Hàng năm đến đầu tháng 9, sông Tiền, sông Hậu đã đầy nước. Sông chảy cuồn cuộn, nước đục ngầu, mang nặng phù sa. Ấy thế mà 2 năm trở lại đây, vào mùa nước nổi nhưng nước sông Tiền, sông Hậu vẫn chảy êm ả. Đến thời điểm này mà chưa có dấu hiệu của mùa nước nổi khiến người dân đứng ngồi không yên.
Nhiều ghe xuồng sản xuất phục vụ người dân chài, lưới ế ẩm.
Tháng 9, vẫn chưa thấy lũ
Từ Cần Thơ, theo Quốc lộ 91 ngược lên các huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang như: Chợ Mới, Châu Phú, An Phú, Phú Tân, sang các huyện của tỉnh Đồng Tháp, nếu như mọi năm thì nước đã đầy sông, đầy đồng, không còn biết đâu là bờ, đâu là ruộng. Vậy mà năm nay, đi dọc các huyện đầu nguồn vào những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 này, chúng tôi nhận thấy nhiều cánh đồng vẫn khô nước, không có dấu hiệu lũ về. Bà con nông dân cho biết đã thu họach xong vụ lúa Hè - Thu, không hối hả chạy lũ như những năm trước và đang lo xuống giống vụ Thu - Đông.
Đến huyện đầu nguồn Tân Hồng, Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), mực nước trên sông Tiền vẫn không cao. Bà con cho biết nước sông Tiền mới bắt đầu đục đỏ chừng vài ngày nay. Ông Châu Ngọc Tiếp ở xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng cho biết: Mấy năm trước làm lúa cứ nơm nớp sợ lũ chụp. Có năm phải ngụp lặn thu hoạch lúa Hè - Thu, vừa bị mất năng suất vừa phải chịu cảnh lúa giảm chất lượng do ướt sũng. Vậy mà mà nay, nông dân vẫn bình tĩnh thu hoạch lúa Hè - Thu.
Ngoài ra, ông Tiếp còn than thở: Lũ không về nên không đưa nước phù sa từ sông vào đồng ruộng. Năm nay, đang lo phải bón thêm nhiều phân thì lúa mới có năng suất. Ông Nguyễn Thanh Vững ở xã Thường Thới Tiền tâm sự: Hai năm nay, mực nước thấp nên nông dân chúng tôi lo lắm. Làm ruộng mà không thấy lũ về cứ ngóng trông như ngóng mẹ đi chợ về. Những năm trước, lũ về, nông dân lấy nước phù sa bồi đắp đồng ruộng, thau chua, rửa phèn, nhờ đó dịch bệnh cũng giảm.
Những năm lũ lớn thì nguồn cá, tép trong sông dồi dào, nông dân ngoài làm ruộng còn kiếm thêm thu nhập nhờ nguồn lợi thủy sản, trồng rau, hái bông điển điển, bông sung, lục bình,… nên người dân vùng lũ không đến nỗi “héo” như năm nay. Ai cũng mong có lũ. Vậy mà năm nay, tháng 9 rồi mà lũ đâu chưa thấy!
Trước đây, hoạt động sản xuất mùa nước nổi ở hai địa phương đầu nguồn là An Giang và Đồng Tháp đã tạo ra giá trị hơn 5.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm gần triệu lao động địa phương trong 3-4 tháng mùa lũ. Thế nhưng, hai năm nay, lũ không có, hiệu quả của các mô hình sản xuất mùa nước nổi giảm mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Hè - Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ nhận định: Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thì nhiều khả năng vùng ĐBSCL tiếp tục đón thêm một năm lũ nhỏ. Những năm trước, lũ về, thì sau vụ lúa Hè Thu, bà con lấy nước phù sa vào đồng ruộng cho vụ lúa Đông-Xuân sau đó trúng mùa. Năm nay, tiên đoán vụ lúa Đông-Xuân sẽ khó khăn hơn vì đồng ruộng không được ngâm nước nên côn trùng, sâu bọ sẽ xuất hiện nhiều, chi phí sản xuất cao, lợi nhuận sẽ giảm...
PGS TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL cho rằng, việc các nước đầu nguồn sông Mekong xây ngày càng nhiều đập thủy điện trên dòng chính và các nhánh làm cho lưu lượng nước về hạ nguồn ngày càng ít. Ngay cả Biển Hồ ở Campuchia còn thiếu nước huống gì là Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu năm nay, lũ không về nữa thì vùng ĐBSCL cần chủ động ứng phó với mặn xâm nhập khốc liệt hơn vào mùa khô tới.
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT), qua theo dõi thì lũ thượng nguồn sông Mekong đang ở mức khá thấp, khả năng năm 2016 lũ ở ĐBSCL sẽ nhỏ.
