Thuốc lá điện tử chính thức lưu hành trên thị trường thế giới hơn 10 năm nay, thì cũng gần như từng ấy thời gian chúng đã có mặt ở thị trường Việt Nam. Nó được giới trẻ xem là “sản phẩm công nghệ” trong khi chưa có cơ quan chức năng nào cấp phép hay quản lý. Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng cần cấm hẳn thuốc lá điện tử. Nhưng đáng tiếc, nó vẫn lưu hành trên thị trường, nhất là ở các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…
Thuốc lá điện tử được nhiều người trẻ thành thị sử dụng,trong đó có cả nữ giới.
Giá rẻ, khiến thị trường bùng phát
Thuốc lá điện tử (TLĐT) có hương vị hay còn gọi là VAPE được giới trẻ sử dụng, coi như “sự khác biệt, khẳng định đẳng cấp”. So với TLĐT bán trên thị trường Âu-Mỹ, TLĐT bán tại Việt Nam có giá bán chỉ bằng ½, vì chủ yếu là “hàng nhái”, chất lượng thấp, do đó mức độ nguy hại lại càng tăng lên.
Đáng chú ý, TLĐT được quảng cáo công khai, tràn lan trên mạng internet mà không hề bị gỡ bỏ càng kích thích việc sử dụng, trong đó thật sự lo ngại khi không ít người dùng là học sinh, sinh viên.
Tại các khu vực chuyên bán thuốc lá ở quận 3, 5 tại TP HCM, hiện vẫn có rất nhiều điểm bán TLĐT, loại sử dụng bằng tinh dầu hoặc từ thuốc lá điếu với đủ kiểu dáng, màu sắc, chức năng… Người ta cũng dễ dàng tìm mua được từng bộ phận linh kiện rời, rồi về lắp ráp lại thành sản phẩm hoàn chỉnh. Nếu như năm trước, 1 “bộ hút” này có giá 1,5 triệu đồng, thì nay chỉ còn 70.000 đồng. Nó cũng không chênh so với giá bán trên mạng. Trong các chợ ở quận3, còn bán nhiều loại tinh dầu với đủ hương vị, các phụ kiện như bao da, adapter, hộp sạc rời, tẩu rời, cáp sạc, tăm bông chuyên dụng, dung dịch vệ sinh, giấy thấm dầu... Chúng được cho là có xuất xứ từ nước ngoài. Thị trường tinh dầu có cả trăm loại, mùi hoa hay mùi trái cây, mùi kẹo ngọt, cà phê..., giá 120.000-300.000 đồng/lọ 30ml cũng có, giá 400.000-500.000 đồng/lọ dung lượng tương tự cũng có, tùy xuất xứ. Một lọ tinh dầu giá 480.000-500.000 đồng, dùng trong 1 tuần. Nhưng thường khách dùng TLĐT thích thể hiện sự sành điệu nên mua sẵn mấy loại để dùng thay đổi. Tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử trôi nổi và bán tràn lan. Có những cửa hàng đăng quảng cáo mỗi lọ giảm giá còn 130.000 đồng, khách mua 3 tặng 1.
Đáng tiếc là cơ quan chức năng khó “dẹp” TLĐT vì rằng hiện chưa có quy định riêng về quảng cáo, kinh doanh TLĐT mà mới chỉ có quy định về thuốc lá truyền thống. Điều đó cho thấy cơ quan quản lý thụ động, lúng túng trong việc xếp TLĐT vào nhóm hàng hóa nào để có quy định quản lý.
Vì thế, khi lên mạng, người ta dễ dàng tìm mua được “nguyên bộ” cũng như từng bộ phận tháo rời, hay là lọ hương vị cho TLĐT. Ở địa chỉ http://vapejuice...blog...com có đầy đủ chủng loại thuốc lá điện tử. Những nhân viên bán hàng tại các điểm bán online thường gửi yêu cầu khách hàng nhắn số điện thoại và được nghe tư vấn trực tiếp.
Tại Hà Nội,TLĐT cũng dễ dàng tìm thấy ở khu vực Cầu Giấy, phố Chả Cá… Một điểm bán TLĐT rất ở ngõ 81 Trần Cung (Cầu Giấy) thì mỗi ngày “doanh thu” cũng lên tới ngót 5 triệu đồng và số khách hàng ‘chung thân” ngày một nhiều lên. Một thanh niên thường xuyên mua TLĐT ở địa chỉ này cho biết anh ta đang dùng bộ hút với giá 5 triệu đồng. Trước đó, khi chuyển từ thuốc lá thông thường sang TLĐT, anh ta mua 1 bộ hút mới với giá 1,8 triệu đồng. Nhưng khi đã quen thì cần phải nâng cấp.
