Từ trường hợp vài đại biểu Quốc hội vi phạm kỷ luật trong thời gian qua, gần đây nhất là vụ ĐBQH Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch đang đặt ra vấn đề làm sao lựa chọn được ĐBQH có tài, có đức cho nhiệm kỳ tới.
Trao đổi với ĐĐK, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng khi giới thiệu, lựa chọn người ứng cử làm ĐBQH, các cấp, các ngành, các địa phương cần phải sàng lọc hết sức kỹ lưỡng.
PV: Thưa ông, ông suy nghĩ gì về việc ông Phạm Phú Quốc là một đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhưng lại có 2 quốc tịch?
Ông Bùi Văn Xuyền: Trước kia Luật Tổ chức Quốc hội không quy định cụ thể về vấn đề quốc tịch. Cho nên các bước hiệp thương, giới thiệu, lựa chọn đại biểu qua các cấp, các ngành thì họ cũng không để ý nhiều đến vấn đề này. Vì ĐBQH là đại diện cho các tầng lớp. Rồi ngay bản thân Luật Quốc tịch cho phép công dân có quyền có 2 quốc tịch.
Vừa qua nổi lên việc có ĐBQH có 2 quốc tịch nên tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã sửa đổi thông qua Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Luật Sửa đổi có bổ sung thêm quy định ĐBQH chỉ có 1 quốc tịch để khắc phục việc ĐBQH có 2 quốc tịch. ĐBQH nào có 2 quốc tịch khi khai báo không trung thực thì phải xử lý. Hoặc khi bầu cử rồi, đến khi chính thức công nhận tư cách ĐBQH thì chúng ta cũng phải loại bỏ.
Đúng là do trước đây luật cũ chưa quy định cụ thể, đại biểu (ông Quốc - PV) cũng coi thường. Chắc chắn vấn đề này sẽ phải được xem xét xử lý. Quốc hội gần hết khóa XIV rồi mà để xảy ra câu chuyện này khiến dư luận xã hội có những đánh giá không hay. Cho nên vị trí, vai trò, trách nhiệm của ĐBQH trong việc làm tốt vai trò của mình chỉ là một chuyện. Còn giữ vững tâm thế, uy tín của người ĐBQH là một vấn đề vô cùng quan trọng.
Là một ĐBQH thì trước hết cần đặt vấn đề trung thực lên trên hết. Từ việc bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị bãi nhiệm tư cách ĐBQH từ đầu khóa do không trung thực trong vấn đề kê khai, có 2 quốc tịch nhưng không khai báo. Vậy thì bản thân ông Phạm Phú Quốc cũng phải thấy đó làm bài học khi có thêm quốc tịch Síp nhưng cũng không thông báo cho các cơ quan chức năng, thưa ông?
- Bản thân người khi tham gia ứng cử làm ĐBQH phải trung thực. Cá nhân tôi cho rằng, ĐBQH trước hết phải trung thực, phải khai báo ngay những vấn đề liên quan. Trong quá trình 5 năm, việc ĐBQH bị rơi rụng kỷ luật là chuyện không tránh khỏi. Có điều cần hạn chế đến mức thấp nhất. Nói, bầu 500 ĐBQH mà cả 500 an tọa đến hết khóa là hơi cầu toàn. Bởi thời gian, không gian, con người cũng có biến đổi.
Để phục vụ cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Vậy theo ông từ đó làm sao chọn đại biểu đủ tiêu chuẩn, chất lượng cho nhiệm kỳ tới?
- Công tác tuyển chọn ĐBQH có những đặc thù. Ví dụ số đại biểu làm ĐBQH chuyên trách là vấn đề công tác cán bộ của Đảng. Còn số đại biểu đại diện cho các ngành, đoàn thể, các giới thì MTTQ Việt Nam hiệp thương lựa chọn. Việc này vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình giới thiệu, sàng lọc.
Để chọn được ĐBQH tốt nhất, tránh sai sót, tránh lọt vào những đại biểu không đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí thì rõ ràng việc lựa chọn nhân sự để giới thiệu ứng cử làm ĐBQH cần phải chặt chẽ hơn nữa. Vừa qua trong Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội vừa mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 đã có những sửa đổi về tiêu chuẩn.