Cửa hàng ngư cụ ế ẩm.
Đìu hiu làng nghề
Mùa lũ ở miền Tây không về nên chẳng những bà con nông dân bị thất thu nguồn lợi thủy sản tự nhiên mà các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân cũng gặp nhiều khó khăn, đảo lộn. Đã có nhiều gia đình phải bỏ xứ đi làm thuê ở các thành phố lớn và miền Đông Nam Bộ,... vì không ai thuê mướn làm việc gì! Các làng nghề truyền thống phục vụ sản xuất mùa lũ rơi vào tình cảnh đìu hiu, ế ẩm...
Cồn Cốc được biết đến là nơi có làng nghề đan lọp cá linh để cung ứng cho thị trường trong vùng và xuất sang Campuchia. Những năm trước, vào khoảng các tháng 6, 7, 8, về cồn Cốc sẽ thấy cảnh người người, nhà nhà làm lọp. Cồn Cốc có 120 hộ, trong đó có 82 hộ làm nghề đan lọp mùa nước nổi nhưng năm nay, Cồn Cốc thật đìu hiu, vắng lặng.
Chúng tôi tìm đến xã Phú Hội, huyện An Phú, nơi có nhiều gia đình sản xuất các dụng cụ đánh bắt thủy sản phục vụ mùa lũ như: lọp, nò, lờ, nôm, câu,... Ông Nguyễn Ngọc Hường, ngụ tại ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang chuyên làm nghề đan lọp tôm, cua, buồn bã cho biết: Mấy năm trước, vào thời điểm này nhiều người đến đặt hàng mua lọp, số lượng vài ngàn cái. Vậy mà năm nay, đến giờ cũng chỉ bán được vài chục cho một vài người dân đánh bắt kiếm cái ăn trong gia đình. Nhiều hộ sản xuất khác trong ấp cũng rơi vào cảnh ế ẩm như tôi.
Làng lưỡi câu thuộc phường Mỹ Hòa, TP.Long Xuyên – làng nghề nổi tiếng một thời ở miền Tây không chỉ cung cấp lưỡi câu cho vùng này mà con cho cả nước từ lưỡi câu đồng cho đến lưỡi câu biển, giờ cũng vắng lặng.
Ông Nguyễn Văn Thu, ở khóm Tây Khánh 8 cho biết: Năm rồi, mỗi ngày sản xuất được 40.000 lưỡi nhưng năm nay còn chỉ một nửa. Ông Nguyễn Văn Lộc, chủ cơ sở đóng ghe, xuồng Đức Thành, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang cho biết: Thời gian gần đây, xưởng đóng ghe, xuồng gặp nhiều khó khăn. Để có thể trụ được với nghề truyền thống của gia đình, cơ sở phải chuyển sang đóng ghe đánh cá đi biển, chứ các loại ghe nhỏ như tam bản, năm quăng, xuồng nhỏ các loại,... giờ bán không được.
Làng nghề đan lưới Thơm Rơm, thuộc quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, vốn nổi tiếng là nơi cung cấp các mặt hàng lưới đánh bắt thủy sản cho nhiều tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, đến thời điểm này số lượng lưới bán ra thị trường chẳng được là bao. Các chủ sản xuất lưới cho biết: Vào khoảng vài năm trước, mỗi khi mùa nước lũ về, nhiều hộ gia đình làm nghề đan lưới nơi đây có một khoảng thu nhập kha khá từ việc cung cấp số lượng lớn lưới ra thị trường phục vụ mùa lũ.
Bây giờ lũ không về, chẳng biết bán cho ai nữa. Làng lưới Thơm Rơm có khoảng 30 hộ chuyên sản xuất lưới, vào mùa vụ (mùa lũ) giải quyết gần 1.000 lao động nhàn rỗi ở địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm này các cơ sở đan lưới chỉ hoạt động cầm chừng, chủ yếu là các lao động lớn tuổi còn trụ với nghề, các thợ đan lưới trẻ tuổi đã phải chuyển sang công việc khác kiếm sống hoặc một số khác đã đi làm thuê nơi các thành phố lớn.
Mùa lũ không về đã tác động sâu sắc đến đời sống, sản xuất của nhiều người dân sống tại các làng nghề truyền thống phục vụ mùa lũ ở các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL. Hình ảnh cánh đồng trắng xóa nước, người dân chống xuồng giăng lưới, đặt lọp tôm cá trên đồng nước nổi, cảnh hái rau nhút, bông điên điển, bông sung, hái lục bình, rau mát,… và những chiếc xuồng chở đầy ấp thủy sản đánh bắt được giờ đây có lẽ chỉ còn là kí ức mùa nước nổi.