Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ được ví là “phao cứu sinh” kịp thời giúp hàng triệu lao động vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên những ngày qua, gói hỗ trợ này lại được coi là thước đo lòng tự trọng, khi ở nhiều địa phương người dân nghèo từ chối nhận hỗ trợ để nhường cho những hoàn cảnh khó hơn.
Dù rất khó khăn nhưng cụ bà Quách Thị Bích (Thanh Hóa) vẫn nhường phần hỗ trợ của mình cho người khác.
Trải qua đại dịch Covid-19, đang có hàng triệu người cần nhận sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, nhưng có những câu chuyện cho thấy một tinh thần tự chủ, lòng tự trọng chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Như trường hợp về một bà cụ già neo đơn, tàn tật ở Hà Nội từ chối nhận hỗ trợ là một câu chuyện thật đến khó tin. Đó là bà Đỗ Thị Chíu, 68 tuổi, đang sống một mình trong căn nhà tình thương cấp 4 ở tổ dân phố Chiến Thắng, phường Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) do chính quyền địa phương xây dựng. Cuộc sống của bà dựa vào số tiền hưu 700 ngàn đồng và quán nước chè vỉa hè. Thế nhưng, khi được lập danh sách nhận tiền hỗ trợ của chính phủ, bà Chíu đã chủ động từ chối nhận để nhường lại cho những người nghèo khổ hơn mình.
Không riêng trường hợp bà Chíu, tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) có 10 người thuộc diện được nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid - 19 đã tự nguyện trả lại tiền. Ông Nguyễn Đích Nhâm- Chủ tịch UBND xã Phương Sơn cho biết, trong 10 người trả lại tiền hỗ trợ có 1 hộ cận nghèo, còn lại là đối tượng chính sách. Tổng số tiền những người này trả lại là 17 triệu đồng. Những người này đến UBND xã làm đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với mong muốn dành số tiền trả lại để Nhà nước hỗ trợ cho những người khác cần hơn.
Hay câu chuyện trên 2.000 người dân huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) thuộc diện các gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, các hộ nghèo, cận nghèo đã tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ để nhường cho những người khó khăn hơn. Tính đến ngày 11/5, trên địa bàn huyện có hơn 2.000 người tự nguyện viết đơn không nhận với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ những người còn gặp khó khăn hơn mình. Không riêng huyện Thọ Xuân, qua rà soát, thống kê, tại huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) tính đến ngày 10/5, có 311 hộ gia đình với 1.348 khẩu chủ động xin không nhận hỗ trợ. Những hộ dân này cuộc sống không khá giả, thu nhập bấp bênh nhưng đã tự nguyện không nhận tiền vì muốn đóng góp chút công sức để chung tay cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh, nhường cơ hội cho người khác khó khăn hơn.
Điểm đặc biệt của gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng dành cho 7 đối tượng, ngoài lao động bị nghỉ việc, mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính; hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm; người có công; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, cận nghèo…, thì nhóm lao động tự do, không có hợp đồng lao động cũng được hỗ trợ. Tuy nhiên, để khoản hỗ trợ trên đến được với đúng người, đúng thời điểm thì lại là chuyện không phải dễ dàng. Bởi một trong những quy định là muốn nhận được tiền hỗ trợ thì cần có đơn, nhất là cán bộ cấp cơ sở ở thời điểm này phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để lập danh sách, rồi còn xác minh, công khai hóa...Lập danh sách lao động tự do là rất khó nên nhiều nơi chưa thể đẩy nhanh việc này.
Tuy nhiên, nói như ông Đỗ Văn Sinh- Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì việc này thực hiện càng nhanh càng tốt. Nhưng ngân sách có hạn, phải tổ chức thực hiện thế nào để không sai, không trùng lặp, không bị trục lợi...
Ông Sinh đặc biệt đề cao vai trò giám sát: “Trong việc này thì giám sát của cộng đồng dân cư rất quan trọng, bởi người dân sẽ biết các đối tượng được nhận hỗ trợ có chính xác hay không. Vì thế, Quốc hội cần huy động sự tham gia giám sát từ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cộng đồng dân cư. Tất nhiên, cũng cần sự vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước ở thời điểm hợp lý”.
Cũng thật đáng buồn là trong khi có nhiều người nghèo từ chối nhận hỗ trợ nhường cho người khó hơn thì đâu đó vẫn có những cán bộ lợi lạm dụng chức quyền đưa vợ con, người nhà vào danh sách hộ nghèo để nhận hỗ trợ.
Nhấn mạnh việc đẩy mạnh kiểm tra giám sát chặt chẽ, công khai minh bạch trong dân, không để xảy ra tiêu cực, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Ngọc Dung cho rằng, khi triển khai thực hiện gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, nếu “đụng” đến dù chỉ 1 đồng thôi sẽ là nỗi nhục suốt đời của các đồng chí cán bộ. Đó là điều rất đáng suy nghĩ.
Về những trường hợp tiêu cực, xà xẻo các gói hỗ trợ của dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng: Phải xác định triển khai các gói này một cách nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, xà xẻo trong việc này. Những trường hợp tiêu cực, xà xẻo các gói hỗ trợ của dân là tội ác, phải xử lý nghiêm theo tình tiết tăng nặng.
Đà Nẵng chi thêm 25 tỷ đồng hỗ trợ đối tượng đặc thù
HĐND thành phố, UBND TP Đà Nẵng quyết định hỗ trợ thêm một số đối tượng đặc thù khác ngoài quy định của Trung ương với tổng kinh phí là 25 tỷ đồng. Tính đến ngày 13/5, Đà Nẵng đã chi trả hỗ trợ cho 80.802 đối tượng với kinh phí là 87,7 tỷ đồng, còn lại 15.547 đối tượng đang tiếp tục chi trả. Dự kiến cuối tháng 5, Đà Nẵng sẽ tiến hành chi trả cho người lao động, hộ kinh doanh.
Riêng đối với các đối tượng đặc thù của thành phố, Đà Nẵng sẽ thông qua kỳ họp HĐND thành phố bất thường vào ngày 22/5 và sẽ được triển khai thực hiện ngay sau khi nghi quyết có hiệu lực.