Nằm chênh vênh nơi lưng chừng giữa biển và trời, Hòn Chuối có một lớp học được ví von như “trên đỉnh trời”. Đó là lớp học tình thương do cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối duy trì bao năm qua, là địa chỉ đặc biệt dành cho các em nhỏ nơi đây.
Các em học sinh trên đảo Hòn Chuối.
Do địa lý nằm tách biệt và cách đất liền mấy chục cây số, nơi này vẫn chưa có điện, nước và tất nhiên, chưa có hệ thống trường học dù nằm trong địa phận hành chính của thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).
Chúng tôi theo Đoàn công tác gồm lãnh đạo Thành ủy và các ban ngành của TPHCM đến đảo Hòn Chuối vào một buổi sáng cuối tháng 9 trời khá đẹp. Tuy nhiên, đường lên đảo lại vô cùng khó khăn, vất vả. Tất cả mọi di chuyển, gồm cả người lẫn hàng hoá, nguyên vật liệu trên đảo đều bằng đi bộ, qua những bậc đá lởm chởm chứ chưa có đường đi rõ rệt.
Hiện trên đảo có 60 hộ dân với hơn 200 người sinh sống, tuỳ theo từng mùa đi biển. Thầy giáo Lê Hon Đa - một chiến sĩ của Đồn Biên phòng cũng là người phụ trách lớp học này cho biết: “Lớp học hiện có khoảng 25-27 học sinh, từ lớp 1 đến lớp 7. Tuy nhiên, đa phần các em học lớp 1 và lớp 2. Riêng số em học lớp 6 và lớp 7 chỉ có duy nhất một em ở mỗi lớp. Đặc biệt, tất cả các em từ lớp 1 đến lớp 7 đều được ngồi chung một lớp học bởi chỉ có 1 thầy giáo cũng như một lớp học. Để các em có thể không bị ảnh hưởng khi tiếp thu bài, các em khác lớp sẽ ngỗi quay về các hướng khác nhau. Sau đó, thầy giáo sẽ giảng bài, giao bài cho từng em, ở từng lớp khác nhau”.
Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối đã duy trì được khoảng hơn chục năm nay, do thầy giáo cũng là cán bộ Đồn Biên phòng Hòn Chuối Trần Bình Phục mở ra và duy trì. Khác với thầy Đa hiện nay, thầy Trần Bình Phục trước kia không có kiến thức sư phạm, thầy chỉ là cán bộ công tác của Đồn Biên phòng, vì thương các em nhỏ quanh đảo không có điều kiện học hành nên mở lớp, dạy chữ cho các em. Sau khoảng hơn 1 năm, lớp học thu hút tới mấy chục học sinh, lại có cả các em lớp 6, lớp 7 nên thầy Phục đã xin lãnh đạo Đồn Biên phòng vào đất liền học bổ túc một khoá kiến thức sư phạm ngắn hạn để có thêm kỹ năng truyền đạt kiến thức. Khoảng gần 1 năm trước, do công việc, thầy Phục lại phải vào đất liền công tác và học tập nên lớp học này được thầy Đa đảm nhiệm. Thầy Đa trước khi đi bộ đội đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Đồng Tháp. Dù thầy tốt nghiệp ngành Mỹ thuật nhưng trên đảo này, thầy đảm nhiệm dạy các em ở tất cả các môn học khác nhau. Do lớp học đã duy trì được nhiều năm, có nhiều lớp học sinh từng học ở đây nên nếu các em học từ lớp 1 tới lớp 5 trên đảo, có thể được tạo điều kiện đưa vào đất liền thi tốt nghiệp, lấy bằng tốt nghiệp như bạn bè khác một cách bình thường. Và, ngay cả khi các em có mong muốn tiếp tục học thêm nữa, Đồn Biên phòng sẽ kết hợp với chính quyền địa phương ở trong đất liền tạo điều kiện cho các em học tiếp.
Tuy nhiên, thầy Đa bảo đa số các em đều có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo. Vì thế, rất ít học sinh ở đây có nhu cầu học cao hơn nữa. Với các em, chỉ cần biết đọc, biết viết là đủ. Khi lớn hơn một chút, các em còn phải phụ cha mẹ làm việc gia đình, hoặc có thể đi tới hòn đảo khác, nếu vụ nuôi thuỷ sản năm đó không thành công.
Cũng như gia đình các em, mỗi em nhỏ đang ngồi trong lớp học này đều có một số phận đặc biệt. Điểm chung duy nhất là nghèo khó và không thể đi học bình thường như bè bạn cùng trang lứa. Nghe những tiếng đọc bài, những trang vở lần giở sột soạt, những nét viết nghệch ngoạc giữa lưng chừng biển trời, thật vô cùng xúc động. Hy vọng, thời gian tới, nơi đây sẽ có một con đường cũng như một điểm trường sạch sẽ, khang trang hơn để các em được học hành một cách bình thường như những học sinh nơi khác.