bản trong CTMTQG, tổ chức hội nghị nhà tài trợ quốc tế và trong nước liên quan tới các CTMTQG. Văn phòng Chính phủ sớm rà soát lại và phối hợp với Bộ LĐTB&XH ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Cả nước chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau giai đoạn 2018- 2020.