Lựa chọn sách giáo khoa: Giám sát thế nào để minh bạch, khách quan?

Lam Nhi 01/11/2023 07:30

Trao quyền chọn sách giáo khoa (SGK) cho nhà trường làm sao để đảm bảo khách quan, minh bạch là vấn đề nhiều người quan tâm.

Phụ huynh cùng giám sát

Theo dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong các trường phổ thông vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, điểm mới so với quy định đang áp dụng là chuyển hội đồng lựa chọn sách từ các UBND tỉnh, thành phố về các trường học. Hội đồng lựa chọn SGK của các trường sẽ bao gồm hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên, đại diện ban phụ huynh. Vai trò của cha mẹ học sinh trong tình huống này là giám sát quy trình lựa chọn SGK để đảm bảo minh bạch, không có nghĩa vụ tìm hiểu chuyên môn.

Giáo viên là những người đã được tập huấn, bồi dưỡng về chương trình, SGK và sau đó sử dụng SGK vào việc giảng dạy. Hơn ai hết thầy cô sẽ người hiểu rõ nhất đâu là cuốn sách phù hợp nhất với học sinh của mình. Thầy cô dạy với cuốn sách mình chọn sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn trong khi những cuốn sách khác trở thành tài liệu tham khảo.

Ủng hộ trả lại quyền chọn SGK cho giáo viên, nhà trường, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng việc này giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xuất bản, đảm bảo việc chọn sách khách quan, minh bạch hơn trước. Chủ tịch hội đồng là hiệu trưởng nay sẽ phải chịu trách nhiệm về hoạt động, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch làm việc của hội đồng, giải trình việc lựa chọn SGK của cơ sở. Đây là cách làm hợp lý vì trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà trường phải là đơn vị sát sao nhất về chất lượng đào tạo ở trường mình, giáo viên chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo của lớp mình nên sự lựa chọn sẽ vì học sinh.

Đề cao trách nhiệm tự giải trình

Sau khi nghiên cứu dự thảo, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Liên cấp Marie Curie Hà Nội chia sẻ một số băn khoăn về việc thẩm định hồ sơ, phê duyệt kết quả lựa chọn của các cấp quản lý phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp tỉnh. Quy trình đầy đủ từng cấp nhưng khối lượng công việc càng lên cao càng nhiều và phức tạp bởi mỗi địa phương có hàng trăm, nghìn trường phổ thông. Mỗi trường lại có hàng chục môn học. Như vậy, riêng việc thẩm định số hồ sơ này cũng sẽ rất gian nan, mất thời gian. Vì vậy, thầy Khang đề xuất giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình về việc lựa chọn SGK cho cơ sở giáo dục.

Trước đó, một số đại biểu Quốc hội lên tiếng về tình trạng thiếu minh bạch, có thể tạo thế độc quyền về SGK ở địa phương. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy từng bày tỏ băn khoăn việc trao quyền quyết định bỏ phiếu chọn sách cho hội đồng gồm 15 người mà không quy định một cuốn sách được cơ sở lựa chọn với tỉ lệ bao nhiêu thì hội đồng phải chọn cuốn đó.

Như vậy, khi trao quyền tự chủ về chọn sách cho giáo viên, nhà trường chính là thể hiện sự tôn trọng ý kiến nhà trường, giáo viên trong việc chọn tài liệu dạy học. Ngược lại, điều này cũng đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn của giáo viên, nhà trường trước, các cơ quan cấp trên và học sinh, phụ huynh, khi đưa ra quyết định chọn sách. Để đảm bảo lựa chọn chính xác nhất, nhiều giáo viên mong muốn tăng thêm thời gian tìm hiểu SGK mới. Theo dự thảo, giáo viên sẽ có nửa tháng nghiên cứu tất cả các bộ SGK và đưa ra bản nhận xét, lựa chọn. Trong khi đó, việc giảng dạy cũng như các công việc chuyên môn khác vẫn thực hiện như bình thường, thầy cô khó lòng chuyên tâm nghiên cứu, so sánh các cuốn sách

Một điểm mới nữa cũng đang nhận được sự quan tâm: dự thảo quy định, trong quá trình sử dụng, nếu có kiến nghị của giáo viên, học sinh và phụ huynh, các nhà trường đề xuất Phòng hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách. Thực tế sau 3 năm triển khai chương trình và SGK mới có cơ sở giáo dục muốn thay đổi SGK khác do nhận thấy những điểm ưu việt, phù hợp hơn của sách khác so với sách đang sử dụng. Quy trình việc này ra sao cũng cần được hướng dẫn cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lựa chọn sách giáo khoa: Giám sát thế nào để minh bạch, khách quan?