Lồng ghép giới trong giảng dạy là đưa nội dung về giới vào trong chương trình giảng dạy ở các trường học nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về giới và bình đẳng giới. Đây là công tác đặc biệt quan trọng, thế nhưng lại đang gặp phải sự thờ ơ, thiếu quan tâm từ chính các trường học…
Ảnh minh họa.
Trong Tháng bình đẳng giới 2017 (diễn ra trên cả nước từ 15/11 đến 15/12), nhiều trường ĐH, CĐ, THCN, THPT đã đánh giá thực trạng của công tác lồng ghép giới trong giảng dạy.
Hiện nay, việc lồng ghép giới được một số khoa, trường mạnh dạn thực hiện, như các khoa Xã hội học, Tâm lý học (ĐH KHXH&NV TP HCM); Khoa Xã hội học (Phân viện Báo chí tuyên truyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); các trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, ĐH Nông Lâm Huế, ĐH Nông nghiệp 1, ĐH Cần Thơ, ĐH Công Đoàn, ĐH kinh tế và quản trị kinh doanh Thái Nguyên,…
Đánh giá về công tác này, Thạc sĩ Phan Thuận (Học viện Chính trị khu vực IV) cho rằng, chương trình giảng dạy, đào tạo về giới ở các trường thường được bố trí trong 30 – 45 tiết (2 – 3 học trình), với nội dung khá đa dạng.
Tuy nhiên, giáo dục về giới trong trường học còn phụ thuộc vào yêu cầu chuyên ngành học cũng như kiến thức, khả năng của giảng viên, giáo viên.
Trong đó, có thực tế là một số trường còn chú trọng đến phần lý thuyết, chưa gắn kết với các nội dung rèn luyện kỹ năng và phương pháp giảng dạy vẫn mang tính “độc thoại” của người dạy.
Chính vì vậy, khả năng vận dụng kiến thức của người học vào nghiên cứu và giải quyết những vấn đề trên thực tế cuộc sống còn rất hạn chế.
Một số chuyên gia về lồng ghép giới nhìn nhận, việc chỉ thiết kế thời lượng tiết học từ 2 – 3 học phần ở nhiều trường như hiện nay là rất khó truyền tải hết những kiến thức về giới và bình đẳng giới cho sinh viên.
Đó là chưa kể, một số trường do vấn đề kinh phí hoạt động còn có xu hướng cắt giảm số giờ và thậm chí muốn xóa bỏ bộ môn/chuyên đề về giới trong một số khoa/bộ môn.
Bà Đào Thị Hồng Vân- nguyên phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh lấy dẫn chứng trong tỷ lệ cơ cấu giáo viên bậc mầm non để chỉ ra bất cập hiện nay trong công tác lồng ghép giới vào trường học. Theo bà Vân, hiện tỷ lệ giữa giáo viên nam và giáo viên nữ có sự khác biệt rất rõ rệt ở từng cấp học.
“Tại sao việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non thì chỉ có giáo viên nữ mà rất ít có giáo viên nam? Trong khi đó, trẻ mầm non cũng rất cần có bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của cả giáo viên nam và giáo viên nữ để phát triển toàn diện”.
Tương tự, bà Vân cũng chỉ ra trong công tác cán bộ nữ của các trường cũng tồn tại thực tế: “Tại sao các trường thường phân công cán bộ nữ đảm nhiệm mà không giao cho nam giới, trong khi thực tế cho thấy một số trường giao việc này cho nam giới cũng đạt được hiệu quả cao. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là rất ít giáo viên nam chịu tham gia vào công tác cán bộ nữ, bởi họ nghĩ việc này là việc của phụ nữ”. Đây là bất cập ngay trong chính phân công công việc hiện nay trong các trường học, lẫn cơ quan, tổ chức – chuyên gia này chỉ ra.
Thạc sĩ Thân Thị Ngọc Phúc- giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia (cơ sở tại TP HCM) cho rằng, vai trò của giảng viên trong thực hiện lồng ghép giới ở các bậc đào tạo hiện nay là rất quan trọng.
Bởi vì, việc lồng ghép giới thường liên quan đến các thách thức, tác động trực tiếp đến các chính sách và thể chế nhằm thúc đẩy bình đẳng giới một cách tích cực hơn.
Vai trò của người giảng viên đóng vai trò dẫn dắt, định hướng, bởi họ có nhiều cách để tạo ra môi trường học tập tích cực và xây dựng môi trường nhạy cảm giới cho người học.
Theo chuyên gia này, nếu các trường cam kết mục tiêu giáo dục là một kênh quan trọng nâng cao nhận thức về giới thì cần đặc biệt quan tâm đến việc lồng ghép giới vào các khoa, ngành phù hợp, trong đó chú trọng vai trò của giảng viên để đóng góp hữu hiệu vào mục tiêu nâng cao nhậnt hức về giới, thực hiện bình đẳng giới.
Nhiều ý kiến cũng khuyến nghị, để công tác lồng ghép giới vào giảng dạy ở trường học đạt được hiệu quả cao nhất thì cần có sự phối hợp đồng bộ từ Bộ GD&ĐT đến từng trường, cơ sở giáo dục thành viên.
Song song với đó, cần đưa vào nhiều học phần thực hành, kỹ năng, đưa sinh viên, học sinh đi thực tế để nắm bắt, vận dụng một cách chính xác vào đặc thù về giới ở từng địa phương.