Lồng ghép nội dung phòng chống buôn bán động vật hoang dã vào chương trình đại học

Thúy Hằng 26/04/2021 19:51

Bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) là nhiệm vụ chung của toàn xã hội và cần được chú trọng, đặc biệt là trong công tác dạy và học. Chính vì thế, việc lồng ghép nội dung về bảo vệ ĐVHD vào chương trình đào tạo cho giảng viên và sinh viên các trường điều vô cùng cần thiết.

Tập huấn về “Khung pháp lý hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm về ĐVHD và các tội phạm xuyên quốc gia khác”.

Việt Nam vẫn là điểm trung chuyển và tiêu thụ lớn

Được biết, Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á, được bao quanh bởi các thị trường chợ đen, nơi diễn ra hoạt động buôn bán các loại hàng hoá cấm, thuộc các khu vực lân cận như Đông Á, Nam Á và Châu Đại Dương, do đó luôn phải đối mặt với nguy cơ bị tác động bởi hoạt động phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia trong khu vực.

Các loại sản phẩm ĐVHD được vận chuyển trái phép gồm ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê. Các đối tượng thường sử dụng hai tuyến đường chính là tuyến đường biển và đường hàng không, trong đó tuyến đường biển được khai thác triệt để nhằm vận chuyển những lô hàng ngà voi, vảy tê tê có số lượng lớn.

Vì thế trước thực trạng này, vừa qua Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) – Chương trình Việt Nam phối hợp với với Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội đã tổ chức khóa tập huấn về “Khung pháp lý hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) và các tội phạm xuyên quốc gia khác”.

Khóa tập huấn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học pháp lý về hợp tác quốc tế trong phòng chống, xử lý tội phạm về động vật hoang dã và các tội phạm có yếu tố xuyên quốc gia khác, góp phần hoàn thiện thể chế và năng lực thực thi pháp luật trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ: "Khóa tập huấn được đặt ra trong bối cảnh các tội phạm xuyên quốc gia nói chung và tội phạm về buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới nói riêng tại Việt Nam là vấn đề không mới về thực tiễn, nhưng vẫn tương đối mới về mặt nhận thức, chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng của xã hội, của lĩnh vực giáo dục, của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu pháp luật. Chính vì vậy, khoá tập huấn này là rất có ý nghĩa”.

Anh Nguyễn Ngọc Hải, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân chia sẻ tại buổi tập huấn

Anh Nguyễn Ngọc Hải, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho rằng: “Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia không phải là một vấn đề mới ở khu vực, thậm chí đây là loại tội phạm truyền thống và ít có xu hướng thay đổi trải qua nhiều thập kỷ.

Những tuyến đường trước đây được các phiến quân sử dụng để vận chuyển thuốc phiện từ Tam Giác Vàng đi khắp thế giới thì nay được sử dụng để vận chuyển ma tuý tổng hợp. Các tuyến đường biển hiện nay được lợi dụng để vận chuyển trái phép gỗ hương, sừng tê giác, ngà voi, túi xách hay nước hoa giả trước đây là các tuyến vận chuyển vũ khí, cổ vật, rượu lậu hay thuốc phiện”.

"Mối đe doạ của hoạt động phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đang bắt rễ trong phạm vi khu vực và với các khu vực lân cận. Các tổ chức tội phạm trong khu vực cũng mở rộng phạm vi hoạt động ra toàn cầu, chúng vận chuyển khối lượng lớn không tưởng các mặt hàng lợi nhuận cao như ma tuý tổng hợp, các loài động vật hoang dã và lâm sản quý hiếm, các loại hàng hoá được làm giả, cùng với hoạt động buôn người và mua bán người để bóc lột tình dục và bóc lột lao động", anh Hải nhấn mạnh.

Theo ghi nhận, các tổ chức về bảo vệ ĐVHD trên thế giới cũng cho rằng Việt Nam là điểm đến và điểm trung chuyển của ĐVHD. Nhận định này được đưa ra dựa trên nguồn thông tin mở về các vụ bắt giữ ĐVHD tại Việt Nam hoặc bắt giữ tại nước ngoài nhưng lại có đích đến là Việt Nam.

Đẩy mạnh việc lồng ghép trong công tác giảng dạy

Theo số liệu WCS tổng hợp từ các cơ quan báo chí, truyền thông, trong năm 2020, báo chí Việt Nam chỉ đăng tải 61 bài viết phân tích chuyên sâu về ĐVHD và buôn bán ĐVHD trái pháp luật.