Tại một số quán cà phê vỉa hè ở Hàng Cá, Hàng Hành, Điện Biên Phủ… người ta dễ dàng bắt gặp nhiều người trẻ vô tư nhả khói từ TLĐT. Họ cho rằng, so với thuốc lá thông thường thì TLĐT nhìn văn minh sạch sẽ thơm hơn. Kể cả người ngồi cạnh cũng được “thơm lây”.
Theo một chủ quán cà phê trên đường Nguyễn Phong Sắc, cũng kinh doanh TLĐT thì thuốc được chuộng nhất hiện nay là dòng cao cấp của Vapor (Mỹ), giá khoảng 1-1,3 triệu đồng/bộ, được khuyến mại 1 lọ tinh dầu giá 120.000 đồng (hương vị tùy chọn). Ông ta cũng cho biết, nói là xuất xứ từ Mỹ nhưng không ai có thể kiểm chứng được người mua lẫn người bán “tin nhau là chính” và cũng còn vì giá rất rẻ so với “chính hãng”: Chỉ bằng 1/3.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Tuy không “rầm rộ” bằng TPHCM hay Hà Nội, nhưng TLĐT cũng được khá nhiều người trẻ ở Đà Nẵng sử dụng. Trên đường Phạm Hồng Thái (Q.Hải Châu), ở những quán nước thông thường, người ta thấy khá nhiều người hút TLĐT. Một chủ tiệm cho biết, một bộ TLĐT gồm hộp đựng kiêm sạc pin và tẩu có chất lượng cao giá từ 3 triệu đồng trở lên. Còn thì một bộ giá bình dân dao động khoảng 850.000 đồng đến 2 triệu đồng. Chủ quán cho biết, khách hàng chủ yếu là thanh niên, kể cả dưới 16 tuổi đang còn học phổ thông.
TLĐT gây nghiện không kém thuốc lá thông thương. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, hơn 90% người hút TLĐT sẽ bị nghiện sau một năm sử dụng. Khi hút một điếu TLĐT cũng có nghĩa là ta đang đưa một lượng nicotine (được hấp thu vào máu qua phổi) vào cơ thể. Theo thời gian, việc sử dụng nicotine có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm bệnh tim, đông máu và loét dạ dày. BS Nguyễn Thị Phương Anh (Khoa Thăm dò và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi trung ương), cho biết về nguyên tắc TLĐT cung cấp dạng khói đưa vào đường thở, và bất cứ chất nào ở dạng khói khi hít vào đều ảnh hưởng đến đường hô hấp. TLĐT chứa nicotine không chỉ ảnh hưởng đến phổi mà còn gây tác hại đến nhiều cơ quan khác như yết hầu cổ họng, chức năng chuyển hóa của cơ thể, hay thậm chí cả sức khỏe sinh sản. Lạm dụng quá nhiều thuốc lá điện tử vẫn có nguy cơ gây viêm phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính, nếu để lâu sẽ dễ gây ra biến chứng ung thư phổi.
Cần phải nói thêm rằng, TLĐT không sản xuất trong nước, mà được nhập lậu hoàn toàn. Vì thế, ở đây trách nhiệm có thể nói là thuộc về hải quan, công an, quản lý thị trường. Nếu không sớm siết lại thị trường TLĐT thì hậu quả sẽ là lâu dài và khó lường.
Ngày 15/11 vừa qua, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Tại Việt Nam, sản phẩm này đang được quảng cáo gây hiểu nhầm như là không gây hại và có tác dụng thay thế thuốc lá thông thường. Do vậy, Bộ Y tế đang xem xét đề xuất với Chính phủ cấm hoàn toàn việc sử dụng TLĐT. Ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho biết trên thế giới đã có 42 quốc gia cấm TLĐT. Còn ông Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, việc quảng bá TLĐT đang diễn ra tràn lan, thậm chí còn coi đây như là sản phẩm có lợi, có tác dụng cai nghiện thuốc lá thông thường. Bộ Y tế đang xem xét đề xuất cấm hoàn toàn TLĐT vì gây hại cho sức khỏe.