Trước đây trong tiêu chuẩn chung, nhiều ĐBQH đã đề nghị cần cụ thể hóa hơn nữa. Nhưng chúng ta cũng không thể cụ thể hóa hơn được nữa. Bởi lẽ, ĐBQH là đại diện cho các giai tầng, các tầng lớp trong xã hội để tham gia vào cơ quan Quốc hội. ĐBQH không chỉ có đảng viên, cán bộ làm việc tại các cơ quan nhà nước, mà còn có người ngoài Đảng. Vì vậy, không thể áp đặt tiêu chuẩn nào đấy giống như của đảng viên, hay cán bộ nhà nước vào trong tiêu chí, tiêu chuẩn của ĐBQH. Cho nên phải ghi ở mức chung nhất.
Đó là về mặt luật pháp, còn để tránh những hệ quả xảy ra, ngoài những tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định của luật, tôi cho rằng công tác tuyển chọn, hiệp thương giới thiệu người ứng cử làm ĐBQH cần phải làm kỹ hơn nữa. Làm sao bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và phát huy dân chủ. Việc phát hiện nguồn, quá trình hiệp thương giới thiệu cũng phải qua các bước sàng lọc, kiểm tra về mặt lý lịch, thực tiễn. Phải đầy đủ, chặt chẽ hơn tránh làm hình thức dẫn tới việc đưa những người không đủ tiêu chuẩn vào. Nó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của ĐBQH, uy tín vai trò của Quốc hội.
Theo tôi quan trọng nhất vẫn là lựa chọn tại địa phương, các cấp ngành. Ví dụ tôi giao cho anh chỉ tiêu, anh phải chọn được 2 ứng cử viên thực sự xứng đáng. Các tiêu chuẩn, tiêu chí cần căn cứ vào luật để lựa chon. Nếu lựa chọn người xứng đáng đủ năng lực, đạo đức sẽ là bước tốt cho việc bầu cử.
Lâu nay chúng ta hay đặt nặng vấn đề cơ cấu, vậy làm sao để vừa đảm bảo cơ cấu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, tránh việc vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, thưa ông?
- Trước tiên ĐBQH phải là người trung thực, đạo đức sau đó mới đến năng lực nhận biết về tiếp thu ý kiến của cử tri, phản ánh truyền đạt mọi thứ. Tiêu chuẩn là như vậy nhưng theo tôi việc lựa chọn giới thiệu người làm ĐBQH ở cơ sở, các cấp, các ngành là điều quan trọng nhất.
Cũng vì câu chuyện cơ cấu nên nhiều khi nhiệm kỳ này chúng ta cho cơ quan này có người tham gia làm ĐBQH. Tuy nhiên họ không tìm được người xứng đáng, thành ra lại đưa vào người không đạt đủ tiêu chuẩn. Cho nên cơ cấu cũng ảnh hưởng đến lựa chọn ĐBQH. Theo tôi cơ cấu chỉ là một phần, chất lượng là vấn đề cần đặt lên hàng đầu. Nếu muốn cơ cấu một đại biểu ở một ngành, địa phương, khu vực nào đó nhưng bản thân nơi đó thấy không tìm được người đủ tiêu chuẩn thì tôi nghĩ nơi đó cũng nên thôi.
Chất lượng ĐBQH quyết định chất lượng Quốc hội vì ĐBQH là hạt nhân của Quốc hội. Nếu ĐBQH có chất lượng, Quốc hội mới mạnh và thực sự gần dân. Chất lượng ĐBQH là vô cùng quan trọng. Đại biểu có cơ chế, có không gian để hoạt động thì đòi hỏi phải phát huy được năng lực. Lúc đó vai trò của Quốc hội mới được phát huy, thể hiện. Chất lượng đại biểu phải đặt lên trên hết nên các địa phương, đơn vị phải xem xét lựa chọn. Nếu đơn vị của anh không tìm được người, anh cũng phải chấp nhận.
Trân trọng cảm ơn ông!