Đáng nói, thông tin về công tác xử lý của cơ quan chức năng thường chỉ tóm gọn trong “Cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, làm rõ”. Báo chí chưa thể hiện được khả năng phân tích gốc rễ vấn đề - vì sao buôn bán trái pháp luật ĐVHD vẫn tồn tại, những thông tin về đường dây tội phạm, thủ đoạn buôn bán chưa được phân tích triệt để.

Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do đội ngũ nhà báo thiếu kỹ năng điều tra hoặc thiếu thông tin liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật; cũng như đội ngũ nhà báo tương lai - sinh viên báo chí và các nhà báo trẻ - thiếu cơ hội trau dồi kinh nghiệm và sự hỗ trợ cần thiết để phát triển đề tài về những vấn đề nóng, nhạy cảm như buôn bán ĐVHD trái pháp luật.

Quy trình lồng ghép có thể kể đến các bước như: Xây dựng nhận thức, lựa chọn hình thức lồng ghép hoặc ngoại khóa, đào tạo giảng viên, đăng ký môn học, soạn bài giảng, phê duyệt – góp ý bài giảng bởi các lãnh đạo, chuyên gia, giảng viên có kinh nghiệm và cuối cùng là ghi nhận đánh giá, phản hồi hoạt động dạy và học để điều chỉnh nội dung cho giai đoạn tiếp theo.

Thực tế, các môn học dành cho đào tạo phóng viên, nhà báo ở các trường báo chí thường chỉ tập trung rèn luyện kỹ năng phát hiện vấn đề, thực hiện tác phẩm... Do vậy, việc lồng ghép nội dung về bảo vệ ĐVHD chính là định hướng cho sinh viên xử lý các đề tài thực tế.

Bạn Nguyễn Như Quỳnh, sinh viên năm 2 Học viện Báo chí & Tuyên truyền hào hứng chia sẻ: “Việc mời các nhà báo điều tra chuyên sâu về mảng ĐVHD đến chia sẻ kinh nghiệm rất có ý nghĩa và bổ ích với sinh viên chúng mình. Bởi qua đó sinh viên vừa có cơ hội học hỏi nghề nghiệp, vừa học hỏi kiến thức thực tế về bảo tồn ĐVHD từ kinh nghiệm tác nghiệp và xử lý đề tài được các nhà báo chia sẻ qua những câu chuyện thực tế qua các chuyến đi tới khu bảo tồn, vườn quốc gia, trung tâm cứu hộ...”.

Anh Phạm Thành Trung, Quản lý Chương trình, Tổ chức WCS nhấn mạnh về việc lồng ghép nội dung liên quan đến động vật hoang dã trong hoạt động dạy và học.

Đánh giá cao những kết quả thu nhận được sau khi thực hiện lồng ghép tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2020, anh Phạm Thành Trung, Quản lý Chương trình, Tổ chức WCS, chia sẻ: “Kế thừa thành công năm qua, Tổ chức WCS ngày càng đẩy mạnh việc ứng dụng thực thi chuyên môn đào tạo phối hợp với những kiến thức phổ biến chuyên sâu về ĐVHD để nhân rộng mô hình này tới các trường điểm như Học viện báo chí, Đại học Luật ĐHQG, Đại học Kiểm sát Hà Nội...

Chúng tôi mong muốn đưa nội dung về phòng, chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD vào chương trình giảng dạy có thể tham khảo quy trình lồng ghép với các bước cụ thể để học viên, sinh viên dễ dàng tiếp cận và lan tỏa tầm quan trọng của việc bảo vệ ĐVHD ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.

Bên cạnh lồng ghép chính khóa, các trường cũng có thể lồng ghép ngoại khóa chủ đề về bảo vệ ĐVHD thông các hoạt động như: thành lập câu lạc bộ về môi trường/ĐVHD, tổ chức talkshow, coffee talk về các vấn đề bảo tồn, tổ chức các chuyến đi điền dã cho sinh viên, các cuộc thi hùng biện hay viết bài, sáng tác tác phẩm truyền thông (infographic, poster…), thực hiện phóng sự về các khía cạnh khác nhau của bảo tồn ĐVHD.

Đồng thời, tiến hành thêm các khóa tập huấn để tăng cường sự hợp tác không ngừng giữa các thành viên tham gia. Có thể nói, đó chính là chìa khóa định hướng cho các hoạt động thực thi pháp luật giúp ngăn chặn, triệt phá các tổ chức tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lồng ghép nội dung phòng chống buôn bán động vật hoang dã vào chương trình đại học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO